Việt Nam Thời Báo

VNTB- Lỗ hổng hiến pháp 2013 và một thất bại của đảng trước bầu cử quốc hội 2016

Đào Đức Thông

(VNTB) – Việt Nam không có dân cử, dân bầu, mà chỉ có đảng cử, đảng bầu, vì là một chế độ độc tài toàn trị, độc đảng. Trong chế độ này không người dân nào được quyền tự do bầu cử và ứng cử các chức vụ dân cử từ trung ương đến các địa phương. Các chức vụ lãnh đạo lớn bé trong guồng máy công quyền đều phải là đảng viên CS hoặc những người do đảng CS cử.
Trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng 5 này, trước số lượng lớn người ngoài Đảng tự ứng cử đại biểu  Quốc hội, nhà cầm quyền Việt Nam đã hết sức lo sợ và đang dùng sức mạnh của công an đe dọa tinh thần, ngăn chặn những người đối lập. Mặt Trận Tổ Quốc sử dụng thẩm quyền của mình để ngăn chặn, đấu tố những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia mà không chấp nhận sự giám sát của bất cứ một trọng tài quốc tế nào. Đảng CS và Nhà cầm quyền nắm trọn quyền kiểm soát, thực hiện các khâu bầu phiếu đến kiểm phiếu mà lẽ ra quyền của nhân dân.

Giám sát và áp đặt độc tài lên cuộc bầu cử đại biểu của nhân dân đấy phải chăng là sự thất bại rất lớn của Đảng và chính quyềnViệt Nam?  Nhà cầm quyền  vì quá chủ quan vào điều 4 Hiến pháp, sự độc tôn của Đảng mình mà đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng là đánh giá rất thấp trí tuệ của người dân Việt Nam. Thay vì tôn trọng nhân phẩm và trí thông minh của nhân dân qua những định chế rường cột của quốc gia như: Quốc Hội, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng Chính Phủ, Chủ Tịch Quốc Hội …, thì họ lại bôi bẩn sự tôn nghiêm của quốc thể  bằng những mánh lới mua quan bán chức.

Đảng cử, dân bầu, những ai ngoài đảng đều không có cơ hội. Đây là một cuộc chơi không thật sự là của nhân dân, bởi tạo ra cuộc chơi là Đảng CS và chính quyền đoàn thể Nhà nước (tổ chức và áp đặt luật chơi), sắp đặt cuộc chơi là họ (hiệp thương cơ cấu, truyền thông báo chí, cử tri nơi cư trú) và giải quyết cuộc chơi cũng là họ (hiệp thương danh sách, khiếu nại kết quả bầu cử).

Những khía cạnh vi hiến

Bầu cử Chính  quyền ở  Việt Nam từ lâu nay không có dân cử, dân bầu, vì không có chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng. Nghĩa là một chế độ trong đó người dân được quyền chọn lựa, thông qua một Quốc hội lập hiến gồm những đại biểu do người dân bầu ra qua phổ thông bầu phiếu tự do, trực tiếp và kín.

Ở những nước tự do, dân chủ, Quốc hội lập hiến có nhiệm vụ soạn thảo ra một bản Hiến pháp thiết định chế độ chính trị theo đúng ý muốn của người dân, với các cơ quan công quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được tổ chức và điều hành bởi những người dân cử và công cử (công chức) hưởng lương do tiền thuế của dân. Trong một chế độ như thế, bất cứ người dân nào có năng lực và hội đủ điều kiện cũng có quyền tự do ứng cử với tư cách cá nhân hay đảng phái chính trị để được người dân tuyển chọn vào các chức vụ dân cử ; hay tự do ứng tuyển vào các chức vụ công cử (công chức) để được các cấp các ngành tuyển chọn vào các cơ quan công quyền quốc gia – gọi chung là bộ máy Nhà nước, với cơ chế của một chính quyền của dân, do dân và vì dân, làm nhiệm vụ quản lý đất nước mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung, theo đúng ý nguyện của người chủ đất nước là nhân dân.

Sau Đại hội Đảng XII, sự tái đắc cử vào chức vụ Tổng Bí Thư của ông Nguyễn Phú Trọng , 72 tuổi, quê quán Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội gây thất vọng cho nhiều người  dân Việt Nam trong nước, cũng như hải ngoại vì tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, giáo điều và thân Bắc Kinh – kẻ thù của Việt Nam ở biển đông, đồng thời ông đã thất bại nhiều hơn thành công trong nhiệm kỳ thứ nhất 2011-2015.

Trước ngày khai mạc Đại hội đảng XII, ông Trọng đã buộc tất cả Ủy viên tương lai của Ban Chấp hành Trung ương XII phải “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc.”

Trong buổi họp báo ngày kết thúc Đại hội XII của đảng CSVN, Tổng Bí thư tái cử Nguyễn Phú Trọng đã bác bỏ những chỉ trích về chế độ độc đảng, độc tài toàn trị của đảng CSVN. Theo ông, đó là một chế độ “dân chủ tập trung” do tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, “dân chủ hơn hẳn” một số nước có tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu ra những người lãnh đạo cao nhất nước “nhân danh là dân chủ nhưng cá nhân quyết định tất” và ông cho rằng Việt Nam“dân chủ đến thế là cùng”.

Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khoá XIII, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội mới thay cho đương kim Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Sau đó Chủ tịch Quốc hội mới điều hành Quốc hội cũ (Khoá XIII) bầu ra Chủ tịch nước mới thay thế đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sau đó, theo đề cử của Chủ tịch nước mới, Quốc hội cũ đã bầu Thủ tướng mới thay cho Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng. Và đến trung tuần tháng 7/2016, Quốc hội mới (Quốc hội Khoá XIV) sẽ triệu tập kỳ họp thứ nhất. Tại kỳ họp này, chu kỳ trên lại được lặp lại một lần nữa để bầu ra 3 chức danh cao nhất của Nhà nước theo nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội Khoá XIV!  Xem ra việc thay đổi sớm 3 chức danh trên, đằng sau nó có thể ẩn chứa một động cơ gì đó không trong sáng! Không chỉ các nhà quan sát từ bên ngoài mà nhiều Đại biểu Quốc hội Khoá XIII cũng đoán biết được ý đồ thực sự của việc làm vội vàng và bất thường này là gì!

Trên nguyên tắc, các chức vụ Chủ Tịch Quốc Hội, Chủ Tịch nước và Thủ Tướng Chính phủ nằm trên bình diện quốc gia và căn cứ trên Hiến pháp. Chính vì thế sự bổ nhiệm 3 chức vụ này, trong bối cảnh không bình thường, gây ra nhiều tranh cãi trong giới bình luận gia chính trị, về tính hợp hiến hay vi hiến của nó.

Bối cảnh không bình thường này căn cứ trên các lập luận và sự kiện như sau:

1. Quốc hội khóa 14 sẽ được bầu ngày 22 tháng 5 sắp tới nên Quốc Hội Khóa 13 không có thẩm quyền bầu các chức vụ nêu trên.

2. Các nhân vật tiền nhiệm như Chủ Tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không có đơn xin từ chức.

3. Hiến pháp 2013 quy định rõ là nhiệm kỳ của Chủ tịch nước (điều 87) và Chính phủ trong đó có Thủ tướng (điều 97) theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Riêng nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm phải theo nhiệm kỳ của Quốc hội bầu ra mình (điều 71.1).

Khi đọc kỹ Hiến Pháp 2013, Điều 71.1 ghi rõ:

“Nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là năm năm.”

Và chủ tịch Quốc hội dĩ nhiên là một trong những thành phần của Quốc hội và nhiệm kỳ của chức vụ này cũng phải 5 năm.

Hiến pháp, điều 87, lại minh thị quy định nhiệm kỳ của chức vụ chủ tịch nước như sau:

“…Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.”

Riêng chức vụ thủ tướng thì có 2 điều của Hiến Pháp liên hệ đến.

Điều 95 quy định thủ tướng là một thành phần của chính phủ (“Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.”) và sau đó Điều 97 ghi rõ:

“Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới.”

Các ông cựu chủ tịch Quốc Hội (Nguyễn Sinh Hùng), cựu chủ tịch nước (Trương Tấn Sang) và cựu Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) đã không có đơn từ chức, họ cũng không bị cách chức vì bất cứ lý do gì kể cả tắc trách hoặc mất trí năng.

Căn cứ vào những điều trên, hầu hết các bình luận gia trong và ngoài nước đều phê phán rằng, tác động bổ nhiệm quá sớm vừa rồi của đảng CSVN là vi hiến. Dĩ nhiên đây là một lập luận thuyết phục và Đảng CSVN rất khó bác bỏ lập luận này.

Cơ sở lý luận của đảng CSVN và những lỗ hổng

Đảng nắm trong tay toàn diện quân đội, công an, guồng máy hành chánh, hệ thống tòa án theo công thức độc tài toàn trị, tại sao còn phải hành động hấp tấp và “vi hiến” như thế?

Phải chăng vì họ quá sợ hãi, bao gồm sự sợ hãi mất quyền lợi?

Thật vậy, sau 2 thập niên nắm Chính phủ trong tay, ông Nguyễn Tấn Dũng và những người thân tín đã xâm nhập mọi giai tầng của guồng máy hành chánh và Đảng. Quyền lực đi cùng quyền lợi. Trong suốt 2 thập niên đó, thế lực của ông Nguyễn Tấn Dũng bao trùm Đảng CS và nhà nước, vượt lên trên Tổng Bí Thư Đảng Nguyễn Phú Trọng và trên cả Bộ Chính trị.

Các nhân vật mới không thể cho Dũng và đàn em cơ hội, dù chỉ là vài tháng mong manh, để tẩu tán tài sản và chứng cớ. Họ cũng không thể hoàn toàn loại bỏ xác xuất xảy ra chính biến từ phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng vì “đêm dài lắm mộng”.

Đảng CSVN không phải hoàn toàn không có cơ sở hiến định, khi họ bổ nhiệm sớm 3 chức vụ nêu trên.

Trước hết, đảng CSVN căn cứ  vào điều 70 của Hiến Pháp nói lên tính tối cao của quốc hội và cho phép Quốc Hội quyền hầu như tuyệt đối “bầu, miễn nhiệm , bãi nhiệm” các chức vụ trên.

Thật vậy, điều 70.7 ghi rõ quyền lực bao trùm của Quốc Hội như sau:

“Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;”

Hiến pháp 2013 của Quốc hội VN là một đạo luật chưa  hoàn hảo và Đảng CSVN có thể lợi dụng những kẽ hở này hầu khuynh loát Chính quyền khi cần thiết. Chúng ta có thể thấy qua một số lỗ hổng sau đâu:

1. Khắc ghi trong Hiến pháp những điều khoản dân chủ thực sự tương tự các quốc gia dân chủ văn minh trên thế giới.

2. Khắc ghi trong hiến pháp cụm từ “Theo pháp luật quy định” như trong các thể chế dân chủ trên thế giới

3. Tuy nhiên cũng lồng vào hiến pháp những điều khoản hoàn toàn phản dân chủ (điển hình là điều 4 HP, điều 8.1)

4. Lồng vào Hiến pháp những điều khoản tuyên truyền không công cho đảng CS.

5. Không hiến định hóa một định chế pháp lý độc lập để bảo vệ tinh thần hiến pháp và có thẩm quyền phán xét chí công vô tư về tính vi hiến hay hợp hiến.

6. Không minh thị quy định thứ tự ưu tiên quyền lực của các điều khoản khi xảy ra xung đột giữa các điều khoản HP.

Qua những lỗ hổng này, chúng ta có thể hình dung Hiến Pháp 2013 như một mâm cỗ, trong đó có nhiều món ăn (hay điều khoản) khác nhau. Người dùng có quyền tuyệt đối chọn những món ăn phù hợp với khẩu vị của mình và vứt đi những món khác.

Tương tự, qua Hiến Pháp 2013, đảng CSVN trở thành chủ nhân tuyệt đối của đất nước Việt Nam, toàn quyền quyết định.

Việt Nam chỉ có đảng cử, đảng bầu!

Việt Nam không có dân cử, dân bầu, mà chỉ có đảng cử, đảng bầu, vì là một chế độ độc tài toàn trị, độc đảng. Trong chế độ này không người dân nào được quyền tự do bầu cử và ứng cử các chức vụ dân cử từ trung ương đến các địa phương. Các chức vụ lãnh đạo lớn bé trong guồng máy công quyền đều phải là đảng viên CS hoặc những người do đảng CS cử.
Đó là một thực tế không cần nói ra thì nhân dân Việt Nam ở trong nước lẫn hải ngoại cũng như quốc tế đều biết. Những người lãnh đạo cao nhất nước ở các quốc gia dân chủ là do chính người dân bầu chọn trong số các ứng cử viên tự do hay do đảng phái chính trị đưa ra, trong các cuộc bầu cử tự do. Trong khi tại Việt Nam, những người đứng đầu nước, như tổng bí thư đảng CSVN, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng chính phủ lại do đại hội đảng CSVN cử ra, sau đó đưa ra cho một “quốc hội của đảng, do đảng và vì đảng CSVN” biểu quyết thông qua. Hầu hết đại biểu của quốc hội này là đảng viên CS, trước đó đều phải được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN, gạn lọc giới thiệu làm ứng cử viên cho dân bầu trong các cuộc bầu cử chiếu lệ, hình thức do “Chính quyền của đảng, do đảng và vì đảng” tổ chức, kiểm soát; người dân không có sự chọn lựa nào khác vì các ứng viên không do dân cử, dân bầu.

Những Đảng viên CSVN tiêu biểu như TBT Nguyễn Phú Trọng luôn hãnh diện vì mình là thành phần ưu tú của nhân loại, của dân tộc vì am hiểu chủ nghĩa Mác Lê và tính ưu việt của nguyên tắc “tập trung dân chủ” .

Họ khinh thường những người dân chất phát, không am hiểu tính ưu việt của nguyên tắc “tập trung dân chủ” bách chiến bách thắng này.

Bầu cử vi hiến, nhưng lương tâm của họ hoàn toàn thoải mái và họ chưa bao giờ vi hiến vì Hiến pháp 2013 không quy định ưu tiên quyền lực của các điều khoản khác nhau. Họ có quyền chọn lực thi hành hiến pháp theo nguyên tắc “tập trung dân chủ” đã được minh thị hiến định hóa.

Tuy nhiên đảng CSVN không thể dùng tay che trời được. Những hành động vội vàng quá đáng nêu trên của đảng đã tạo nhiều đổ vỡ và chia rẽ bên trong nội bộ, làm mất lòng tin của nhân dân. Hành động vị kỷ và vô ý thức này di hại lâu dài cho dân tộc và cần phải chấm dứt bằng sự cáo chung của ý thức hệ giáo điều Mác Lê, từ bỏ nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Một nền bầu cử “Đảng cử, đảng bầu” như  ở VN là một đại họa của dân tộc và một định chế chính trị đã vô cùng thoái hóa.

Rất tiếc là nước ta cho đến nay vẫn chưa có Toà án Hiến pháp, mặc dù đã từ lâu có rất nhiều đề xuất và kiến nghị của nhân dân và các chuyên gia pháp luật nêu ra là phải nên thành lập!

·     *   Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tin bài liên quan:

VNTB- Phải có luật ràng buộc và kiểm soát đảng Cộng Sản

Phan Thanh Hung

VNTB- Để người dân hưởng Độc lập – Tự do – Hạnh phúc: Phải thay đổi!

Phan Thanh Hung

VNTB- Một sự tước đoạt độc ác

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo