Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam dự họp báo quốc tế về tự do tôn giáo tại Hà Nội

J.B Nguyễn Hữu Vinh


“Không hề hay biết” và sự thật trần trũi

(VNTB) Chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Heiner Bielefeldt, được tiến hành từ ngày 21 đến ngày 31/7/2014 đã kết thúc với cuộc họp báo tại Hà Nội và ra Tuyên bố báo chí về chuyến thăm Cộng Hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Báo cáo viên đặc biệt Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Heiner Bielefeldt. Ảnh JB Nguyễn Hữu Vinh.


Vi phạm nặng nề

Bản Tuyên cáo báo chí đưa ra dài 13 trang với những nhận định về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng – một trong những quyền phổ quát, cơ bản của quyền con người – tại Việt Nam. Nhận định chung của bản Tuyên bố báo chí, là những vi phạm nặng nề của Việt Nam về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Không chỉ về sự thiếu hụt các cơ sở pháp luật, mà còn là những hành xử của nhà nước đối với quyền con người căn bản này.

Buổi họp báo được quan tâm bởi nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn, báo chí Việt Nam và nhiều nhân vật thuộc Đại sứ quán các nước tại Việt Nam như Hoa Kỳ và một số nước khác.

Họp báo. Ảnh JB Nguyễn Hữu Vinh.


Điều đặc biệt ở cuộc họp báo này là ngoài các báo chí quốc tế, báo chí Việt Nam cử đại diện đến, thì thành viên Hội nhà báo Độc lập Việt Nam là ông J.B Nguyễn Hữu Vinh có mặt theo lời mời.

Thời lượng cuộc họp báo trong khoảng 1h30 phút. Báo cáo viên đặc biệt LHQ đã trình bày tóm tắt các nội dung chính về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam qua những thu thập được sau chuyến công tác của mình.

Bản tuyên bố và trình bày của ông Heiner Bielefeldt đã nêu bật những vi phạm trầm trọng của nhà nước Việt Nam, từ chính sách, luật pháp cho đến hành xử của chính quyền Trung ương và địa phương đối với các quyền tự do tôn giáo của công dân. Từ những vấn đề vi phạm bên ngoài xã hội dân sự cho đến những hạn chế, thiếu vắng sự chăm sóc đời sống tinh thần, tôn giáo của những người bị tù đày.

Bản Tuyên bố cũng đề cập đến những quyền căn bản của con người – quyền tự do tôn giáo của các quân nhân, một lực lượng mà dân chúng Việt Nam phải tham gia.

Không hề hay biết!?

Điều đặc biệt hài hước và vô lý, là hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam trong lĩnh vực này đã thể hiện rõ, nhưng khi ông hỏi Tòa án Nhân dân Tối Cao và các cơ quan trung ương khác, thì đều nhận được câu trả lời là không hề hay biết hoặc nhận được phản ánh của người dân trong xã hội về những vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Ông lưu ý nhiều đến việc quản lý tôn giáo của nhà nước và hình thức bắt buộc các tôn giáo trong việc ‘đăng ký’ các hoạt động của mình. Ông phủ nhận việc đăng ký như một yêu cầu phải có để thực thi quyền tự do tôn giáo, ông nhấn mạnh: “Như vậy, quyền của một cá nhân hay một nhóm đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của họ không bao giờ có thể “được tạo ra” bằng bất kỳ thủ tục hành chính nào. Đúng ra là ngược lại, việc đăng ký phải là phương tiện cho quyền con người này, mà bản thân quyền ấy phải được tôn trọng là có trước bất kỳ việc đăng ký nào. Trên cơ sở nhận thức chung ấy, việc đăng ký phải là một đề nghị của Nhà nước, không phải một yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý”.

Đặc biệt, ông nêu rõ quá trình làm việc của ông, nhóm Phật Giáo nhà nước đã cho ông biết rằng: “Dựa trên giả định rằng hầu hết các giá trị tôn giáo và lợi ích của Nhà nước trùng nhau, nhiều tôn giáo đã trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tổ chức tôn giáo lớn nhất trong Mặt trận Tổ quốc là Giáo Hội Phật giáo Việt Nam… Tuy nhiên, trong khi công nhận sự đa dạng ngay trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi lưu ý thấy thái độ phủ nhận các thực hành Phật giáo bên ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một vài chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết họ chưa bao giờ nghe thấy các nhóm Phật tử độc lập ở Việt Nam. Một số vị khác ám chỉ đến “quan điểm riêng” của một số cá nhân bị dẫn dắt bởi các tham vọng có vấn đề về mặt đạo đức và không đáng được chú ý nghiêm túc. Việc gán những mối quan tâm “ích kỷ” vặt vãnh cho những người đang thực hành Phật giáo hay các tổ chức tôn giáo ngoài các kênh chính thống là một điều được lặp đi lặp lại trong các cuộc trao đổi”.

Ông cũng lên án việc nhà nước Việt Nam đã không giữ những cam kết với LHQ khi ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, bằng chứng là hai chuyến đi thăm An Giang, Gia Lai và Kon Tum đã không thể thực hiện được bởi có nhiều ngăn cản. Đồng thời nhiều người đã gặp khó khăn vì bị ngăn chặn khi có ý định gặp ông mà cam kết của Việt Nam là ông có thể đi bất cứ đâu và gặp bất cứ người nào mà không bị hạn chế.

Ông đặc biệt lưu ý rằng tất cả mọi người đã gặp gỡ, cộng tác với ông đều phải được nhà nước Việt Nam tôn trọng như nghĩa vụ của mình đã cam kết trước HĐNQ LHQ.

Bản tuyên bố còn nêu rõ các định nghĩa, các giá trị về quyền tự do tôn giáo được phổ cập và thế giới công nhận. Trong đó quyền tự do tôn giáo là một quyền căn bản trong các quyền con người mà người dân phải được hưởng như Việt Nam đã ký cam kết trong các văn bản quốc tế.

Ông cũng cho biết rằng, phía nhà nước Việt Nam đã thông báo cho ông biết năm 2016 sẽ có Luật Tôn giáo ra đời và hi vọng sẽ là bước tiến để quyền tự do tôn giáo của người dân được đảm bảo hơn.

Đối diện sự thật

Sau đó, ông đã dành nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi. Các nhà báo được thoải mái để đặt các câu hỏi và ông đã trả lời trực tiếp.

Một nhà báo của Đài Truyền hình Việt Nam đặt câu hỏi theo hình thức ‘rửa mặt’ cho nhà nước rằng: “Ông thấy gì qua việc thời gian qua, nhà nước Việt Nam đã cho nhiều tổ chức tôn giáo được đăng ký hoạt động”?

Với câu hỏi này, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, ông Heiner Bielefeldt đã trả lời rõ ràng như sau: “Việc cấp các đăng ký hoạt động cho các nhóm tôn giáo nào đó, không thể hiện quyền tự do tôn giáo của người dân được tôn trọng. Bởi quyền tự do tôn giáo là hiển nhiên và nó có trước việc đăng ký. Quyền đó cao hơn cả việc đăng ký với nhà nước hoặc bất cứ tổ chức nào”.

Nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh – thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – đã đặt các câu hỏi như sau:

– Thưa ông, ông có nói rằng có những thay đổi trong văn bản luật pháp và năm 2016 sẽ có Luật Tôn giáo ra đời để cải thiện tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Nhưng, ở Việt Nam việc có văn bản luật pháp, Hiến pháp và thực hiện các văn bản đó là một khoảng cách. Ví dụ các bản Hiến pháp từ 1946 đến 2013 đều ghi rõ: Các cơ sở tôn giáo được luật pháp bảo hộ. Tuy nhiên đến nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã bị nhà nước lấy mất 2.500 cơ sở tôn giáo. Đặc biệt nhiều cơ sở bị lấy đi trắng trợn mà không có bất cứ một văn bản nào hợp với luật pháp từng thời kỳ của chính nhà nước Việt Nam. Cần làm gì để khắc phục trình trạng này?

Ông Heiner Bielefeldt đã trả lời rằng ông biết có những thông tin về việc tranh chấp đất đai, tài sản của các tôn giáo ở Việt Nam của nhà nước. Việc nhà nước tịch thu đất đai, không cấp các tư cách pháp nhân cho các tôn giáo và những hành động khác như là sự hạn chế quyền tự do tôn giáo của công dân. Việc cần khắc phục là nhà nước cần có các luật để quản lý xã hội, thực thi các luật ấy cách khách quan và công bằng. Trên hết là thừa nhận quyền tự do tôn giáo của công dân – dù được công nhận hay không – là bất khả xâm phạm.

Một số blogger và facebooker cũng đã đặt câu hỏi liên quan đến cách quản lý tôn giáo ở các nước khác và vai trò của các tổ chức tôn giáo trong việc cổ vũ quyền tự do, dân chủ của công dân. Ông Heiner Bielefeldt cho rằng: Việc các tổ chức tôn giáo cổ vũ quyền tự do, dân chủ cho người dân là quyền của họ trong một xã hội tiến bộ, không ai có thể can thiệp được.

Nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh – thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – đã đặt các câu hỏi như sau:

– Thưa ông, ông nói về bản Hiến pháp 2013 có những câu chữ tiến bộ hơn về quyền tự do tín ngưỡng. Vậy xin ông cho biết với một bản Hiến pháp mà trong đó ghi rõ rằng: Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh (là hệ chủ nghĩa và tư tưởng vô thần) làm cơ sở nền tảng cho đất nước. Vậy quyền tự do tư tưởng của công dân liệu có thể được đảm bảo hay không?

Một vấn đề nữa là ở Việt Nam, giáo hội Công giáo VN với 1/10 dân số đến nay vẫn không được công nhận tư cách pháp nhân. Do đó một cá nhân có nhiều tiền, có thể mở trường đại học, bệnh viện…, trong khi đó thì Giáo hội Việt Nam không hề được công nhận chức năng này. Về báo chí, cả Giáo hội đến nay không có một tờ báo nào để thông tin cho giáo dân biết các vấn đề trong và ngoài Giáo hội. Đặc biệt, khi có những mâu thuẫn, hệ thống báo chí nhà nước đã vùi dập Giáo hội Công giáo bằng những trò vu cáo và dối trá. Ông nhận định thế nào và trong các cuộc làm việc với nhà nước Việt Nam, ông có đề cập vấn đề này hay không?

Ông Heiner Bielefeldt cho biết, việc được tự do báo chí, tự do biểu đạt tiếng nói của mình là một trong những quyền căn bản của con người để đảm bảo tự do tôn giáo. Mặt khác, ở Việt Nam đã hạn chế quyền tự do tôn giáo bằng cách không công nhận tư cách pháp nhân cho các tổ chức tôn giáo, do vậy các tổ chức này không thể có các hoạt động bình thường như mua bán, giao dịch, thừa kế… Đây là sự vi phạm có hệ thống của nhà nước Việt Nam.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, ông có thông tin về việc Giáo hội Công giáo chỉ được mở một số lớp nhà trẻ mà không được tham gia vào việc giáo dục cho giáo dân cũng như công dân. Mới đây ông có thông tin rằng một Đại học Công giáo đã được khởi xướng và sẽ ra đời. Ông hi vọng sẽ có kết quả tốt đẹp hơn.

Không thể “hiểu lầm”

JB Nguyễn Hữu Vinh tại cuộc họp báo

Một nhân viên Bộ Ngoại giao cũng đã phát biểu một số điều về công lao của Việt Nam trong việc đón tiếp đoàn của Báo cáo viên đặc biệt LHQ đến Việt Nam. Ông này không giới thiệu chức danh – ông cho biết: Đã một số lần đón tiếp các báo cáo viên và đây là nỗ lực lớn, cũng như là thiện chí của Việt Nam. Việc xảy ra sự cố không đi đến được An Giang, Gia Lai, Kon Tum, việc ông Heiner Bielefeldt nói rằng một số người bị ngăn cản là những việc do hiểu lầm mà tạo ra.

Ông Heiner Bielefeldt trả lời: Như phần đầu bản Tuyên bố, ông đã cảm ơn nhà nước Việt Nam đã đón ông như đã cam kết với LHQ. Tuy nhiên việc một số người bị ngăn cản, việc không thể đi đến các tỉnh như kế hoạch của ông, không thể giải thích là sự hiểu lầm và dù có sự hiểu lầm, thì điều đó cũng hoàn toàn không giải thích được thỏa đáng việc bảo đảm quyền bí mật, riêng tư của Báo cáo viên đặc biệt của LHQ.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Tin bài liên quan:

Ngã gục trên đường, tử vong sau khi bị CSGT đánh

Phan Thanh Hung

VNTB – Lễ Cầu Nguyện Đa Tôn Giáo tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về tự do tôn giáo 31/01/2023

Baraju T. Ogelefecejo

Blogger Mẹ Nấm: Nỗi buồn khi nhận giải thưởng nhân quyền

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.