VNTB – Khi “hoàng đế” Nguyễn Phú Trọng thân chính đi sứ

VNTB – Khi “hoàng đế” Nguyễn Phú Trọng thân chính đi sứ

Cát Tường

 

(VNTB) – Xem chừng ông Nguyễn Phú Trọng không có được cái dũng của hoàng đế Quang Trung.

 

Sách Hoàng Lê nhất thống chí và Việt Nam sử lược đều chép rằng người đóng vua Quang Trung là Phạm Công Trị, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu. Còn theo Đại Nam chính biên liệt truyền, người đó là tướng Nguyễn Quang Thực, người Nghệ An.

Sau đại thắng tết Kỷ Dậu 1789, uy thế của triều đại Tây Sơn rất lớn. Tuy nhiên, vua Quang Trung nhận định nhà Thanh “sau khi bị nhục một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo báo thù. Như thế, việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân”.

Do đó, nhà vua thi hành chính sách ngoại giao khôn khéo, linh hoạt. Trong khi đó, quan lại nhà Thanh đang cai quản những vùng đất giáp nước ta như Phúc Khang An, Thang Hùng Nghiệp… cũng rất sợ nếu phải đối đầu quân Tây Sơn, nhất là khi bài học từ Tôn Sĩ Nghị vẫn còn nguyên vẹn.

Theo kế của Ngô Thì Nhậm, tháng 1-1790, vua Quang Trung sai người đóng giả mình cầm đầu đoàn sứ bộ hơn 150 người, gồm các quan văn võ cao cấp như Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Tiến Lộc… sang Trung Quốc.

Sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại rằng vua Càn Long tỏ ra rất trân trọng, chu đáo. Phái đoàn đi đến đâu cũng được đón tiếp long trọng.

Tháng bảy năm Canh Tuất, đoàn đến Yên Kinh (Bắc Kinh) vào lúc lễ vạn thọ (mừng Càn Long 80 tuổi) đã được cử hành, vua đã đi nghỉ mát ở Nhiệt Hà. Khi biết tin sứ bộ tới, hoàng đế nhà Thanh cho mời đoàn đến Nhiệt Hà, tiếp đãi trọng hậu rồi ban thưởng rất nhiều.

Ngoài viên ngọc như ý, tòa ngọc phật và nhiều phẩm vật quý lấy từ kho thượng phương, cả đoàn được tặng tới một vạn lạng bạc. Những người đi theo đều được ban thưởng mũ áo.

Theo Đại thanh thực lục, số tiền nhà Thanh chi tiêu để đón tiếp phái đoàn là 80 vạn lạng bạc.

Với phương châm ngoại giao đúng đắn của hoàng đế Quang Trung, từ kẻ thù không đội trời chung, nhà Thanh và vương triều Tây Sơn đã nhanh chóng nối lại quan hệ giao hảo. Quan hệ hai nước được mở ra một trang sử mới.

Sách sử cũng cho biết, với các nước chư hầu thì phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa băng hà (để phúng điếu), và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).

Vừa qua, cũng thời “đi sứ” nhưng theo thú nhận đầy hồn nhiên hôm 19-11-2022 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì quả là không tìm ra đâu được một Ngô Thì Nhậm thời nay, và cái dũng của thánh nhân xưa giờ cũng không còn nữa với một Nguyễn Phú Trọng, người đã liên tiếp 3 nhiệm kỳ liền ngồi ghế Tổng bí thư.

Theo tường thuật của báo Công an nhân dân (Bộ Công an) trong bài “Tổng Bí thư thông tin tới cử tri Hà Nội về chuyến thăm chính thức Trung Quốc”, có đoạn trích lời dẫn trực tiếp gây bất ngờ cho độc giả:

“Vừa rồi các chuyến đi thăm Trung Quốc của tôi thế giới quan tâm để ý lắm cũng có nhiều đặc biệt, một thực tế là trước khi Trung Quốc đại hội chưa biết ai là Tổng Bí thư nhưng Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có thư mời Tổng Bí thư ta sang thăm Trung Quốc và là vị khách quốc tế đầu tiên sang thăm chính thức, bạn cũng khẳng định sẽ đón vào ngày 30/10 và chúng ta sang đúng vào ngày đó. Sang thăm thì Trung Quốc dành rất nhiều ngoại lệ, trong điều kiện dịch bệnh nhưng bạn đón tiếp như thế nhiều người bình luận chưa từng có, rất là đặc biệt nhất là dư luận quốc tế đánh giá cao”.

Báo Nhân Dân khi tường thuật cùng sự kiện thời sự trên, đã chọn dẫn gián tiếp và lược bỏ phần ấn định thời gian từ phía Trung Quốc:

“Trước sự quan tâm của cử tri về chuyến thăm chính thức Trung Quốc vừa qua, Tổng Bí thư cho biết, trước Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có thư mời Tổng Bí thư Đảng ta thăm chính thức. Dù Trung Quốc đang thực hiện “Zero Covid” một cách tuyệt đối nghiêm ngặt, nhưng chuyến thăm diễn ra ngay sau Đại hội Đảng của bạn và được tổ chức đón tiếp chu đáo, trọng thị, thân tình, ngoại lệ. Điều đó thể hiện rõ quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và uy tín vị thế của Đảng ta, đất nước ta”.

Từ nội dung hai bản tin trên cho thấy có một sự thật khó lý giải về nguyên tắc ngoại giao: Nếu đã mời khách không nhằm đến dự/ chứng kiện sự kiện nào đó, vậy thì vì sao lại ấn định cụ thể cho khách về khung thời gian nên có mặt?

Nếu gọi đây là chuyến “đi sứ” mang tính “triều cống” ra mắt tân Tổng bí thư khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì xem ra hợp lý hơn; và qua đó cho thấy đến tận lúc này lãnh đạo Việt Nam vẫn quanh quẩn tâm thế cúi đầu trước đe dọa Bắc thuộc.

Ông Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, đã lần thứ ba tái đắc cử Tổng bí thư Trung Ương Đảng khóa XIII hôm 31-1-2021. Ông là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII. Ông cũng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)