VNTB – Liệu lần này có mở lại hồ sơ về ‘đế chế’ Trần Quý Thanh?

VNTB – Liệu lần này có mở lại hồ sơ về ‘đế chế’ Trần Quý Thanh?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Râm ran tin tức trên mạng xã hội cho biết rất có thể thời gian tới đây nhà chức trách sẽ mở lại hồ sơ về các vụ án liên quan đến gia đình ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát.

 

Được thành lập từ năm 1994, với tiền thân là nhà máy bia Bến Thành, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang sở hữu hơn 40 loại sản phẩm như nước tăng lực Number 1, trà xanh Không Độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước ép trái cây Juicie, sữa đậu nành Soya, nước uống Number 1…

Lâu nay, thành công của Tân Hiệp Phát luôn gắn liền với hình ảnh của ông Trần Quý Thanh. Đây là một trong số những doanh nghiệp hiếm hoi dùng hình ảnh của mình là thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện ông Thanh không hề sở hữu cũng như nắm giữ các chức vụ Chủ tịch hay Giám đốc của Tân Hiệp Phát.

Cổ đông lớn nhất của Tân Hiệp Phát là bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Thanh, sở hữu 54,4% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.

Con trai út của ông Trần Quý Thanh, ông Trần Quốc Dũng hiện không tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình mà lập công ty riêng mang tên Trần Toàn Phát.

Nhắc lại một câu chuyện về đại án 9.000 tỷ mà khi ấy đại diện Viện Kiểm sát đã yêu cầu xem xét trách nhiệm của ông Trần Quý Thanh, và bà Trần Ngọc Bích trong dấu hiệu của vai trò đồng phạm.

Vụ án được mang ra xét xử hình sự sơ thẩm vào tháng 7-2016. Vụ án có 36 bị cáo trong vụ án làm thất thoát hơn 9000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) do ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị VNCB chủ mưu.

Ngoài 36 bị cáo bị truy tố vì gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng, còn có 130 cá nhân, tổ chức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có những doanh nhân tên tuổi như gia đình Tân Hiệp Phát là ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích, bà Trần Uyên Phương; nhà Quốc Cường Gia Lai có bà Nguyễn Thị Như Loan; ông Nguyễn Quốc Cường…

Trong phiên phúc thẩm, vào sáng 10-1-2017, tuần làm việc thứ ba vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Về hành vi rút số tiền 5.910 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay gây thiệt hại 5.490 tỷ đồng cho VNCB, đại diện Việm Kiểm sát khẳng định ông Danh có vai trò chỉ đạo, dùng các hợp đồng vay tiền để rút tiền của VNCB.

Liên quan đến hành vi này, có các khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh (Công ty Tân Hiệp Phát) và một số khách hàng, Viện Kiểm sát cho biết những người này không thực hiện đúng mục đích vay tiền từ VNCB. Vay tiền ra không sử dụng cho mục đích kinh doanh mà cho ông Danh vay lại.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong vụ án này bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền của VNCB, sau đó cho Phạm Công Danh vay lại là giúp sức tích cực cho ông Danh rút tiền từ VNCB Việc xem xét vai trò đồng phạm của bà Bích, ông Thanh là phù hợp, việc cấp sơ thẩm chưa xử lý là bỏ lọt hành vi phạm tội.

Viện Kiểm sát cho rằng việc Phạm Công Danh cố ý làm trái gây thất thoát của VNCB 5.490 tỉ đồng có sự giúp sức của Phạm Thị Trang, Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích. Liên quan đến hành vi này, tòa sơ thẩm đã khởi tố vụ án đối với Phạm Thị Trang (tức Trang phố núi) là có căn cứ. Tuy nhiên việc tòa sơ thẩm chưa xem xét vai trò của Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích, Võ Thị Như Thảo… là bỏ lọt người phạm tội.

Đối với kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh và 13 người liên quan về việc không đồng ý thu hồi 5.190 tỉ đồng, đề nghị giải chấp 13 sổ tiết kiệm, đại diện Viện Kiểm sát cho biết không có cơ sở chấp nhận.

Viện Kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét trách nhiệm của ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích, bà Vũ Thị Như Thảo, ông Trần Trọng Nghĩa với vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Phạm Công Danh gây thất thoát cho VNCB 5.190 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát còn đề nghị hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2, cần làm rõ khoản tiền hơn 405 tỷ đồng mà bà Bích đã cho ông Danh vay để truy thu thuế thu nhập cá nhân, làm rõ hành vi trốn thuế. Làm rõ việc bà Bích, ông Thanh cho ông Danh vay 16.000 tỷ đồng để truy thu thuế thu nhập cá nhân, làm rõ hành vi trốn thuế.

Viện Kiểm sát cũng kiến nghị hội đồng xét xử cấm xuất cảnh đối với các đối tượng liên quan đã bị khởi tố trong vụ án và các cá nhân đã bị đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tại tòa.

Tuy nhiên ở phiên tòa phúc thẩm của vụ án ở giai đoạn 2, bản án tuyên vào chiều 25-8-2020 đã không thấy đề cập đến những ý kiến của Viện Kiểm sát hồi giai đoạn 1 của vụ án.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)