Mai Lan (lược thuật)
(VNTB) – “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Kiến thức và kinh nghiệm của lịch sử là cơ sở để hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử.
Nôm na, lịch sử về chuyện dựng nước và giữ nước qua việc kinh bang tế thế ở các triều đại và cả đương đại, cần thiết là môn học bắt buộc cho đến khi học trò rời mái trường.
Giáo sư Nguyễn Thị Côi giảng dạy môn lịch sử bậc đại học, cho rằng kiến thức lịch sử là cơ sở để hoạch định đường lối chính sách phát triển đất nước phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử.
Khoa học lịch sử không trực tiếp liên quan đến quá trình sản xuất và phục vụ sản xuất như khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Nhưng lịch sử có tác dụng quan trọng đến sự phát triển xã hội. Nó là căn cứ đáng tin cậy để phát hiện những quy luật chung, quy luật đặc thù, cá biệt, vận động trong xã hội.
Kinh nghiệm lịch sử thế giới và dân tộc chỉ rõ, ở mỗi giai đoạn lịch sử nếu hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước phù hợp với quy luật thì xã hội sẽ phát triển. Chính vì vậy có thể nói kiến thức và kinh nghiệm của lịch sử là cơ sở để hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử.
Bên cạnh đó thì tri thức lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức tinh hoa của văn hóa nhân loại, của dân tộc để học hỏi, giao lưu, hội nhập. Xu hướng toàn cầu hóa hiện nay đã làm cho các quốc gia dân tộc không phân biệt thể chế chính trị xích lại gần nhau.
Muốn hội nhập phải nói rõ lịch sử dân tộc mình cho thế giới hiểu đúng. Đồng thời, nước ta là nước đang phát triển, cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước khác. Việc tìm hiểu lịch sử nước ngoài, nhất là lịch sử các nước láng giềng trong khu vực, các nước lớn có quan hệ mật thiết với Việt Nam để hiểu họ và học hỏi tinh hoa văn hóa của họ là điều không thể thiếu.
Thực tế lâu nay ai cũng rõ là một số vấn đề như chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa, mở cõi của Chúa Nguyễn Hoàng… chưa được đưa vào sách giáo khoa, trong khi báo chí và các phương tiện truyền thông đề cập rất nhiều. Điều này làm giảm hứng thú cho cả thầy và trò trong việc học môn lịch sử.
“Việt Nam hiện nay là một nước đang phát triển, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đa số người dân còn nghèo, trình độ dân trí còn thấp… Đất nước ta nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, từ xưa đến nay bị nhiều thế lực ngoại bang xâm lược và đe dọa xâm lược. Vì vậy, công cuộc xây dựng Tổ quốc luôn luôn đi đôi với bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt hiện nay, vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và biển đảo Tổ quốc vẫn đang đặt ra cấp thiết.
Để đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, nhất là vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức lịch sử, phải hiểu sâu sắc những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này.
Đồng thời nhà trường phổ thông phải trang bị cho thế hệ trẻ những hiểu biết lịch sử tối cần thiết và giáo dục cho các em ý thức về chủ quyền biên giới và biển đảo Tổ quốc. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, liên quan tới vận mệnh Tổ quốc” – giáo sư Nguyễn Thị Côi biện giải.
Góc nhìn là một phụ huynh, theo ý kiến của luật sư Trần Thành thì môn học nào cũng quan trọng đối với cuộc sống.
“Tuổi trẻ học đường nói riêng, cộng đồng nói chung cần phải được giáo dục về tri thức của cuộc sống. Có con người là có lịch sử. Môn học lịch sử có cần cho học sinh không? Tại sao lại gọi là “tự chọn”? Trong “tự chọn” đã bao hàm tự do lựa chọn môn học. Việc đề xướng môn học lịch sử là “môn tự chọn” quả là tầm nhìn thiển cận, phi khoa học.
Nặng lời hơn, đó là phản lại nhân văn của bao thế hệ từ ngàn xưa đến nay gây dựng nên. Cái cốt lõi phải là soạn chương trình môn học sao cho khoa học. Nên định lượng, định chất cho các cấp học từ tiểu học đến đại học. Người Việt không biết sử Việt thì đối tượng nào cần biết, cần học?” – luật sư Trần Thành kết luận.
Một nhà báo thân hữu trang Việt Nam Thời Báo góp chuyện bằng giọng rao giảng đặc sệt tuyên giáo Đảng, nhưng với vẻ đầy mỉa mai, rằng:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói đó của Người cho thấy, việc học và dạy lịch sử không chỉ để cho mọi người dân Việt Nam nhận biết rõ cội nguồn của mình, mà còn để bồi bổ, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn, tự hào dân tộc.
Mong sao lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” sẽ trở thành hiện thực thông qua việc đổi mới nhận thức, quan điểm đối với môn học lịch sử cũng như cách thức viết sử và giảng dạy lịch sử ở nước ta, thay cho chuyện cứ loay hoay “tự chọn” hay vẫn như lâu nay, hoặc như việc phân ban từng có như dưới thời giáo dục của miền Nam Việt Nam trước tháng 4-1975”.
2 comments
“Mong sao lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh … sẽ trở thành hiện thực thông qua việc đổi mới nhận thức”
Dân Ta phải biết sử Đảng Ta, ai mà không biết thì đừng có dại mà tra gú gồ