Tâm Don
(VNTB) – “Việt Nam đừng lấy bảng xếp hạng này để thăng hoa ảo giác, để tự sướng, để lừa phỉnh người dân”.
Ảnh: Học sinh phổ thông ở Việt Nam phải mang những cặp sách rất nặng.
Vào trưa ngày 07-12, báo Tuổi Trẻ online đã đăng tải một bài viết gây sự chú ý mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, đó là bài viết “SINGAPORE DẪN ĐẦU XẾP HẠNG GIÁO DỤC, VIỆT NAM VƯỢT MỸ VÀ ĐỨC “. Bài báo này của Tuổi Trẻ online cho biết: ”Singapore vừa trở thành quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu theo hệ thống đánh giá Pisa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Bài viết trên Tuổi trẻ online cũng cho biết: “chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) hay còn gọi là bảng xếp hạng Pisa do OECD tổ chức ba năm một lần, dựa trên bài thi của học sinh 15 tuổi ở hơn 70 quốc gia”.
Nếu bài viết chỉ xoay quanh những thông tin ấy, cộng đồng mạng sẽ chẳng mấy bận tâm và băn khoăn. Điều chú ý trong bài viết của Tuổi Trẻ online nằm ở “điểm nhấn” đặc biệt sau đây. Bài báo dẫn lời của ông Andreas Schleicher, Giám đốc giáo dục của tổ chức OECD: “Đáng chú ý, giám đốc giáo dục OECD Schleicher cũng mô tả thành tựu của Việt Nam “rất đáng chú ý khi chất lượng học sinh Việt Nam vượt qua cả học sinh ở Đức và Thụy Sĩ trong lĩnh vực khoa học và vượt qua học sinh Mỹ ở lĩnh vực khoa học và toán”.( http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161207/singapore-dan-dau-xep-hang-giao-duc-viet-nam-vuot-my-duc/1231828.html).
Học sinh lớp 9, lớp 10 của Việt Nam giỏi thế sao? Liệu có đáng tin tưởng vào kết quả khảo sát của một tổ chức quốc tế có uy tín như OECD?
Vào buổi trưa ngày 07-12, VNTB đã có cuộc chuyện trò với một nhà giáo kỳ cựu ( đề nghị VNTB giấu tên) từng giảng dạy ở Trường chuyên Amsterdam ở Hà Nội, và Trường chuyên Trần Đại Nghĩa ở Sài Gòn.
Nhà giáo này cho rằng, tiêu chí khảo sát của OECD đưa ra là cho học sinh 15 tuổi thực hiện bài thi, và dựa trên kết quả bài thi để đánh giá và xếp hạng, cũng là một tiêu chí hay và hợp lý. Tiêu chí này chính xác hơn những tiêu chí mang tính cảm quan khác. Nhưng, câu chuyện không nằm ở tính chính xác, hay nói cách khác sự thật của vấn đề được ẩn dấu trong một hệ thống giáo dục.
Nhà giáo này cho biết cụ thể thêm, đánh giá xếp hạng của OECD về Singapore thì có thể tin tưởng được, và học sinh phổ thông ở các nước khác cũng hoàn toàn tin tưởng, còn đánh giá xếp hạng giáo dục phổ thông của Việt Nam thì không thể tin tưởng được vì các lí do sau đây:
Ngành giáo dục Việt Nam thường hay dẫn các chuyên viên điều tra đến khảo sát và khảo thí ở các trường chuyên danh tiếng như Amsterdam ở Hà Nội, trường chuyên Thái Phiên ở Hải Phòng, trường chuyên Lam Sơn ở Thanh Hóa, trường chuyên Phan Bội Châu ở Nghệ An, Trường chuyên Trần Đại Nghĩa ở Sài Gòn…. vốn là những cơ sở chuyên đào tạo gà nòi để thi cử nhằm lấy thành tích và tiếng vang. Hệ thống trường chuyên ở Việt Nam không đại diện cho bản chất lạc hậu và cổ hủ của hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Trong khi đó, khi tiến hành khảo sát ở các nước khác, OECD và ngành giáo dục sở tại thường chọn những học sinh- lớp học ngẫu nhiên ở những trường học ngẫu nhiên. Dĩ nhiên, gà nòi của các trường chuyên ở Việt Nam vốn chăm chỉ và thường được nhồi nhét bao giờ cũng có điểm xuất sắc hơn những con gà tơ vốn ham chơi và ham khám phá ở các nước.
Hệ thống giáo dục phổ thổng Âu- Mỹ không chú trọng giáo dục học thuộc lòng và nhồi nhét kiến thức, mà chú trọng vào rèn luyện thể chất, tư duy độc lập và sáng tạo, kỹ năng sống và ứng xử trong môi trường tập thể, học phương pháp tư duy và sáng tạo, kỹ năng khám phá tự nhiên và sinh tồn trong tự nhiên, tôn trọng giáo dục trực quan sinh động thông qua thí nghiệm hoặc trải nghiệm ở các viện bảo tang và các chương trình dã ngoại. Vì vậy, học sinh Âu- Mỹ không giỏi về kiến thức hàn lâm như học sinh phổ thông Châu Á, nhưng học sinh Âu- Mỹ càng học lên cao càng giỏi, càng học lên cao càng bỏ xa học sinh Châu Á, đặc biệt là học sinh Việt Nam.
Nhà giáo kỳ cựu này cho biết, vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Việt Nam có một người tên là Lê Bá Khánh Trình đã đoạt giải nhất trong một cuộc thi toán học quốc tế. Cả Việt Nam như lên đồng vì thành tích này, và đặt kỳ vọng lớn lao vào tài năng trẻ này. Hiện nay người ấy ra sao? Chỉ là một thầy giáo dạy toán làng nhàng ở một trường đại học nhì nhằng, và không có bất kỳ một công trình khoa học toán học nào. Nhà giáo kỳ cựu chua xót: “Không một người Việt Nam nào thụ hưởng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học trong nước lại có thể trở thành một nhà khoa học, một học giả có tầm cỡ châu lục chứ chưa nói đến tầm cỡ thế giới. Tại sao lại thế? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân giáo dục phổ thông quá tệ hại”.
Nhà giáo kỳ cựu và đầy trăn trở này cho rằng, Việt Nam đừng lấy bảng xếp hạng này để thăng hoa ảo giác, để tự sướng, để lừa phỉnh người dân.