Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làng Vũ Đại tân thời

Huỳnh Liên

 

(VNTB) – Muốn giáo dục đức tính trung thực cho giới trẻ, trước hết, phải có một chính quyền trung thực.

 

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sáng 25-8, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành uỷ TP.HCM, đề nghị ngành giáo dục thành phố phải quan tâm, phải nghĩ bắt đầu đổi mới hướng nào để thực hiện trung thực và dạy học sinh trung thực. “Phải dạy các cháu trung thực các đồng chí à”.

Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật?

Phát biểu này được dư luận đánh giá cao ở cái tiền giả định: lâu nay ngành giáo dục của TP.HCM, và không chỉ TP.HCM, nói rộng ra là cả ngành giáo dục, đã không dạy trẻ lòng trung thực. Nhận định này không phải là “phản động” hay “tự diễn biến – tự chuyển hóa” gì cả, bởi vì trước đó, ngày 12-8-2022, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nói: “Có đau cũng phải nói ra, ta chưa thực sự trung thực”.

Mà đâu chỉ có giáo dục, ngay trong báo chí, liệu người ta đã dám trung thực đến mức độ nào? Xin nêu luôn thí dụ, mấy năm nay các báo hay dẫn lời lãnh đạo rằng “muốn làm thủ đô Hà Nội tươi đẹp như Paris”, “TP.HCM như Singapore”, nhưng lại cố tránh việc nhìn nhận ở đây cái gốc của vấn đề không phải làm thế nào để thành phố “long lanh” như Singapore, Paris… mà liệu lãnh đạo đã có tầm được như thị trưởng xứ người chưa. Và người dân ở Hà Nội, TP.HCM có được quyền mở miệng, quyền chê trách chính quyền, quyền bỏ phiếu bầu những người mà họ tin tưởng qua tranh cử như ở Paris hay Singapore hay chưa?

Ngụ ngôn phiên bản y tế 2022

Một câu chuyện ngụ ngôn phiên bản tháng 8-2022 sau đây cho thấy ai được quyền lên tiếng nói trung thực thay cho ve vuốt nhau vì đó là “người của đảng”.

Chuyện kể vầy:

“Trong tủ trực phòng mổ, các dụng cụ y tế trò chuyện cùng nhau.

Chỉ mục: Nhờ có luật về đấu thầu giá rẻ mà chúng ta có công ăn, việc làm. Tôi chẳng những có việc mà còn kéo cả làng, cả xã vào cùng làm. Chẳng ai phải làm việc một mình, luôn luôn có anh em chung sức.

Kim lụt: Không ai làm việc mà “make sense” (tạm dịch: cảm giác mạnh) như tôi. Mỗi động tác của tôi là tạo ra được lời cảm thán! Không từ bệnh nhân thì cũng từ nhân viên y tế.

Dao cùn: Vâng, biết vậy nên tôi làm việc rất tích cực. Bọn lười làm một lần chứ còn tôi làm việc gấp ba.

Găng rách: Chúng ta vì người nghèo, vì lý tưởng xã hội… Bên bảo hiểm rất ủng hộ chúng ta.

Chỉ mục: Nhưng này. Nghe đâu chúng ta có tư lệnh là một nhà kinh tế, được kỳ vọng là cây đũa vàng, làm thay đổi tất cả. E rằng bọn cán dao rẻ tiền như chúng ta sẽ bị thay đổi.

Dao cùn: Hão huyền! Chị ấy biết con khỉ gì về công việc của chúng ta? Còn kinh tế thì học xong có ứng dụng thực tế ngày nào? Bây giờ mà hỏi lại thuật ngữ  kinh tế chắc không còn nhớ chữ nào.

Kim lụt: Ờ ờ, vậy cũng được. Coi bộ chị ấy cùng ‘style’ với tụi mình…”

Ai cho phép báo chí được quyền nói lên góc khuất của sự thật?

Nếu thật sự báo chí trung thực, thì từ lâu rồi họ phải liên tục lên tiếng, rằng trong mấy vạn con người nằm xuống trong đại dịch Covid vừa qua, ai thay họ để gánh tiếp cuộc mưu sinh? Trong hàng ngàn lượt người và xe trốn chạy khỏi Sài Gòn, Bình Dương những ngày bạo bệnh, họ đã quay lại hay chưa và đã sống tiếp, làm gì ra sao?

Liệu những hô hào bóng loáng đằng sau cuộc cách mạng “chuyển đổi số” kia của đảng, có chuyển nổi những số phận người lao động, để duy nhứt một điều hãy làm cho họ: công ăn việc làm…

Nếu người bác sĩ không phải đợi đến khi sắp nghỉ hưu ở bệnh viện công mới dám mở miệng, thì phải từ rất lâu rồi họ phải tự tin đăng đàn cảnh báo rằng thuốc, vật tư y tế nhập vô qua đấu thầu phải loại rẻ nhất quả đất, thì chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan,.. Hàng tốt của Mỹ, Châu Âu… rớt từ vòng hồ sơ là chắc luôn.

Thử hỏi năm nào bảo hiểm y tế cũng lời, cũng kết dư bất chấp thực trạng y Tế như vậy, hỏi có nát bét không? Rõ như ban ngày mà cứ phải lắng nghe tâm tư, thiếu điều xin cho. Cần sự sòng phẳng, rõ ràng vai trò của y tế là thành tố quan trọng của vấn đề an sinh xã hội.

“Tao muốn làm người lương thiện! Ai cho tao lương thiện?” – đó là câu nói của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, nó khiến cho những ai có lương tri đếu cảm thấy đau lòng, đều phải ưu tư.

Những tưởng tâm trạng chua xót, bi thương và bế tắc ấy chỉ có trong truyện Chí Phèo thời kỳ trước cách mạng tháng 8-1945, thế mà suốt từ đó đến nay ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, và từ sau tháng 4-1975 mở rộng luôn đến tận mũi Cà Mau, trong xã hội vẫn không ít người phải đau đớn thốt lên rằng: “Ai cho tôi làm người lương thiện?”.

Nếu đảng hôm nay chính là Bá Kiến hôm qua…

Đoạn đối thoại của hai người trước khi Chí Phèo đâm chết Bá Kiến:

Hắn dõng dạc:

– Tao muốn làm người lương thiện!

Bá Kiến cười ha hả:

– Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.

Hắn lắc đầu:

– Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách… biết không! Chỉ có một cách là… cái này biết không?

Hãy cứ coi Vũ Đại chỉ là một làng xã nhưng chớ coi thường phạm vi của nó. Ở đó hội tụ những thủ tục, nề nếp, trật tự và những mối quan hệ. Trên cùng của hệ thống làng xã là cụ Bá Kiến ăn ngôi trên chỉ từng được mệnh danh là “lý trưởng, chánh tổng, bá hộ, chánh hội đồng, kỳ hào, huyện hào, Bắc Kỳ nhân dân đại biểu, khét tiếng đến cả trong hàng huyện.

Sau cụ Bá là hàng loạt phe cánh cường hào như một bầy cá tranh mồi dồn lại để bóc lột nhân dân nhưng vẫn ngấm ngầm chia rẽ, mưu hại nhau. Trong cái vòng vây ấy, những người dân chứ chưa nói đến Chí Phèo đã khổ cực lắm rồi…

Nay, nếu có liên tưởng thì lăng kính bi quan nào đó cho thấy đang có một Vũ Đại tân thời ở Ba Đình, và sau cụ Bá, đúng là có cả bầy sâu lúc nhúc như lời cảm thán đầy hình tượng hồi nào của cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao cần sớm thông qua sửa đổi quy định liên quan về đất ở?

Phan Thanh Hung

VNTB – Eximbank bị nghi là đang thao túng giá cổ phiếu

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tham nhũng tình dục

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo