Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làm sao đòi lại đất cho chính quyền mượn, bị đăng ký quyền sử dụng đất?

Triệu Tử Long

(VNTB) – Kể từ sau tháng tư, 1975 có rất nhiều tài sản đất đai của tổ chức tôn giáo đã được chính quyền mời rất lịch thiệp làm giấy tờ mượn sử dụng rất đàng hoàng. Thế nhưng sau đó thì lại là câu chuyện dài tập của đòi hoài không ai chịu trả.

Quy định của pháp luật giải quyết ra sao?

Ngày 25 tháng 9 năm 1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 188-CP về chính sách xoá bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam Việt Nam. Theo đó, Nhà nước quốc hữu hoá các đồn điền và ruộng đất của các tư sản nước ngoài.

Như vậy, chuyện đòi lại các tài sản đất đai bị ‘đánh tư sản’ ở thời điểm hiện tại gần như là vô vọng.

Thế nhưng trong các trường hợp mà chính quyền ký giấy mượn tài sản của tổ chức tôn giáo, thì có lẽ theo nguyên tắc của sự tử tế, cần sòng phẳng trả lại cho đúng mục đích của nơi là chủ sở hữu gốc.

Vậy thì có trường hợp nào đã ‘mượn’ rồi nhưng sau này lại được quyền ‘chiếm’ luôn tài sản bất động sản tôn giáo đó? Trong thắc mắc này thì có lời giải đáp pháp luật thế này:

Theo quy định tại Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Quyền đòi lại tài sản:

“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu; Người sử dụng tài sản; Người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”.

Quyền sở hữu tài sản là quyền dân sự của chủ sở hữu; được pháp luật bảo hộ. Trong trường hợp tài sản của chủ sở hữu đang do người khác chiếm hữu không dựa trên sự định đoạt ý chí của chủ sở hữu; thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu người đang thực tế chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản cho mình.

Như vậy, trong trường hợp các tổ chức tôn giáo hoàn toàn có thể yêu cầu bên đang chiếm giữ hoặc sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật hoàn trả lại tài sản cho họ. Trong trường hợp bên đang chiếm giữ hoặc sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật, thì các tổ chức tôn giáo đó có quyền làm đơn khởi kiện để đòi lại tài sản của mình.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991, thì “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1/7/1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”.

Do đó, xem ra nếu đất của các tổ chức tôn giáo đã bị Nhà nước ‘thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa’ thì hiện nay của Nhà nước Việt Nam không thừa nhận việc đòi lại nhà đất, mà Nhà nước đã quản lý trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất trước 1991.

Trên thực tế thì với những gì được nêu ở Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11, “Quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991”, cho thấy việc ‘trả’ hay ‘chiếm luôn’ lại tùy thuộc vào ‘thiện chí’ của nhà chức trách hiện tại nhiều hơn trong thực thi Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11.

Lá đơn ‘nóng hôi hổi’ của các nữ tu Biên Hòa

Vào ngày 5-7, phía Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp đã có một ‘thỉnh nguyện thư’ kêu gọi sự ủng hộ cùng lên tiếng của cộng đồng về việc “Hoàn trả lại cơ sở tôn giáo mà UBND thành phố Biên Hòa đã mượn”. Nội dung như sau:

“Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp chúng tôi vào năm 1962 có mua một thửa đất 15.000m2 thuộc phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để xây trường cho 1000 học sinh tiểu học và trung học gọi là trường Thánh Giuse, cũng như đã lập một tu xá trên mảnh đất này để các nữ tu phục vụ cho việc giáo dục.

    Hình ảnh các nữ tu Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp

Ngày 08/12/1976, chúng tôi phải cho UBND Thành Phố Biên Hòa mượn dãy nhà 3 tầng để làm cơ sở học tập cho cán bộ trong thời hạn 5 năm (có Biên bản cuộc họp mượn nhà). Quá thời hạn trên, ngày 13/3/1984 UBND lại mượn thêm 2 dãy nhà nữa cùng với thửa đất diện tích 6.284m2 và giao cho Bệnh viện Đa khoa Tp. Biên Hòa. Hiện nay bệnh viện chuyển thành Trung Tâm Y tế ngụ tại số 98/487 Đường Phạm Văn Thuận, P. Tân Mai, Tp. Biên Hòa.

Hội dòng Đa Minh
Cơ sở Hội dòng Đa Minh – Trung tâm Y tế, TP. Biên Hoà

Tất cả các hồ sơ pháp lý về nguồn gốc đất, giấy phép xây trường và biên bản cho mượn nhà chúng tôi vẫn còn lưu giữ.

Điều làm cho các nữ tu đau lòng vô cùng khi vô tình biết được tài sản của nhà Dòng đã trở thành tài sản của Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa với Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng Nhà đất (số N.006332, thuộc thửa số 05, tờ bản đồ số 35, ký ngày 16/02/2004).

Vì nhu cầu cần có nhà ở cho số tu sĩ gia nhập vào Dòng ngày một gia tăng, và để tiếp tục tham gia vào công cuộc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, cho nên Hội dòng đã đệ đơn hơn 20 lần lên các cấp lãnh đạo từ địa phương đến trung ương để xin lại phần nhà và đất mà Hội dòng đã cho UBND Tp. Biên Hòa mượn trên đây. Nhưng cho đến nay, yêu cầu của Hội dòng vẫn chưa được lắng nghe, giải quyết.

Nay chúng tôi muốn chia sẻ thao thức này với hy vọng tiếng kêu của chúng tôi, những phụ nữ tu hành Công giáo đang ươm trồng ước mơ nhân văn và theo đuổi lý tưởng hiến dâng phục vụ con người và xã hội, được vang tới cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi rất chân thành cảm ơn những người bạn đã và đang đồng hành với Hội dòng. Đồng thời xin mời gọi tất cả mọi người chia sẻ rộng rãi nguyện vọng chính đáng của chúng tôi, để được các ban ngành quan tâm cứu xét kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn”.

Lâu nay, trong các vụ việc mong được ‘hoàn trả’ như trên, thường thì nhà chức trách sẽ trả lời (đại khái) như sau: “Khách quan, hiện nay hầu hết tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo đều không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến cơ sở cũ. Do đó, khi tổ chức tôn giáo có đơn khiếu nại, kiến nghị xin, đòi lại các cơ sở có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo, thì chính quyền không có cơ sở để xem xét, giải quyết”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Ta là luật, luật là ta!

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Chích ngừa thì lắng xuống, chỉ thấy xe tăng và súng đạn

Phan Thanh Hung

VNTB – Tàn cuộc binh đao: ai sẽ được luận anh hùng?

Phan Thanh Hung

1 comment

Huỳnh Công Tâm 07.07.2020 6:50 at 06:50

Cho chúng nó ”mượn”, thì biết rằng cho mượn là kể như mất nhưng bản thân thì không bị chúng quấy nhiễu, còn không cho chúng nó mượn thì chúng sẽ vu khống tội phản động để cướp trắng và bản thân sẽ vướng vào vòng tù tội hay mất mạng. Đó là cái khổ của dân khi phải sống với bọn cướp ngày.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo