VNTB – Khủng hoảng tháng 10 và bàn cờ Trung Đông

VNTB – Khủng hoảng tháng 10 và bàn cờ Trung Đông

GS. Nguyễn Mạnh Hùng

 

(VNTB) – Nỗi uất hận và sự vô vọng của người Palestine thỉnh thoảng bốc phát thành hành động bạo lực, thức tỉnh lương tâm thế giới. Rồi thôi?

 

Khủng hoảng Gaza

Ngày 7 tháng 10 năm 2023, quân Hamas bất ngờ từ Gaza tấn công một số thành phố, khu định cư, và một buổi hòa nhạc ở miền nam Israel, giết chết hơn 1.400 người đa số là thường dân, kể cả trẻ em, và bắt mang đi làm con tin hơn 230 người. Đây là một ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Israel.

Phẫn nộ trước hành động khủng bố tàn bạo này, Israel phản ứng bằng cách phong tỏa và oanh tạc Gaza, và cuối cùng xâm nhập rẻo đất này để tiêu diệt Hamas. Hành động trả đũa của Israel cho đến nay đã sát hại trên 10.000 người Palestine, kể cả 4.100 trẻ em, và làm bị thương hơn 25.000 người. Lệnh di tản về phía nam Gaza và bom đạn san bằng nhiều nơi khiến cả triệu thường dân Palestine mất nơi cư trú. Điện, nước, xăng, dầu trong thành phố Gaza thiếu trầm trọng. Việc cho tiếp tế nhỏ giọt viện trợ nhân đạo qua cửa Rafah của Ai Cập chỉ thỏa mãn một phần rất nhỏ nhu cầu tối thiểu của các bệnh viện và dân chúng.

Ngày 17 tháng 10, một quả pháo nổ gần một bệnh viện ở Gaza gây chết chóc cho hàng trăm người. Tuy Israel lập tức đưa bằng chứng cho thấy vụ nổ gây ra do một quả đạn lạc bắn từ Gaza chứ không phải của Israel, nó vẫn tạo ra các cuộc biểu tình phản đối dữ dội tại nhiều quốc gia từ Trung Đông (Beirut, Baghdad, Cairo), Á châu (Kuala Lumpur, Karachi) tới một số nước ở Âu Châu (London, Rome, Paris), thậm chí ở ngay Hoa Kỳ.

Để truy sát một lãnh đạo Hamas, Ibrahim Biari, Israel oanh tạc một trại tỵ nạn ở Gaza ba ngày liền gây thương vong cho hàng trăm thường dân. Việc phong tỏa và oanh tạc liên tục một giải đất đông dân và hẹp, bề ngang 10 cây số, dài 40 cây số, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc gọi Gaza là “nghĩa trang của hàng ngàn trẻ em.” Lấy cớ Hamas dùng xe cứu thương làm phương tiện, Israel còn oanh tạc một đoàn xe cứu thương gây thiệt hại nhân mạng cho một xe cứu thương và một trường học nơi được người dân Palestine dùng làm chỗ trú ẩn khiến Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc phải bày tỏ sự “ghê khiếp” (horrified) trước hành động ấy. Trong cuộc họp báo ở Amman ngày 4 tháng 11, Bộ trưởng ngoại giao Jordan nói thẳng với Ngoại trưởng Mỹ Blinken rằng cần chấm dứt ngay “tình trạng điên khùng “này, trong khi ngoại trưởng Ai Cập đòi phải đình chiến “lập tức và vô điều kiện.”

 Phản ứng của thế giới

Ở Hoa Kỳ, sức mạnh tài chính và ảnh hưởng truyền thông đại chúng khiến các chính trị gia không dám mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Israel. Khi dân biểu Mỹ gốc Palestine, Rashida Tlaib, lên án hành động của Israel ở Gaza là “tội diệt chủng,” bà lập tức bị Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết “khiển trách.” Trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên Tổng Thống của đảng Cộng Hòa tối hôm qua, 8/11, tất cả 5 người đều cực lực ủng hộ chính sách “tận diệt Hamas” của Thủ tướng Israel Netanyahu, nhưng không một ai dám đề cập đến số trên 10,000 thường dân đã bị chết vì chính sách của ông. Tuy Tổng Thống Biden quan tâm đến việc sát hại thường dân Palestine, ông vẫn tuyên bố Israel có quyền tự vệ, và chỉ khuyến cáo phải tránh gây tổn thất cho thường dân. Hoa Kỳ là nước duy nhất trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phủ quyết một khuyến nghị của Brazil kêu gọi tạm ngưng chiến vì lý do nhân đạo (humanitarian pause) trong khi đó các đồng minh Hoa Kỳ kể cả Pháp cũng bỏ phiếu thuận. Trung Quốc đòi đình chiến (cease-fire) và triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế.

Tại Trung Đông và Phi châu, phẫn nộ của quần chúng khiến chính phủ các nước đang trên đà bình thường hóa ngoại giao với Israel phải ngưng lại, đặc biệt là Saudi Arabia. Nước này đã lên án việc Israel phong tỏa Gaza, kêu gọi đình chiến và phục hoạt đàm phán nhằm tạo ra một quốc gia Palestine độc lập, có thủ đô ở phía đông Palestine. Bahrain, một quốc gia mới lập quan hệ ngoại giao với Israel qua thỏa hiệp Abraham năm 2020, đã phải triệu hồi đại sứ để phản đối Israel. Jordan cũng triệu hồi đại sứ của mình ở Israel về nước. Quốc vương Jordan Abdullah II gọi hành động của Israel ở Gaza là một “tội ác chiến tranh,” và việc áp dụng “chế tài tập thể một dân tộc bị bao vây và bất lực” là một “vi phạm trầm trọng luật nhân đạo quốc tế.”

Trước công luận thế giới này, ngay tại Hoa Kỳ, một nước thân Israel nhất, Tổng Thống Biden cũng phải lên tiếng đòi hỏi ngưng bắn (a pause) tạm thời và ngắn để cho phép cứu trợ nhân đạo được đem vào và những người có thông hành ngoại quốc được rời khỏi Gaza. Đề nghị này đã bị Israel bác khước.

Nguy cơ chiến tranh lan rộng

Trong khi Israel bao vây và đưa quân vào Gaza, đụng độ cũng xẩy ra giữa quân Hezbollah ở Lebanon và quân lực Irael (Israeli Defense Force–IDF) tại biên giới hai nước. Việc Hezbollah và IDF pháo kích lẫn nhau dẫn đến nguy cơ chiến tranh Gaza có thể lan rộng đến Lebanon. Ngoài ra, ISIS (Quốc gia Hồi Giáo) ở Iraq và Syria cũng có thể tham chiến.

Vì Iran hậu thuẫn Hezbollah, xung đột địa phương nếu không kiềm chế được sẽ lôi cuốn Iran, Lebanon, Israel, và Hoa Kỳ vào vòng chiến. Vì thế, để răn đe Hezbollah và Iran đừng manh động, ngay từ đầu, Hoa Kỳ đã gửi hai đoàn tầu sân bay sang Địa Trung Hải gần Israel. Khi chiến tranh sang đến tuần thứ tư, tình hình căng thẳng hơn, Hoa Kỳ lại gửi thêm một tàu ngầm nguyên tử đến Trung Đông để biểu dương lực lượng và chứng tỏ quyết tâm bảo vệ Israel chống phản ứng có thể có của Iran.

Do Thái: Từ những người không có quê hương đến kẻ lấn chiếm đất

Căn nguyên tranh chấp Israel-Palestine bắt nguồn cuối thế kỷ 19 khi người Do Thái bắt đầu quay về định cư ở vùng Palestine thuộc đế quốc Ottoman, để tránh bị tàn sát và ngược đãi ở Đông Âu. Zionism xuất hiện như một phong trào cổ võ người Do Thái lập quốc tại Palestine. Một năm trước khi Đệ Nhất Thế Chiến chấm dứt, để lấy sự ủng hộ của người Do Thái, Ngoại trưởng Anh Arthur Balford hứa cho người Do Thái một “quốc gia của mình “(national home) ở Palestine. Sau khi chiến tranh chấm dứt, Hội Quốc Liên giao cho Anh quyền ủy trị Palestine.

Năm 1947, Liên Hiệp Quốc biểu quyết chia Palestine thành hai vùng riêng biệt: một vùng cho người A Rập và một vùng cho người Do Thái, nhưng người A Rập không chấp nhận.

Năm 1948 người Do Thái tuyên bố độc lập và lập tức bị liên quân Palestine và các nước Ả Rập tấn công. Israel liên tiếp thắng trong cả ba cuộc chiến, 1948, 1956, 1967, rồi bắt đầu lấn đất của A rập, nới rộng lãnh thổ dưới quyền mình kiểm soát vượt quá phần đất được Liên Hiệp Quốc chia cho lúc trước. Kết quả đầu tiên là 700.000 người Palestine (85% dân số A Rập) bị trục xuất hoặc chạy khỏi các vùng đất Israel chiếm đóng để sống lưu vong lay lứt trong các trại tỵ nạn ở các quốc gia lân cận.

Từ sau cuộc chiến 1967, nhiều cuộc điều đình dưới áp lực quốc tế để thực hiện giải pháp “hai-quốc-gia” (two-state solution) riêng biệt: Israel và Palestine độc lập, chung sống hòa bình, giới hạn lãnh thổ Israel ở đường biên giới trước 1967, và giành phần đất còn lại cho một nước Palestine độc lập với thủ đô ở Đông Jerusalem chung với Israel. Giải pháp này đòi hỏi Israel phải trả lại một phần đất đã chiếm cho Palestine nên còn được gọi là giải pháp “đổi đất lấy hòa bình.” (land for peace). Tất cả cố gắng này đều thất bại. Và đến năm 2014 thì ngoại trưởng Hoa Ky John Kerry bỏ rơi cố gắng này. Israel tiếp tục mở rộng lãnh thổ của mình bằng cách lập các vùng định cư mới và trục xuất người Palestine ra khỏi nơi cư trú của họ. Dân số Do Thái và các khu định cư mới mỗi ngày một tăng bất kể sự phản đối và cảnh cáo của các Tổng Thống Mỹ.

Năm 1972, dưới thời Tổng Thống Nixon, dân số Do Thái ở các vùng định cư mới chỉ là 10.532 người. Dưới thời Carter (1980), số đó tăng lên gấp 6 (61.500), rồi 106.595 thời Reagan (1982), 227.500 thời George H. W. Bush (1990), 387.859 thời Clinton (2001), 414.119 thời George W. Bush (2002), 496.569 thời Obama (2009), 670.000 thời Trump (2018), và 722.991 thời Biden (2023).

Người Palestine bị dồn vào hai địa phương: West Bank dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương Palestine (Palestine National Authority -PNA) và Gaza dưới quyền kiểm soát của Hamas. Trong khi chính quyền trung ương Palestine dưới Tổng Thống Mahmoud Abbas sẵn sàng thỏa hiệp với Israel trong giải pháp hai-quốc-gia thì Hamas có lập trường quá khích không chấp nhận sự hiện hữu của một quốc gia Israel, và quyết đuổi người Do Thái ra khỏi Palestine. Hai vùng này còn bị chia cách bởi các khu định cư của người Do Thái (gần giống như East và West Pakistan trước khi East Pakistan tách riêng ra và trở thành Bangladesh), nghĩa là không thể trở thành một quốc gia liên tục và thống nhất. Ngay tại West Bank dưới quyền kiểm soát của chính quyền trung ương Palestine, người Do Thái cũng nhân dịp chiến tranh Gaza, kéo đến chiếm thêm đất, lập các khu định cư của họ, thu hẹp phần lãnh thổ do chính quyền Palestine quản lý, khiến giải pháp “hai quốc gia” bị mất dần tính khả thi của nó.

Mọi chọn lựa đều khó khăn

Việc tấn công Gaza để tiêu diệt Hamas đặt Do Thái trước nhiều chọn lựa khó khăn.

Trước tiên là khó khăn của chiến tranh thành phố. Hamas đã tạo được một hệ thống địa đạo dưới thành phố Gaza. Khi tiến vào thành phố này, quân Do Thái phải đối phó với cuộc chiến tranh ba chiều: quân Palestine có thể bắn từ trên cao ốc xuống, từ địa đạo lên, và từ những ngõ ngách trên đường phố. Chiến tranh càng kéo dài càng tạo nhiều thương vong cho người dân Palestine, càng làm mất chính nghĩa và cô lập Israel trước công luận thế giới.

Thứ hai, sau khi tiêu diệt xong Hamas thì ai sẽ cai trị Gaza? Vì Israel là một nước dân chủ, IDF khó có thể đóng vai một quân đội chiếm đóng trong một thời gian lâu dài. Thủ Tướng Israel Netanyahu tuyên bố Israel sẽ phải duy trì “an ninh tổng quát” ở Gaza trong một thời gian “vô hạn định.” Nhưng ngoại trưởng Hoa Kỳ, Anthony Blinken cho rằng “Israel không thể chiếm đóng Gaza.” Không có sự chống lưng của Hoa Kỳ, chính sách ấy sẽ khó thi hành. Hơn nữa, sự căm thù của người Palestine đối với một chính quyền chiếm đóng có thể sẽ tạo thêm nhiều quân khủng bố và cảm tử quân thay thế cho quân Hamas bị triệt hạ. Trường hợp tương tự đã xẩy ra năm 2014 khi Israel phải rút quân sau khi chiếm đóng Gaza.

Cai trị bởi chính quyền trung ương Palestine (Palestinian National Authority – PNA), vốn bị dân chúng coi là yếu kém và quá thỏa hiệp với Israel, không phải là giải pháp tốt. Nhận làm việc này mà không có nhượng bộ tương xứng của Israel chỉ biến PNA thành một chính phủ bù nhìn không có chính nghĩa và không được dân Palestine ủng hộ. Và, do đó, không giúp gì cho an ninh của Israel.

Cai trị bởi một lực lượng hỗn hợp Á Rập Hồi giáo đòi hỏi Israel phải cam kết với họ rằng việc cai trị tạm thời ấy phải dẫn đến sự thành lập một quốc gia Palestine có lãnh thổ riêng biệt và độc lập, điều mà chính quyền Israel hiện tại với sự tham dự của các đảng cực đoan quyết chống đối.

Hơn nữa, việc thiết lập một nước Palestine độc lập còn bị trở ngại vì yếu tố địa dư: hai phần lãnh thổ của Palestine – West Bank và Gaza – bị phân cách bởi các khu định cư của người Do Thái khó trở thành một quốc gia liên tục và thống nhất. Thêm vào đó, quyết định coi Jerusalem là thủ đô riêng của Israel gây khó khăn cho bất cứ chính phủ Palestine nào chấp nhận sự nhượng bộ ấy, có thể coi là phản bội Palestine.

Nhưng nếu không cho người Palestine có một quốc gia riêng biệt và tự cường với cuộc đời đáng sống thì nỗi nhục mất nước và sự căm hờn sôi sục sẽ tạo thêm những phản ứng quá khích, khó kiểm soát.

Tóm lại, một nước Palestine riêng biệt và tự cường là giải pháp lâu dài, nhưng lối giải quyết khủng hoảng Gaza một cách thô bạo gây nhiều thiệt hại cho thường dân, và chính sách quá khích của chính quyền Netanyahu, vô tình hay cố ý, đã làm cho giải pháp ấy trở nên khó khăn hơn.

Thế giới A Rập: Thời gian, quyền lợi quốc gia, tiến trình xích gần với Israel và hờ hững với Palestine

Ngay sau khi Israel tuyên bố độc lập năm 1948, liên quân các lân quốc A Rập, như Ai Cập, Iraq, Transjordan, và Syria, tiến vào Palestine để tiêu diệt Israel. Liên Đoàn A Rập (Arab League) gồm các nước A Rập ở Trung Đông và Bắc Phi được thành lập năm 1945 ủng hộ Palestine và không chấp nhận sự hiện hữu của Israel.

Lúc đầu, Liên Đoàn có nhiều thế lực vì được lãnh đạo bởi một nước Ai Cập lớn mạnh dưới sự lãnh đạo của Gamal Nasser. Sau thỏa thuận tại Camp David năm 1978, dưới áp lực của chính quyền Carter, Israel phải trả cho Ai Cập bán đảo Sinai mà họ chiếm giữ từ năm 1967 để đổi lấy việc bình thường hóa bang giao với nước này. Đây là thành quả đầu tiên của chính sách “đổi đất lấy hòa bình.” (land for peace). Biến cố này khiến Palestine mất đi sự ủng hộ quan trọng của một nước mạnh nhất trong thế giới Á Rập.

Năm 1994, đến lượt Jordan ký hòa ước với Israel. Thỏa ước Abraham năm 2020 củng cố thêm an ninh cho Israel khi hai nước Á Rập nhỏ nhưng giàu có –United Arab Emirate và Bahrain—thiết lập bang giao với Israel. Hiệp ước này cùng tạo ra triển vọng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel với Saudi Arabia, tạo điều kiện cho Do Thái hội nhập vào thế giới A Rập, và làm suy yếu sự ủng hộ đối với Palestine. Nhiều quốc gia Á Rập không còn coi việc thành lập một nước Palestine độc lập, tự cường là điều kiện tiên quyết trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nữa.

Các quốc gia A Rập giàu có vì tài nguyên dầu hỏa lúc này có nhu cầu trao đổi thương mại để đổi lấy kỹ thuật và đầu tư của Israel nhằm phát triển kinh tế hậu dầu hỏa, và mong muốn lôi kéo sự bảo vệ của Hoa Kỳ chống sự lấn lướt của Iran. Điều này khiến họ hòa hoãn với Israel và bắt đầu lơ là, bớt ủng hộ nguyện vọng của người Palestine.

Không có một cố gắng hòa giải nào giữa Israel và Palestine từ 2014 khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ chấm dứt cố gắng hòa giải của ông. Thay vì chú trọng đến nguyện vọng của người Palestine, các cố gắng sau này chỉ nhằm vào nhu cầu an ninh và tiến trình hội nhập của Israel vào thế giới A Rập, điển hình là thỏa ước Abraham. Trong khi ấy, thế giới, kể cả Liên Hiệp Quốc, chỉ ủng hộ miệng cho giải pháp hai quốc gia mà không đưa ra kế hoạch thực hiện.

Cuộc tấn công của Hamas và hành động trả đũa của Israel gây tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở Gaza khiến thế giới bừng tỉnh trước mối nguy hiểm của vấn đề Palestine. Nếu không được giải quyết tận gốc rễ, bất mãn âm ỉ của người dân Palestine trước sự đàn áp của người Do Thái sẽ tiếp tục đe dọa an ninh Israel và hòa bình ở Trung Đông.

Palestine: Một dân tộc bất hạnh vì chia rẽ nội bộ, chính sách của Israel, và sự bất lực của thế giới

Sau cuộc chiến 1967, Do Thái chiếm đóng thêm nhiều lãnh thổ, đẩy 70.000 người A Rập Palestine ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của họ, buộc họ phải sống lay lất trong các trại tỵ nạn ở các quốc gia lân cận.

Năm 1964, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được thành lập ở Jerusalem với mục đích giải phóng các lãnh thổ bị Israel chiếm giữ. Yasser Arafat trở thành Chủ tịch PLO từ 1969 đến 2004. Sau khi ông chết, Mahmoud Abbas thay thế, nhiều người cho rằng ông này quá hòa hoãn với Israel. Năm 1987, Hamas, một tổ chức cực đoan được thành lập với mục đích đánh đuổi Israel ra khỏi Palestine để thành lập một quốc gia Palestine độc lập. Năm 1994, với hiệp ước Oslo, Israel và PLO đồng ý thành lập chính quyền trung ương Palestine (Palestine National Authority-PNA) do Yasser Arafat rồi Mahmoud Abbas lãnh đạo để thay mặt Israel quản lý hành chánh West Bank và Gaza. Năm 2007, Hamas đánh bật PNA khỏi Gaza và giành quyền kiểm soát dải đất này.

Từ đó, dân Palestine sống dưới hai chế độ riêng biệt: West Bank dưới quyền quản lý của chính quyền trung ương Palestine (PNA) hòa hoãn và được Israel công nhận, và Gaza dưới quyền kiểm soát của Hamas chủ trương tiêu diệt Israel và bị nước này coi là quân khủng bố. Sự chia rẽ nội bộ này khiến Palestine không có một đại diện duy nhất có thể là đối tác hữu hiệu để điều đình với Israel, và làm suy yếu khả năng mặc cả của Palestine.

Hơn nữa, chính phủ liên hiệp Israel chịu ảnh hưởng rất lớn của các đảng cực hữu không chấp nhận việc thành một quốc gia Palestine trong vùng rộng lớn gồm cả West Bank mà tên Thánh Kinh là Judea and Samaria “của họ.” Không có chỗ cho một quốc gia của người Palestine chừng nào thành phần cực hữu này còn ở trong chính quyền Israel.

Sự chia rẽ giữa hai vùng lãnh thổ dưới quyền quản lý của PNA làm suy yếu thế mặc cả của Palestine. Mâu thuẫn giữa Hamas và chính quyền đương nhiệm của Israel làm triệt tiêu giải pháp hai quốc gia. Sự khó khăn càng ngày càng lớn của giải pháp này khiến nhiều quốc gia trên thế giới dần dần không muốn quan tâm đến tranh chấp Israel-Palestine nữa.

Vì chia rẽ nội bộ, vì chính sách của Israel, vì sự bất lực của thế giới, người dân Palestine tiếp tục phải sống dưới sự cai trị và áp bức của Israel. Nỗi uất hận và sự vô vọng thỉnh thoảng bốc phát thành hành động bạo lực, thức tỉnh lương tâm thế giới.

Rồi thôi?

NMH

11/9/2023


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)