Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lại đổi tên sổ đỏ

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Tuy đổi tên sổ nhưng đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước

 

Theo Luật Đất đai 2024 thì những sổ đỏ cấp từ ngày 01/8 sẽ có tên gọi mới là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Như vậy, so với Luật Đất đai 2013, thì tên gọi sổ đỏ mới đã được rút ngắn hơn, thay từ “quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” thành “quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

Trong vòng 20 năm qua, sổ đỏ đã bị đổi tên ba lần, tương ứng với ba lần sửa Luật Đất đai. Trong Luật Đất đai 2003, sổ đỏ có tên “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Còn Luật Đất đai 2013 thì sổ đỏ là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”.

Ngoài việc đổi tên sổ đỏ thì Luật Đất đai 2024 cũng bổ sung thêm phần Quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam. Điều này không có quy định trong Luật Đất đai 2013, trong Luật Đất đai 2013 chỉ có quy định về hoạt động giám sát của công dân với việc quản lý và sử dụng đất đai.

Tuy có bổ sung thêm quy định, nhưng về bản chất thì đất đai tại Việt Nam vẫn là “tài sản xã hội chủ nghĩa”. Tức là đất của toàn dân nhưng do nhà nước sở hữu và quản lý. Câu chuyện nhà nước chiếm đất của dân với chiêu bài “sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý” đã gây ra nhiều hệ luỵ cho người dân suốt nhiều năm qua.

Ở các quốc gia phát triển thì có quy định rõ đất nào là đất công của nhà nước, đất nào là đất tư hữu của người dân. Điều này giúp người dân được bảo vệ tốt hơn khi có xảy ra tranh chấp giữa cơ quan nhà nước. Còn ở Việt Nam mọi tài sản đều là của chung, người dân chỉ được quyền sử dụng mà không có quyền tư hữu. Khiến cho nhiều quan chức nhà nước lợi dụng kẽ hở để tham nhũng đất đai với tên gọi “thu hồi đất”, đền bù cho dân với giá rẻ mạt, rồi bán lại với giá trên trời.

Đất đai do ông bà khai phá, hoặc phải bỏ tiền ra mua để ở, nhưng một ngày nào đó cán bộ quan chức vào lý luận rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý”, thì có khác gì là cướp đất của dân giữa ban ngày.

Điển hình như vụ Ciputra liên quan tới Nguyễn Phú Trọng thời còn làm bí thư Hà Nội. Ngày 14/12/2004, UBND Hà Nội dưới quyền ông Trọng đã ra quyết định số 4622/UB-NNĐC (QĐ 4622) cho phép áp giá đất thấp hơn 10 lần giá thị trường (chỉ 620.000 đồng/m2) để đền bù cho người dân. Và 16 ngày sau khi ra quyết định này, ngày 01/01/2005, UBND TP Hà Nội công bố giá đất mới là 12.000.000 đồng/m2, cho nhà đầu tư Ciputra. Gây thất thoát ngân sách 3.000 tỷ đồng (thời giá 2004).

20 năm qua ngày dân mất đất kiên quyết không nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt mà liên tục nộp đơn kiện khắp các cấp. Nhưng không ai dám xử vì thủ phạm chính là kẻ đang ngồi trên ghế tổng bí thư. Bây giờ có thể một thế lực nào đó muốn lật lại vụ án nhằm hạ bệ ông Trọng thì cũng không chắc là người dân sẽ được đền bù thỏa đáng. Đây chỉ là một ví dụ cho cái gọi là chính sách “sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý” để rồi tuỳ tiện thu hồi, áp giá đền bù thua giá mớ rau cọng hành ngoài chợ.

Cho nên việc đổi tên sổ đỏ, đổi vài điều luật vẫn không làm thay đổi bản chất của việc cướp đất của dân bằng chiêu bài “nhà nước quản lý, nhân dân sử dụng”. Đây là cái vòng kim cô mà nhà nước áp đặt để buộc dân chúng phải quy phục đảng cộng sản cầm quyền. Nếu sửa luật, cho phép tư hữu tài sản thì không thể tùy tiện lấy đất của dân với giá thấp mà phải đền bù với giá thị trường. Như vậy quan chức sẽ không có cơ hội tham nhũng, mà không thể tham nhũng thì không ai muốn vào đảng để làm giàu; không có đảng viên, thì lại mất chế độ.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hạnh phúc của một tang gia

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Lộ diện nhân vật tự xưng cháu nội Nguyễn Xuân Phúc

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tô Lâm lớn giọng dằn mặt phe quân đội

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo