VNTB – Hợp pháp hóa kinh doanh tình dục?

VNTB – Hợp pháp hóa kinh doanh tình dục?

Hiền Lương

(VNTB) – Gác qua vấn đề đạo đức, thì việc kinh doanh tình dục sẽ giúp thêm cơ hội mưu sinh một cách tử tế của những cô gái buôn phấn bán hương.

Một câu chuyện cũ.

Ngày 23-10-2015 tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, một quan chức cấp phó của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM, nhắc lại đề xuất thành lập khu dịch vụ nhạy cảm ở một số tỉnh thành. Nơi thí điểm là địa phương trọng điểm về tình hình mại dâm, như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…

Pháp luật Việt Nam không công nhận mại dâm là một nghề và đây là hoạt động vi phạm pháp luật. Nhưng vị phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM thừa nhận: “Cần thay đổi quan điểm, nhận thức về công tác phòng chống mại dâm. Phải vừa làm vừa thử nghiệm thì mới biết được mô hình nó ưu – nhược đến đâu. Cứ giữ mãi quan điểm cũ phải thế này thế kia, nhưng bao nhiêu năm rồi mà công tác vẫn cứ rầy rà như thế”.

Trước đó nữa, phía lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM cũng đưa ra ý kiến là nếu kiểm soát nghề kinh doanh tình dục, thì trước tiên sẽ giúp quản lý tốt hơn việc phòng các bệnh hoa liễu. Các đội đồng đẳng mà tổ chức hội này quản lý là một dẫn chứng.

Đội đồng đẳng là tập họp các cô gái từng sống bằng nghề buôn phấn bán hương, với nguồn tài trợ từ các chương trình phòng chống HIV, những cô gái này tự nguyện tìm đến các hoàn cảnh vẫn phải theo nghề để phát bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí. Chương trình này khi mới bắt đầu cũng vấp nhiều phản ứng, dần dà mọi chuyện cũng thành nếp…

Quan điểm của Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM cho công việc trên, đó là ở góc cạnh xã hội, việc coi mại dâm là một nghề chứ không phải là một tệ nạn sẽ giảm được áp lực dư luận, sự kỳ thị của cộng đồng với những người làm việc này. Đồng thời cũng giúp được các cô gái hành nghề này hạn chế được việc lây tật bệnh cũng như vấn nạn ma cô bảo kê.

Ngày 28-3-2018, cuộc hội thảo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức, đã thảo luận về định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm ở Việt Nam đã dấy lên quan điểm tranh luận rất quen thuộc đó là “nên hay không nên coi mại dâm là một nghề ở Việt Nam”.

Một tham luận tại hội thảo này đưa ra lập luận như sau – trích:

Trước hết, mại dâm được xuất hiện là do nhu cầu đòi hỏi của người cần thỏa mãn các nhu cầu về tình dục, cũng có thể được hiểu là đã có cầu thì ắt sẽ có cung. Khi đó, mại dâm được biết đến ở Việt Nam dưới dạng là các kỹ nữ nhằm phục vụ cho các quan triều thần từ thời phong kiến. Sau đó, theo sự phát triển của xã hội, đối tượng có nhu cầu mua dâm đã được mở rộng hơn.

Cho đến càng về sau, khi xã hội phát triển ngày càng phức tạp và đa dạng hơn, đặc biệt là sự phân hóa xã hội và sự phát triển của nền kinh tế thị trường khiến cho nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong cuộc sống, trong tìm kiếm việc làm nên đã chấp nhận bán thân xác.

(…) Cũng có những người bị khuyết tật, sống độc thân hoặc đã xa vợ hay xa chồng nhiều ngày bị bức xúc nhu cầu về sinh lý nên cũng đã tìm đến mại dâm khiến cho hoạt động này đã được cộng hưởng theo kiểu cũng có thể được hiểu đó là một dạng của quan hệ cung – cầu phát triển. Từ đó, người thực hiện hành vi bán dâm không chỉ giới hạn trong nữ giới mà còn lan sang cả nam giới và những người đồng tính.

Và có một điều rất đáng nói ở đây là, theo sự phát triển của nhận thức trong một xã hội văn minh thì tình dục đã được xem như là một hoạt động và là hành vi bình thường của con người, vì thế nên không nên có cái nhìn khắt khe và cần được giải phóng tình dục, được gọi gọn lại hành vi tính dục.

Đặc biệt, nghiên cứu mới đây nhất đã được công bố trên trên tạp chí Management đã cho thấy, tình dục đã đóng vai trò như một hình thức tập thể dục hiệu quả. Theo đó, các kết qủa nghiên cứu đã cho biết, nếu người nào mà quan hệ tình dục 1-2 lần mỗi tuần thì đó là tần suất tối ưu để giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch.

(…) Từ góc độ con người, tình dục là một quyền năng cơ bản tự nhiên của con người không thể bị ngăn cấm.

Tuy nhiên, tình dục lại gắn liền với danh dự và nhân phẩm của một con người. Cũng dễ nhận thấy, các con vật khi thực hiện các hành vi tính dục cũng thể hiện sự tự nguyện mà không có sự cưỡng bức. Do đó, theo cách hiểu thông thường nhất, hoạt động tình dục lành mạnh và chỉ đúng với lẽ thường chỉ được thừa nhận khi có sự tự nguyện của cả hai bên trong quan hệ và không vì một lợi ích vật chất hay tinh thần nào khác.

Do vậy, mọi hành vi mua bán dâm đều được coi là trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội khi được nhìn từ góc độ xã hội”.

… Gác qua các lập luận đạo đức, những người hoạt động mại dâm cũng là những con người và họ có quyền được sống, được bình đẳng đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội…  Bởi vậy, các giải pháp cho vấn đề mại dâm cần đạt đến mục tiêu tôn trọng quyền cơ bản của con người, vì giống nòi, vì một dân tộc phát triển khỏe mạnh và không có HIV/AIDS.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 11 months

    “Gác qua vấn đề đạo đức, thì việc kinh doanh tình dục sẽ giúp thêm cơ hội mưu sinh một cách tử tế của những cô gái buôn phấn bán hương”

    Rất tán thành . Phạm Đoan Trang cũng nói nhiều về “nếu hổng bàn tới đạo đức”. Làm kiểu này đúng là “đọc sách cùng Trang”