Ngọc Lan
(VNTB) – Samten Hills Dalat không được sử dụng đất vào mục đích tôn giáo
Ngày 11-4-2023, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề nghị chủ đầu tư thực hiện đúng dự án đã được duyệt, đúng với hồ sơ đất đai. Trong đó, không được phép sử dụng đất vào mục đích tôn giáo.
Đầu tháng 3-2023, Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat đã tổ chức khánh thành Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Sau đó, đại diện Liên hiệp Các Hội UNESCO Việt Nam đã trao Chứng nhận Không gian văn hóa tâm linh cho Không gian Phật giáo Kim Cương thừa tại Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat.
Trong Samten Hill Dalat có bảo tháp kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek lớn nhất thế giới, được chế tác bằng đồng, bên ngoài dát vàng 24k, cao 32 m và nặng 200 tấn.
Khi báo chí đưa tin về lễ khánh thành trên, thì phía nhà chức trách mới nói rằng nơi đây chưa có giấy phép về hoạt động tôn giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ đang bắt đầu làm việc với chính quyền tỉnh Lâm Đồng từ trung tuần tháng 4 này để làm rõ về trách nhiệm của các bên liên quan.
Theo quan sát của người viết thì các hình thức kinh doanh ở Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat hiện tại có mục đích duy nhất là “lợi nhuận” thông qua việc khai thác tâm lý muốn tìm hiểu các biểu tượng của tín ngưỡng tôn giáo đang ít nhiều kích thích sự tò mò: màu sắc huyền bí của bùa chú từ Mật tông Tây Tạng, hay Kim cương thừa tại Samten Hill Dalat.
Phía quản lý dự án Samten Hill Dalat rất khôn khéo với quảng bá mời gọi là “hành trình khám phá và khai mở Thân An – Tâm Tịnh – Trí Sáng” với “điểm đến du lịch hấp dẫn, không chỉ là nơi chiêm bái của những tín đồ Phật giáo, mà còn là một điểm đến linh thiêng và yên bình, nơi lý tưởng để ta khám phá giới hạn bản thân, suy nghĩ tích cực, tìm lại sự cân bằng giữa thế giới hiện đại đầy biến động và lo âu”.
Từ góc nhìn với cách đặt vấn đề như trên của Samten Hill Dalat được cho là dướ sự dẫn dắt của Đức Lạt Ma Drubwang Sonam Jorfel Rinpoche, cho thấy pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam cần thay đổi cách hiểu về “đất đai tôn giáo”.
Luật đất đai 2013 hiện hành có hai điều luật phân biệt như sau liên quan đến đất đai tín ngưỡng, và đất đai tôn giáo:
“Điều 159 Đất cơ sở tôn giáo
1. Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo”.
“Điều 160. Đất tín ngưỡng
1. Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.
2. Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Từ hai điều luật trên cho thấy nếu vận dụng vào Samten Hill Dalat, thì đây cũng có thể là “đất cơ sở tôn giáo”, vì Mật tông Tây Tạng, hay Kim cương thừa được phép hoạt động tại Việt Nam, và Samten Hill Dalat có thể là nằm trong nhóm “các cơ sở khác của tôn giáo” được nêu tại khoản 1 của Điều 159, Luật đất đai 2013.
Cũng có thể xem dự án Samten Hill Dalat là “đất tín ngưỡng” vì nơi đây có những ngôi đền được thể hiện niềm tin tín ngưỡng Mật tông Tây Tạng.
Tuy nhiên với những gì đang được quảng bá: “Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat là một dự án bắt nguồn từ tâm niệm chân thành của nhà sáng lập – Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Kim Phát. Trải dài trên những ngọn đồi cao tuyệt đẹp tại Đơn Dương với không gian rộng lớn lên đến 220 ha, Samten Hills Dalat là hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe thân – tâm – trí trọn vẹn đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam”, cho thấy ở đây cần được điều chỉnh bằng “Điều 158. Đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh”, của Luật đất đai 2013.
Từ góc nhìn pháp lý trên cho thấy vấn đề cần làm rõ ở dự án Samten Hills Dalat, là dự án đã triệt hạ bao nhiêu hệ sinh thái tự nhiên ở những ngọn đồi được cho là tuyệt đẹp tại Đơn Dương cho mục đích tạo nên hệ sinh thái nhân tạo về tâm linh?