Đông Đô
(VNTB) – Khả năng chống nước, chống thấm của đá cẩm thạch không thật sự tốt nên phù hợp với các hạng mục thi công nội thất gia đình.
Ông Võ Nguyên Phong – giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – cho biết vỉa hè lát đá tự nhiên “có độ bền 70 năm” ở Hà Nội vỡ nát sau thời gian ngắn sử dụng một phần do “mưa xuống đá giãn nở nên tự vỡ”.
Sáng 8-12-2022, bên lề kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, trao đổi với báo chí vụ vỉa hè Hà Nội lát đá tự nhiên có độ bền 70 năm nhưng chỉ một thời gian ngắn sử dụng đã nứt toác, ông Võ Nguyên Phong cho rằng, “đá marble thường có gân đá, không được đồng chất, khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý”.
Vẫn theo ông Phong, đá marble được khai thác bằng phương pháp nổ mìn nên đá bị om khiến “mưa xuống đá giãn nở nên tự vỡ”.
Lý thuyết trong ngành xây dựng cho biết, từ “marble” trong tiếng Anh xuất phát từ tiếng Hy Lạp μάρμαρον, còn trong tiếng Việt đá marble được gọi là đá cẩm thạch. Đây là loại đá biến chất từ đá vôi, có cấu tạo không phân phiến, với thành phần chủ yếu là canxit, dạng kết tinh của cacbonat canxi, CaCO3.
Đá marble là kết quả của quá trình biến chất khu vực hoặc hiếm gặp trong biến chất tiếp xúc từ các đá trầm tích cacbonat như đá vôi, đá dolomit. Quá trình biến chất làm cho đá ban đầu bị tái kết tinh hoàn tạo thành cấu trúc khảm của các tinh thể calcit, aragonit.
Nhiệt độ và áp suất cần thiết để hình thành đá cẩm thạch thường bị phá hủy bởi các hóa thạch và cấu tạo của đá trầm tích ban đầu. Màu sắc của đá marble được hình thành nên từ quá trình biến đổi chất của đá vôi với sự pha tạp của các hợp chất như bùn, silic, cát, đất sét… Loại đá màu trắng là kết quả biến chất từ đá vôi rất tinh khiết, khi chúng có màu xanh đặc biệt hình thành từ đá vôi có lẫn Mg hoặc Silica.
Tại Việt Nam,loại đá này phân bố rải rác dọc các dãy núi lớn như Hoàng Liên Sơn, dãy Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam, và mỏ lớn nhất được tìm thấy và có giá trị khai thác nằm ở Yên Bái.
Trong ngành xây dựng, do đá marble có vân tự nhiên sống động và màu sắc tươi tắn hơn bất kỳ loại đá nào, nên được ứng dụng được ở nhiều hạng mục như ốp lát nội – ngoại thất, lát nền, ốp bếp, ốp lát cầu thang, mặt tiền.
Loại đá cẩm thạch tự nhiên này có một số nhược điểm mà giới thợ khi thi công công trình ai cũng ‘rành 6 câu’ để không bị bắt đền, đó là độ cứng của đá marble không được tốt như đá hoa cương do được hình thành từ đá vôi, bởi vậy khi vận chuyển, các tấm đá marble luôn bọc một tấm lưới đằng sau hoặc nẹp để đảm bảo an toàn, tránh các trường hợp nứt, vỡ.
Khả năng chống nước, chống thấm của đá marble không thật sự tốt nên phù hợp với các hạng mục thi công nội thất gia đình. Ngoài ra do đá marble tự nhiên có giá thành khá cao, đặc tính chống nước chống thấm kém nên thợ thi công buộc phải đạt trình độ cao mới được chủ thầu chọn để thực hiện cho công trình.
Như vậy về lý thuyết thì cách giải thích của ông giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong là có căn cứ; và từ có việc có căn cứ mang tính giáo trình nhập môn ấy trong ngành xây dựng, cho thấy điều rất vô lý đã xảy ra: phải chăng những người có trách nhiệm phê duyệt dự án lát đá tự nhiên ở vỉa hè Hà Nội, họ thiếu kiến thức chuyên môn ở mức tối thiểu về xây dựng?
Tin tức cho biết, những ngày gần đây, vỉa hè trên nhiều tuyến phố Hà Nội như Giảng Võ (Đống Đa), Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình), Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai)… đang được xới tung để lát đá. Thời gian qua, việc chỉnh trang vỉa hè thường được Hà Nội làm rầm rộ vào dịp cuối năm.
Theo ghi nhận, những tuyến vỉa hè trên đều được lát bằng loại đá tự nhiên “có độ bền 70 năm” nằm trong chủ trương cải tạo 900 tuyến phố của UBND thành phố Hà Nội.
Điều đáng nói, hiện nay hàng loạt tuyến phố trước đó được lát bằng loại đá này trong thời gian ngắn sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng loại đá này để “thay áo” cho vỉa hè thủ đô vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.