Phùng Hoài Ngọc
VNTB – “Kẻ chiến thắng trên chiến trường chưa phải đã tới đích, thậm chí ngày càng xa đích”– sử thi Mahabharatha.
*
Cuộc chiến Việt Nam 1954-1975 diễn ra trong vòng 20 năm.
41 năm đã đang trôi qua, mà, hậu quả chưa được giải quyết thấu đáo.
Câu hỏi nhức nhối: hậu quả sẽ còn kéo dài tới bao giờ ?
Nếu những kẻ chủ trương gây cuộc chiến biết trước hậu quả này, họ có làm không?
Hay là “tiếc thay tay đã nhúng chàm, dại rồi còn biết khôn làm sao đây?” (Kiều – Nguyễn Du)?
* *
Nhà văn G.G. Marquez [1]* xứ sở Mỹ La tinh đoạt giải Nobel văn học 1982 với tiểu thuyết“Trăm năm cô đơn” viết từ năm 1967 (cũng vào thời gian đó, chiến tranh Việt Nam đang ngày càng lan rộng theo hướng từ Bắc đến Nam, ào ạt mạnh mẽ trên cả hai miền, song song với các chiến dịch không kích miền Bắc của quân đội Mỹ).
Nhà văn cho rằng, tất cả những người chủ trương chiến tranh đều không biết chân lý này, qua suy ngẫm của nhân vật đại tá Aureliano:
“Khởi sự một cuộc chiến bao giờ cũng dễ dàng hơn nhiều so với việc kết thúc nó”.
Aureliano trầm tư suy ngẫm lúc về già:“chàng đã bước tới những thái cực không muốn của tội ác…”. Viên đại tá nhớ lại những tội ác mình đã gây ra, vô tư, say mê như trò chơi tập trận giả thời niên thiếu. Và nay ông giật mình, thảng thốt vì không thể làm lại cuộc đời.
Lý do khai chiến – ngọn cờ và khẩu hiệu
– “Mình đã chiến đấu vì chính sự giải phóng mình, vì những khẩu hiệu do các chính khách có thể phất mặt phải hay phất mặt trái, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể” (phất phải phất trái: cụ thể là phe cánh Tả hay cánh Hữu, mở rộng ý nói thay đổi bề mặt khẩu hiệu, tức thay đổi nội dung – PHN).
Cuộc đời nhân vật đại tá Aureliano trải qua 32 cuộc Nội chiến gian nan, để cuối cùng đất nước Colombia thuộc vùng Mỹ la tinh này đạt tới một nền cộng hòa đúng nghĩa (không có đuôi).
Ấn Độ cổ đại và Hi lạp La mã cổ đại được coi là hai xứ sở đầu tiên viết sách về chiến tranh và chỉ ra nguyên nhân nội chiến.
Nguyên nhân sớm nhất là sự tranh giành quyền lợi và đất đai, giữa hai nhánh của một dòng họ vua Bharatha, dẫn đến trận chung kết nội chiến trong vòng 18 ngày. Đạo sĩ Vyasa viết nên bộ sử thi sớm nhất thế giới mang tên Mahabharatha. Là bộ thiên sử thi dài nhất thế giới, tác phẩm Mahabharatha được coi là đại bách khoa toàn thư về các truyền thuyết, lịch sử và các thể chế chính trị xã hội của Ấn Độ cổ xưa … Mahabharata ra đời khoảng thế kỷ 5 trước CN, kể chuyện dòng dõi vua Bharata thế kỷ 11 TCN đến thế kỷ 10 Tr.CN.. Dòng người anh có 5 hoàng tử, dòng em có 100 hoàng tử. Dòng em lấn át cướp hết đất đai của dòng anh. Cuộc nội chiến bắt đầu, kéo theo nhiều nước lân cận tham gia, chia vào hai phe. Dưới đây là cảnh cuộc chiến ngừng lại:
“Đêm xuống, cánh đồng tối đen mênh mông. Rì rầm tiếng khóc của những bà mẹ, người vợ lần mò bới đống xác tìm chồng con. Tiếng khóc của họ bị át đi bởi tiếng ếch nhái ì ọp ngộp thở vì máu người ngập hang lỗ, buộc chúng phải ngoi lên mặt ruộng.
“Năm anh em đã chiến thắng, anh cả lên ngôi vua, nhưng họ nhận thấy hóa ra họ đã thất bạ. Bỏ laị ngôi vua, họ hối hận dắt mẹ già hành hương về phía núi Hymalaya…”.
Anh cả Yiuhitira cúi đầu buồn bã bước lên ngôi vua, nói với mẹ “Quả là đất nước đã về tay chúng con, nhưng anh em thân thiết đã chết gần hết cả rồi. Con xem chiến thắng này là một thất bại lớn. Người anh hùng chiến thắng trên chiến trường chưa phải đã tới đích, thậm chí ngày càng xa đích”. Vì thế họ còn phải tiếp tục đi nữa. Họ đi về phía thế giới thần linh đóng trên đỉnh núi Hymalaya, cầu xin được tha thứ.
Chiến tranh Việt Nam thế kỷ 20 thực ra còn khốc liệt hơn cuộc chiến cổ đại Ấn Độ. Hậu quả khó tưởng tượng: hàng triệu nạn nhân chất độc da cam ba thế hệ còn đang quằn quại, hàng vạn binh sĩ tử trận vẫn còn được nghe đọc tên mình trong chuyên mục tìm hài cốt/mộ trên đài VOV2 lúc 14h15 hàng ngày, chưa biết bao giờ chương trình này mới chấm dứt. Những bộ xương thất lạc ấy không biết còn tồn tại được bao lâu thì thành cát bụi, khi ấy vĩnh viễn không tìm được nữa. Có cả trang web tìm mộ liệt sĩ. Còn tử sĩ “bên thua cuộc” thất lạc nữa, tính sao đây ?
Nhiều văn nghệ sĩ đã viết về hậu quả bi thương của cuộc chiến từ sau 1975. Theo chúng tôi, có hai tác phẩm lừng danh có thể sánh ngang, thậm chí hơn những tác phẩm kinh điển thế giới. Đó là “Nỗi buồn chiến tranh” tiểu thuyết của Bảo Ninh và “Đời cát” kịch bản phim truyện cuả Nguyễn Quang Lập.
.
“ Nỗi buồn chiến tranh” [2]*sau khi bản thảo được công bố, việc xuất bản cũng lắm truân chuyên. Đầu tiên nó phải mang cái tên giả là “Thân phận của tình yêu” rất sến thì mới qua mặt được kiểm duyệt của tuyên giáo. Nhà xuất bản Trẻ ở Sài Gòn với phong cách nghĩa khí Nam Bộ “chơi luôn, sợ quái gì” đã đỡ đầu cho tác phẩm, trong khi ở Hà Nội không nhà xuất bản[3] nào dám in mặc dù các biên tập viên đều rất mê bản thảo, chỉ vì ở “gần mặt trời”. Mãi về sau mới được phục hồi tên khai sinh ở Nhà xuất bản Phụ Nữ.
Bào Ninh không chỉ miêu tả nỗi buồn chiến tranh mà còn ký thác vào đấy những nỗi buồn ý thức hệ, nỗi buồn chính trị, nỗi buồn kinh tế, nỗi buồn văn học nghệ thuật, nỗi hận nhân tình thế thái và nỗi buồn tình yêu. Có nhà nghiên cứu say mê NBCT mà phát biểu rằng, từ sau 1975 đến nay chỉ có Nỗi buồn chiến tranh là đỉnh cao không ai qua mặt được [4]. Quả là, nếu xét về sức nặng của những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật tiểu thuyết này “Ví đem vào Hội Đoạn trường/ thì treo giải nhất chi nhường cho ai” (Kiều- Nguyễn Du).
Phim truyện“Đời cát” kịch bản cuả Nguyễn Quang Lập phóng tác truyện ngắn “Ba người trên sân ga” của nhà văn Hữu Phương. Đời cát tuy không có bề rộng và trọng lượng sánh bằng “Nỗi buồn chiến tranh” nhưng có độ sâu bất ngờ, xúc cảm đặc biệt, có thể gọi là một “Nỗi buồn hậu chiến tranh”.
Nhà văn Hữu Phương[5]* góp công đầu với cái xương cốt truyện ngắn, Bọ Lập đắp cho nó toàn bộ da thịt và đặc biệt tạo ra tấm linh hồn bất tử. Ngay cả cái tên phim “Đời cát”[6]* , Bọ Lập cũng gửi vào đấy một triết lý truyền thống kinh hồn. Người dân trong cuộc chiến như hạt cát, bãi cát cho con người xéo lên không ngần ngại, chẳng phải thương tiếc. Cát là bất tử. “Đời cát” chỉ xét về mặt tư tưởng, có thể nói đã vượt trên “Chinh phụ ngâm khúc” (Chinh phụ ngâm khúc chỉ miêu tả được nỗi khổ của chinh phụ khi chiến tranh đang diễn ra. Còn trong Đời cát, chinh phụ đau lòng hơn nhiều khi chiến tranh đã kết thúc, phải nhấm nháp nỗi đau suốt đời. Tuổi xuân người phụ nữ đã héo khô, cay đắng đón mừng kẻ chinh phu trở về quê dẫn theo một cô vợ mới và trẻ ở bên kia bờ Bắc.
Nếu so sánh với Mahabharatha thì “Đời cát” mặc dù không có máu rơi ngập cánh đồng, mà thực ra còn đau xót hơn biết bao lần. Nhờ nghệ thuật hiện đại, Đời cát miêu tả được sự lay động cảm xúc nhức nhối và hoàn cảnh éo le đầy kịch tính. Với sử thi Mahabharatha người đọc ba nghìn năm qua chỉ thấy hoảng sợ kinh hãi thì khi xem “Đời cát” người ta dấy lên bao cảm xúc trái ngược, suy tư bất tận, đối với con người cả hai phía. Và đặc biệt lòng vị tha hi sinh cao quý, cảm thông và tha thứ cho nhau của những người đối mặt hằn thù nay ở chung một mái nhà. Bộ phim làm rơi bao nước mắt dân tộc Việt cả hai phía. Và dấy lên câu hỏi cuối cùng: ai là nguyên cớ gây cuộc chiến? hòa giải hòa hợp như thế nào đây, biết chừng nào là đủ ?! [7]*
(ảnh: diễn viên Hồng Ánh vai Tâm cô vợ sau- đối diện Mai Hoa vai bà Cảnh người vợ cũ).
Kết
Mỗi dịp tháng Tư, xem TV tôi phải vội chuyển kênh mỗi khi thấy ca múa nhạc xanh đỏ tím vàng khoe khoang chiến thắng ầm ĩ. Sao họ có thể bất nhẫn mà vui mừng hỉ hả với đồng đội cũ nay đang mục nát trong ngôi mộ có bia và nhiều người khác thành cát bụi nơi vô định, chưa nói những nỗi đau của đồng bào phiá bên kia. Thực ra họ có vui được không với niềm vui giả tạo do bộ máy tuyên truyền dàn dựng bằng tiền thuế của NHÂN DÂN? Thực ra, ai mới là kẻ vui mừng ?
PHN
[1] *. Nhà văn Gabriel José García Márquez (6.3.1927 – 17.4. 2014) là người Colombia. Ông cũng là nhà báo và một người hoạt động chính trị. Nổi tiếng hơn cả là “Trăm năm cô đơn” (Cien años de soledad), Márquez là đại diện tiêu biểu của nền văn học Mỹ Latinh.
[2]*. Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” đoạt giải nhất Hội Nhà văn năm 1991, sau được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức, Hi Lạp, Ý, Nhật, Hà Lan, Bồ đào nha, Đan Mạch, Na Uy và Ba Lan. Bản tiếng Anh là “The Sorrow of War” của ba dịch giả: Frank Palmos (nhà báo Úc), Võ Băng Thanh, Phan Thanh Hảo.
[3]*. Nhà văn Tô Hoài với bản thảo tiểu thuyết “Ba người khác” ký ức sám hối về Cải cách Ruộng đất cũng không dám in ở Hà Nội, phải tìm nơi xa xa một chút, gửi vào Đà Nẵng mới xuất bản được.
[4]*. Hai đạo diễn trong nước như Hải Ninh, Khánh Dư đã dự tính làm phim, sau bó tay. Đạo diễn Mỹ Nicolas Simon dự định chuyển thể phim The Sorrow of War tại Hollywood, đã làm đủ thủ tục, nhưng cũng lại bỏ cuộc vì bao khó khăn khôn lường.
[5]*. Tác giả Hữu Phương nguyên giảng viên Trường Cao đẳng SP Quảng Bình, truyện ngắn “Ba người trên sân ga” của anh đăng trên báo Văn nghệ.
[7] *. Nữ diễn viên Hồng Ánh sắm vai người vợ trẻ quê Bắc vào thăm nhà chồng trong Nam, được tặng giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất liên hoan phim châu Á- Thái bình dương… Khi nhà văn Bọ Lập lâm nạn (bị bắt ngày 6.12.2014, tại ngoại ngày 10. 2. 2015 chờ ngày ra tòa xét xử về tội vi phạm điều 88 bộ luật hình sự), nghệ sĩ Hồng Ánh đã hăng hái ký tên cùng hơn 15 nghìn người khắp trong và ngoài nước, đòi nhà cầm quyền thả Bọ Lập vô điều kiện.