Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ theo cách nhìn của người Bản Địa

Aria Serena

 

(VNTB) – Với người Mỹ bản địa, đặc biệt là những người từ các bộ tộc và cộng đồng có quan hệ lịch sử phức tạp với người châu Âu, Ngày Lễ Tạ Ơn có thể đánh dấu một ngày bi thương.

 

Đối với nhiều người Mỹ, trong đó có cả người di dân, ngày Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving Day, thường được coi là một dịp để gia đình và bạn bè tụ tập, cùng nhau ăn mừng và bày tỏ lòng biết ơn. Thông thường, ngày này được xem như một dịp để chia sẻ, thưởng thức các món ăn truyền thống và tận hưởng thời gian bên gia đình. Tuy nhiên, với người Mỹ bản địa, đặc biệt là những người từ các bộ tộc và cộng đồng có quan hệ lịch sử phức tạp với người châu Âu, Ngày Lễ Tạ Ơn có thể đánh dấu một ngày bi thương. Họ có thể nhìn ngày này với tâm trạng buồn rầu nghĩ đến sự xâm lược, mất mát vùng quê cha đất tổ, và sự đau khổ của bộ tộc phải chịu bởi người da trắng trong quá khứ. Ngày Lễ Tạ Ơn, với họ, có thể là một ngày để tưởng nhớ và thể hiện sự phản đối hoặc sự chấp nhận khó khăn và mất mát.

Câu chuyện về Lễ Tạ ơn đầu tiên thường chỉ được kể từ góc nhìn của những người Anh thực dân, còn gọi là những Người Hành Hương, Pilgrims, đến vùng Plymouth, thuộc tiểu bang Massasusset, Hoa Kỳ ngày nay. Nhưng với góc nhìn của người bản địa thì khác.

Tàu Mayflower chở những Người Hành Hương đến cảng Plymouth ngày 16 tháng 12 năm 1620. Những người này đến ở Patuxet, một ngôi làng của bộ lạc  Wampanoag bị bỏ hoang bốn năm trước sau khi một trận dịch hạch bùng do các thương nhân châu Âu mang đến khi họ xuất hiện lần đầu tiên tại khu vực này vào năm 1616. Trước năm này, Wampanoag có chừng 50.000 đến 100.000 người, sống trong 69 ngôi làng rải rác khắp vùng đông nam Massachusetts và phía đông Rhode Island. Tuy nhiên, bệnh dịch đã làm chết tới 2/3 trong số họ. Ngoài ra nhiều đàn ông, đàn bà, trẻ con đã bị người da trắng bắt và bán làm nô lệ.

Bộ tộc Wampanoag, lúc đó dưới sự lãnh đạo của Tù Trưởng Ousamequin (hay còn gọi là Massasoit), nhìn những người Pilgrims Anh thuộc giáo đoàn Separatists, đã tới Bắc Mỹ trên tàu Mayflower vào năm 1620 để tìm kiếm tự do tôn giáo không chút ác cảm. Những người này đến,  định cư tại Plymouth, Massachusetts.

Người Wampanoag nhìn tàu Mayflower cập  bờ Patuxet, và  không coi những người lạ này là mối đe dọa. Họ đã nhìn thấy nhiều con tàu như vậy trước đó, nhưng cũng không chào đón những người Anh này ngay lập tức. Chỉ vài năm sau họ mới giúp đỡ những người này, bầy cho họ cách trồng bắp, câu cá và hái nấm, trái cây và các loại hạt. Squanto, một người Wampanoag, có vai trò quan trọng trong việc giúp người Pilgrims biết cách làm nông nghiệp, săn mồi, cung cấp kiến thức về đất đai và nguồn lực tài nguyên trên đất lạ.

Những người Wampanoag không tin rằng tổ tiên họ đã được những người Da Trắng mời dự một bữa tối thịnh soạn với gà tây và bí ngô mà sau này được coi như ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên trong lịch sử. Theo nhà sử học Michael Turner, sự kiện này không phải là một bữa tối lớn với gà tây như hầu hết mọi người vẫn tin. Những Người Hành Hương vừa thu hoạch vụ mùa đầu tiên và cử bốn người đàn ông đi săn muông cầm. Pilgrim Edward Winslow viết rằng họ đã “tập luyện cánh tay” trong sự kiện này. Hầu hết các nhà sử học đều tin rằng Massasoit, thủ lĩnh của Wampanoag, đã nghe thấy tiếng súng phát ra từ làng Pilgrim và nghĩ rằng họ đang bị tấn công. Ông đi điều tra và phát hiện ra người Da Trắng đang ăn mừng. Rất lâu, trước khi những người định cư đến, các bộ lạc bản địa đã tổ chức lễ thâu hoạch nông sản, món quà hào phóng của Đất Mẹ vào mùa thu. Niềm tin của người Mỹ bản địa, theo truyền thống đến ngày nay, nhấn mạnh lòng biết ơn đối với sự sáng tạo, chăm sóc môi trường và thừa nhận nhu cầu hiệp thông của con người với thiên nhiên và những người khác.

Ngày lễ Tạ Ơn Thansgiving Day là một ngày lễ quan trọng đối với người Mỹ. Tuy nhiên, đối với người bản địa, ngày lễ này có một ý nghĩa khác. Người bản địa cho rằng ngày lễ Tạ Ơn là một ngày để tưởng nhớ đến những thảm họa mà họ đã phải chịu trong quá khứ, bao gồm sự chiếm đóng đất đai, sự diệt chủng và bạo lực.

Người bản địa cũng cho rằng cách giáo dục về ngày Lễ Tạ Ơn hiện nay không đầy đủ và không chính xác. Họ cho rằng cách giáo dục này không đề cập đến những thảm họa mà họ đã phải chịu và không tôn trọng văn hóa của họ.

Sự đau thương kéo dài cho đến nay của người người Mỹ bản địa là từ những nhóm người châu Âu, như những Người Hành Hương và người Thanh Giáo (Pilgrims và Puritans), đến Bắc Mỹ từ thế kỷ 17 chỉ ngừng lại 5,60 năm trước đây.

Lúc đầu người bản địa nghĩ người Da Trắng đến trú ngụ trên đất của họ và việc buôn bán, The Fur Trade, với người châu Âu này là một điều tốt. Họ đổi lông, da thú để lấy dụng cụ bằng sắt, ấm đun nước, chăn len và những vật dụng hữu ích khác. Trong khi việc buôn bán lông, da thú mang lại một số mặt tích cực cho người dân bản địa, thì người châu Âu cũng mang lại nhiều điều tồi tệ. Họ mang đến súng, bệnh tật và rượu. Tuy nhiên, kết quả tàn khốc nhất của việc buôn bán lông, da thú là việc những người định cư châu Âu xâm chiếm vùng đất bản địa, gây nên chiến tranh và chết chóc. Những người thực dân cuối cùng đã buộc hầu hết mọi nhóm bản địa ở Bắc Mỹ phải rời khỏi vùng đất của họ. Đồng thời chính phủ của người Da Trắng công khai cai trị người bản địa.

Không những đã cai trị, họ còn muốn bứng gốc, xóa bỏ căn cước của những người từng thi ơn cho họ.

Từ năm 1869 đến những năm 1960, hàng trăm nghìn trẻ em người Mỹ bản địa đã phải rời bỏ nhà cửa và gia đình của mình, bị đưa vào các trường nội trú INDIAN BOARDING SCHOOL do chính phủ liên bang và các nhà thờ điều hành.

Đến nay  không biết tổng cộng có bao nhiêu trẻ em bị bắt, nhưng đến năm 1900 đã có 20.000 trẻ em theo học tại các trường nội trú cho người bản địa mà người Da Trắng cai trị gọi là Indians, và đến năm 1925 con số đó đã tăng hơn gấp ba lần.

Các trẻ em “Da Đỏ” bị buộc phải rời khỏi gia đình và cộng đồng một cách tự nguyện hoặc bị ép buộc, đến các trường học cách xa hàng trăm dặm, bị đánh đập, bỏ đói hoặc ngược đãi khi các em nói tiếng mẹ đẻ của mình, chịu đựng sự lạm dụng tình dục và bỏ mặc về thể chất, văn hóa và tinh thần, đồng thời phải trải qua sự đối xử mà trong nhiều trường hợp bị đánh đập vì nói ngôn ngữ bản địa của họ. Nhiều trẻ em không bao giờ trở về nhà và số phận của chúng vẫn chưa được chính phủ Mỹ giải quyết.

Trang mạng boardingschoolhealing.org viết trong phần Giới thiệu lịch sử trường nội trú “Bắt đầu với Đạo luật the Indian Civilization Act Fund ngày tháng 3, 1819  the Peace Policy năm 1869, Hoa Kỳ, phối hợp và với sự thúc giục của một số giáo phái của Giáo hội Thiên Chúa giáo, đã thông qua Chính sách Trường Nội trú Indian nhằm thực hiện nạn diệt chủng văn hóa thông qua việc loại bỏ và lập trình lại trẻ em người Mỹ bản địa và thổ dân Alaska để thực hiện việc phá hủy một cách có hệ thống các nền văn hóa và cộng đồng bản địa. Mục đích đã nêu của chính sách này là “Giết người da đỏ, cứu người”, “Kill the Indian, Save the Man.”

Chính phủ Mỹ lúc đó muốn thay đổi ngôn ngữ và văn hóa của trẻ em dân bản địa, bắt phải hòa nhập với “lối sống châu Âu.” Các trường học nội trú này đã tạo ra một môi trường không thuận lợi cho sự phát triển văn hóa và tâm hồn của trẻ, gây ra đau khổ và mất mát về mặt văn hóa, ngôn ngữ, và định hình tư duy của thế hệ trẻ Mỹ bản địa.

Cho tới nay Chính Sách Đất Đai và Quản Lý Tài Nguyên vẫn còn  gây ra đau khổ và mất mát đối với cộng đồng người bản địa. Các hiệp ước và thỏa thuận của chính phủ với các bộ lạc thường không được thực hiện đúng đắn, dẫn đến mất mát lớn về vùng đất và nguồn sống truyền thống.

Tất cả những sự kiện này đều góp phần tạo ra một cảm nhận tiêu cực và đau thương đối với Ngày Lễ Tạ Ơn từ phía người Mỹ bản địa. Nhiều người trong họ cảm thấy ngày Lễ Tạ Ơn thường được kể lại một cách không chính xác và không đầy đủ về sự đau khổ của họ trong lịch sử, tạo ra một hình ảnh tuyên truyền thiên lệch về cuộc gặp gỡ giữa Pilgrims và bộ tộc bản địa. Họ chọn sử dụng ngày lễ này để tưởng nhớ và tôn trọng lịch sử và văn hóa của mình, thậm chí là để mở ra những cuộc thảo luận và nâng cao nhận thức về các vấn đề đang diễn ra trong cộng đồng Mỹ bản địa ngày nay. Họ có một số hoạt động giúp giáo dục về ngày lễ Tạ Ơn, một số hoạt động được đề xuất bởi  những bộ lạc riêng. Bảo tàng Quốc gia Người Mỹ Bản Địa cũng có các hoạt động giáo dục về ngày này. Một trong các hoạt động rất đáng chú ý là đọc và thảo luận về Lời Chào Mừng Tạ ơn của Haudenosaunee, một  Liên minh Sáu Bộ lạc Mohawk, Oneida, Onondaga, Cayuga, Seneca, Tuscarora.

Mỗi bộ tộc trong Liên minh có lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ riêng, nhưng họ cùng hợp tác để tạo ra một liên minh mạnh mẽ.

Lời chào mừng Tạ ơn của Haudenosaunee thường tập trung vào sự biết ơn, tình đồng đội, và tầm quan trọng của sự kết nối với tự nhiên và với nhau. Mặc dù lời chào mừng có thể khác nhau tùy theo từng cộng đồng cụ thể và ngữ cảnh của buổi lễ, nhưng thường thì chúng thể hiện sự tri ân và lòng biết ơn đối với mọi dạng cuộc sống và những mối quan hệ.

Bài diễn văn được đọc bởi người trong Liên Minh tại các cuộc tụ họp cộng đồng trong suốt cả năm. Nội dung chung của lời chào mừng Tạ ơn của Haudenosaunee:

“Chào mừng đến với buổi lễ Tạ Ơn của chúng ta. Trong ngày này, chúng ta tụ họp với trái tim biết ơn và lòng tôn kính đối với Mẹ Đất và tất cả những phần tử của cuộc sống. Chúng ta cùng nhau hòa mình vào sự đồng thuận và lòng tôn trọng, nhìn nhận giá trị của tình đồng đội và tình đoàn kết trong cộng đồng. Chúng ta cùng nhau mở lòng, đón nhận và chia sẻ với nhau, nhớ những gì đã được Mẹ Đất ban tặng và cam kết bảo vệ và giữ gìn cho những thế hệ tương lai.”

Người Mỹ bản địa đã mất gần như tất cả cho một quốc gia Hoa Kỳ hùng mạnh, thịnh vượng và dân chủ ngày nay nhưng mỉa mai thay không nhiều người, lại càng ít hơn nữa, di dân gốc Việt, biết được tường tận sự đau thương của họ để xây dựng mối quan hệ tích cực bồi đắp sự hiểu biết và tôn trọng người Mỹ bản địa. Điều này quan trọng để tạo ra một xã hội đa dạng, công bằng và tôn trọng nhân quyền.

 

Tham khảo

americanindian.si.edu

haudenosauneeconfederacy.com/

washingtonpost.com/history/2021/11/04/thanksgiving-anniversary-wampanoag-indians-pilgrims/

britannica.com

culturalsurvival.org/


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Elon Reeve Musk và Tự do ngôn luận.

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tôi đi tránh bão Milton ở Florida

Bùi Ngọc Dân

VNTB- Hoa Kỳ, ngày bầu cử năm 2016

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo