Việt Nam Thời Báo

VNTB – Không còn hợp lý, nhưng sao lại cứ chờ “đúng quy trình”?

Định Tường

 

(VNTB) – Một tô phở từ 10.000 -15.000 đồng đã tăng lên gấp 3-4 lần, nhưng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vẫn như cũ.

 

Từ năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng. Năm 2012 nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng; đến năm 2020 nâng lên 11 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14: Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tức 132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế là 4,4 triệu đồng/tháng.

Trước đây, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (có hiệu lực từ 01-01-2009) quy định mức giảm trừ như sau: Với đối tượng nộp thuế: 04 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); Với mỗi người phụ thuộc: 1,6 triệu đồng/tháng.

Sau đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 (có hiệu lực từ 01-7-2013) tăng mức giảm trừ gia cảnh, cụ thể: Đối với bản thân người nộp thuế là 09 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Đối với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế là 3,6 triệu đồng/tháng; Đồng thời bổ sung quy định: Nếu chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành/ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Thực tế, mức giảm trừ gia cảnh hiện đang áp dụng đã quá lạc hậu. Việt Nam có hơn 2 năm bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế đến nay vẫn đang ảm đạm, đời sống người lao động khó khăn, sức mua giảm… Cũng trong thời gian này, nhiều chi phí, dịch vụ tăng cao, như: tiền điện, chỉ tính năm 2023 đã 2 lần tăng giá; tiền nước cũng vậy. Học phí đại học tăng rất cao theo lộ trình, bắt đầu từ niên khóa 2023-2024. Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ ngày 17-11-2023; giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tăng từ 15-8-2023. Đặc biệt, giá năng lượng được xem là tăng cao nhất, kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo.

Nói cách khác, một tô phở từ 10.000 -15.000 đồng đã tăng lên gấp 3-4 lần, nhưng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vẫn như cũ. So sánh với thực tiễn sẽ thấy con số tuyệt đối 4,4 triệu đồng/tháng giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là bất hợp lý. Ngay cả chuyện để nuôi một đứa con ăn học, với mong muốn trở thành công dân toàn cầu, hội nhập quốc tế, nhưng với 4,4 triệu đồng/tháng, thì đó là mơ ước hão huyền.

Ngay đối với người nộp thuế, mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng là quá xa rời thực tế đời sống. Hãy thử tính một người là trụ cột của gia đình, phải lo từ cơm áo gạo tiền đến điện nước, xăng xe đi lại, chưa kể ốm đau, giao tiếp xã hội, quan hôn tang tế, thì với 11 triệu đồng là sống rất chật vật. Đối với công dân sinh sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, thì 11 triệu đồng chắc chắn không đủ trang trải cho sinh hoạt bình thường. Với số tiền đó, sẽ thiếu hụt, khó khăn, giật gấu vá vai để lo cho gia đình.

Như vậy là không công bằng đối với người nộp thuế. Do đó, có thể gần 4 năm qua tuy chỉ số CPI chưa đạt 20% như ràng buộc của chuyện điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, nhưng thực tế giá cả ở nhiều lĩnh vực thiết yếu đều tăng. Trong khi đó thì theo lộ trình Bộ Tư pháp dự thảo, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10-2025, thông qua tại Kỳ họp tháng 5-2026.

Thực tiễn cuộc sống và quy định của luật đã, đang có sự khác xa không nhỏ. Hơn thế, giữa CPI và sự biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng có sự khác biệt không hề nhỏ. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần nhìn vào thực tế để xem xét, đưa ra mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân phù hợp, thay vì cứ đợi đến khi CPI tăng trên 20% thì mới điều chỉnh cho “đúng quy trình” (?!).

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Dự án đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ quay trở lại mức giá 9 tỷ Mỹ kim

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đến lượt Tây Ban Nha từ chối “hộ chiếu tím than” của Việt Nam

Trương Thế Tử

VNTB – Bi ca Phan Thị Khanh

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 03.04.2024 7:18 at 07:18

Mún có công bằng hơn nữa cho giới công nhân, lao động, dân mình cần đấu tranh để chủ nghĩa Mác ô la din được xử dụng (lại) như nền tảng tư tưởng của Đảng

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo