Việt Nam Thời Báo

VNTB – Học trực tuyến trong mùa dịch: tiếp tục là giải pháp tình thế?

Diệp Chi

 

(VNTB) – Ngay sau mấy ngày nghỉ Tết Tân Sửu, nhiều trường học được yêu cầu giảng dạy trực tuyến trong thời gian chờ đợi…

 

Những ngày giáp Tết Tân Sửu, ở Việt Nam, liên tục xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Hết Quảng Ninh, Hải Phòng rồi lại đến Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương… và cả TP.HCM.

Khi đại hội Đảng 13 kết thúc sớm hơn dự kiến, chiều hôm đó, chính quyền TP.HCM ngay lập tức ban hành công văn cho học sinh nghỉ học sớm hơn (dự kiến trước đó của một số trường là vào khoảng 28 âm lịch mới cho học sinh nghỉ). Và khi chuẩn bị bước ra khỏi Tết, chính quyền lại ban hành một công văn cho học sinh tiếp tục nghỉ đến hết tháng 2. Thay vào đó là học sinh sẽ tiếp tục học bằng phương pháp trực tuyến.

Đại hội vừa kết thúc, chính quyền thành phố đã rất nhanh ban hành những biện pháp chống dịch. Trong thời gian tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, có thể nói, học trực tuyến là một biện pháp hữu hiệu để các em học sinh vẫn có thể tiếp tục những bài học, chương trình còn dở dang trên lớp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất cập, vẫn chưa thể giải quyết triệt để từ mùa dịch năm ngoái cho đến năm nay.

“Đúng là trong thời gian đang có những ca nhiễm trong cộng đồng, học trực tuyến là biện pháp hiệu quả trong việc vừa có thể đảm bảo bài vở trên lớp trên trường vừa đảm bảo về sức khỏe của mấy em học sinh, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra do dịch. Mình thì không phản đối phương pháp này nhưng mình thấy vẫn còn đó vấn đề chưa giải quyết được, gây khó cho phụ huynh.

Để học trực tuyến, tối thiểu gia đình phải có thiết bị như điện thoại thông minh hoặc máy tính để bàn, hay laptop. Tuy nhiên, không phải điều kiện kinh tế của mọi gia đình đều cho phép. Có người cho rằng giờ điện thoại thông minh không còn mắc như chục năm về trước. Điều đó không sai nhưng không đầy đủ. Như mình thấy, có gia đình, chỉ có mình ông chồng đi làm phụ hồ, nuôi hai đứa con, một đứa chuẩn bị vào đại học, một đứa học cấp 2, trang trải chi phí sinh hoạt, nhất là trong mùa dịch, đã khó khăn rồi, thì việc “bấm bụng” mua một chiếc điện thoại thông minh là điều khó khăn. Đó là chưa kể còn phải có mạng Internet hoặc đăng ký 3G, 4G nữa.

Rồi cũng có gia đình, ông chồng làm bảo vệ, bị thất nghiệp, xui cái đúng lúc đó xuất hiện những ca nhiễm cộng đồng, rồi Tết, xin việc không được, sống bằng trợ cấp thất nghiệp, rồi tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, con cái đi học… khó khăn tứ bề”, ông Nguyễn Văn Sơn kể.

“Ngày 16-2-2021, nhà trường thông báo ngày mai tất cả các em học trực tuyến, sẽ có điểm danh, ai không học sẽ tính một buổi nghỉ. Thật sự mà nói, với học sinh lớp 12 như em, qua Tết bước vào kỳ thi năng lực, hoàn toàn không muốn nghỉ học, nhưng vì nhà em không có điều kiện như những bạn khác nên em không có điện thoại thông minh, càng không có laptop hay máy tính. Em có trình bày với giáo viên chủ nhiệm thì được câu trả lời là em tự tính đi, cô không biết. Thật sự em cũng không biết như thế nào”, học sinh N.Đ.L., đang theo học tại một trường ở quận Phú Nhuận bối rối cho biết.

“Học online thì việc lợi ích đầu tiên là không phải tới trường, đỡ tốn thời gian đi qua đi lại. Thứ hai là có thể lưu lại bài giảng của thầy cô, lỡ đâu mà mình không hiểu chỗ nào mình có thể quay lại chỗ ấy để mình xem.

Còn về nhược điểm thì là nó cần phải có tính tự giác cao. Nếu học sinh, sinh viên không muốn học, dù là môn đó có điểm danh, vẫn có thể điểm danh xong treo máy đấy rồi làm việc khác. Tiếp theo nữa là không có tính tương tác trực tiếp với thầy cô”, sinh viên Phát của trường đại học Bách Khoa TP.HCM chia sẻ suy nghĩ.

“Đa số học online sẽ học thông qua phần mềm như Zoom hoặc Go to meeting hay dễ nhất là Zalo. Tuy nhiên, với những học sinh ở vùng quê, cha mẹ làm nghề nông, khó có thể có nhiều điều kiện để tiếp cận với công nghệ. Chính vì vậy, việc học online qua phần mềm sẽ làm khó cho nhiều gia đình không biết nhiều về công nghệ”, chị Ngọc, một phụ huynh ý kiến.

Dẫu biết rằng không phải cái gì cũng có thể hoàn mỹ. Nếu vẫn còn đó nhiều bất cập, thiết nghĩ, nhà trường cũng không nên quá cứng nhắc trong việc ép buộc các em phải học trực tuyến. Thay vào đó nên chăng có một phương pháp khác? Giáo viên dạy offline, quay hình lại, gửi link Youtube cho các em chẳng hạn. Hay giáo viên soạn nội dung bằng văn bản cho các em tự nghiên cứu, tự học.

Quá cứng nhắc, sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng cho gia đình của các em có hoàn cảnh khó khăn. Nhất là trong thời gian dịch Covid-19 vẫn còn đó…


Tin bài liên quan:

VNTB – Doanh nhân bất động sản kinh doanh vắc-xin Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Lại một cơ hội kiếm ăn…

Phan Thanh Hung

VNTB- Đàn , Bạn đọc và Covid

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo