Út Sài Gòn
(VNTB) – In chữ nổi trên mũ bảo hiểm là nhằm giúp cho cảnh sát giao thông dễ nhận thấy khi xử lý vi phạm về việc đội nón bảo hiểm của người đi mô tô, xe máy và xe đạp điện; đồng thời cũng nhằm ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng.
Dường như mấy vị quan chức bàn giấy ở Ủy ban An toàn quốc gia có ý chê cảnh sát công lộ xứ Việt toàn có ‘tầm nhìn gần’…
Theo một số nguồn tin từ các tờ báo điện tử, Ủy ban An toàn quốc gia (ATGTQG) đang soạn dự thảo chỉ thị, xin ý kiến của các Bộ, ngành qui định đúc nổi trên nón dòng chữ “mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy”. Mục đích của ý kiến này là nhằm giúp cho cảnh sát giao thông dễ nhận thấy khi xử lý vi phạm về việc đội nón bảo hiểm của người đi mô tô, xe máy và xe đạp điện; đồng thời cũng nhằm ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng.
Cũng giống như vấn đề đổi tên xe bus thành xe khách thành phố, in nổi chữ trên nón bảo hiểm được nhiều người bàn ra tán vào.
– Ái chà, thật là tào lao quá đi mà.
– Anh đang nói đến vụ đổi tên xe bus thành xe khách thành phố hả anh Tám?
– À, chuyện đó cũng rảnh rỗi sinh nông nỗi đấy nhưng chuyện tui nói ở đây là vấn đề in chữ nổi, cái dòng “mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy” đó mà. Không biết mấy ổng nghĩ gì mà đưa ra ý kiến đó cho được.
– Tui có nghe nói đến vụ này. Theo như ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGTQG thì làm thế để cho cảnh sát giao thông dễ nhìn thấy mà xử lý vi phạm về việc đội mũ bảo hiểm của người đi mô tô, xe máy và xe đạp điện.
– Tui nói thiệt, với mấy đường kẹt xe, cảnh sát giao thông lo điều tiết không thôi là cũng đủ mệt mỏi rồi, ở đó mà thấy vi phạm nón bảo hiểm để mà phạt. Còn với mấy đường vắng, tui thấy mấy anh chủ yếu phạt lỗi vi phạm giao thông thôi, ai rảnh đâu đứng ngoài đường dòm chăm chăm coi nón bảo hiểm nào có in chữ lên hay không? Mà với trình độ của cảnh sát giao thông, không lẽ không phân biệt được đâu là nón đúng quy định của pháp luật? Còn nếu nói muốn phân biệt hàng giả – hàng thật, không lẽ làm hàng giả không biết in chữ nổi lên à?
– Ờ, anh nói nghe cũng có lý. Vụ này tui cũng thắc mắc, không lẽ đưa ra quy định vậy, ví dụ như suôn sẻ hết, người dân mình phải đi mua nón mới à?
– Nếu đúng như vậy thì phải nói là quá tốn kém, nếu lời thì chỉ có mấy cơ sở bán nón có in mấy dòng đó lời thôi. Mà tui thấy nó giống như câu chuyện ngụ ngôn mà ngày xưa được học hay sao á, truyện “ở đây có bán cá”.
Nhìn trên đầu đang đội cái gì là biết có phải nón bảo hiểm hay không rồi, nếu là nón lưỡi trai hay nón không tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cảnh sát giao thông tự khắc nhận ra chứ, có thể nói việc in dòng chữ lên nón bảo hiểm giống như đang coi thường mấy anh giao thông vậy?
Có hay không hàm ý ngầm là mấy anh không có năng lực hay không nắm rõ luật để biết ai đang đội nón không phù hợp với quy định? Đó là chưa kể nón bảo hiểm thì đương nhiên là dành cho người đi xe môtô, xe máy rồi. Đi xe hơi được bao nhiêu người đội nón bảo hiểm? Có thể có nhưng bản thân tui thì chưa gặp bao giờ.
Nói chung, tui nghĩ vầy nè, thay vì ngồi in chữ lên nón, tại sao không siết chặt công đoạn kiểm tra, đảm bảo chất lượng? Song song đó có thể tích cực tuyên truyền mạnh hơn nữa vụ nón bảo hiểm chất lượng. Như vậy không phải phiền dân.
Có thể nói, dịch Covid19 kéo quá dài, người dân cùng chung tay với chính quyền vừa chống dịch vừa giữ vững kinh tế, kiếm sống qua ngày vốn dĩ đã khó khăn, giờ đây với cái quy định in nổi chữ trên nón bảo hiểm, chẳng khác nào kêu người dân phải mua mới toàn bộ? Đó là chưa kể đến việc không biết rằng, ông Hùng có nghĩ đến việc không phải tất cả mọi người đều đội nón sai quy định, có người chấp nhận bỏ một số tiền không nhỏ ra mua một cái nón bảo hiểm xịn, xài được qua nhiều năm, giờ nghe theo ý kiến của ông Hùng, phải bỏ?
Nếu ông cho rằng với những trường hợp như vậy, không bỏ? Chỉ cần ra chỗ nào đó in dòng chữ vào, vậy thì chẳng khác nào kêu người dân phải bỏ thời gian chờ đợi cho một công việc mà chỉ cần nhìn vào đã rõ vật dụng đó là gì?
Dù tốn tiền cho nón mới hay tốn thời gian chờ đợi, có lẽ người dân vẫn là cực nhất…