Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lòe thiên hạ

loè

Thới Bình

 

(VNTB) – Xem ra nếu có “đạo đức nghề nghiệp” thì chỉ ghi chức danh, không ghi học hàm, học vị.

 

Chiều Chủ nhật 16-5, các tòa soạn báo chí nhận được lệnh của bề trên là phải đăng nguyên xi bài viết dài lòng thòng, rất ít xuống dòng, với phần mở đầu đại để thế này, chỉ thay vào tên tờ báo:

“Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

X.Y.Z. trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết quan trọng này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Có người thắc mắc không lẽ khi làm đến chức Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn phải đến lớp dạy học kiếm cơm nên mới khoe luôn học hàm, học vị.

Xin được nói cho rõ, bài viết này chỉ nhằm đến góp thêm biện giải về chuyện có nên chấm dứt kiểu ‘lòe thiên hạ’ qua việc khoe học vị, học hàm của các chính khách.

Trước hết, học vị là văn bằng do một cơ sở giáo dục hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp cho người tốt nghiệp một cấp học nhất định, văn bằng này nói lên trình độ giáo dục của một cá nhân nhất định. Để có được một văn bằng thể hiện học vị, cá nhân đó phải trải qua quá trình học tập và thi cử để được công nhận.

Trong hệ thống giáo dục hiện nay phân loại các văn bằng từ  thấp đến cao như: Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, cử nhân (Hệ đại học); tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư… Mỗi một văn bằng tương ứng là nhiều các chuyên ngành khác nhau và quá trình đào tạo khác nhau.

Chức danh khoa học là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học của cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học, gồm trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp.

Ở chức danh khoa học hay còn gọi là học hàm, người có học hàm phải dựa vào  kiến thức, khả năng, kinh nghiệm của mình để đạt được một học hàm nhất định, mà không phải theo một chương trình có sẵn như các chương trình đào tạo của học  vị.

Như vậy, học hàm là một chức danh khó đạt được hơn so với học vị. Học hàm ngoài những công trình mà một cá nhân làm nên, thì công trình đó phải được giới chuyên môn công nhận, và cơ quan nhà nước thừa nhận trao học hàm. Cũng vì lẽ đó mà người đạt được học hàm ít hơn rất nhiều so với người đạt được học vị trên thực tế.

Học hàm có hai cấp, trước đây gọi là Giáo sư I và Giáo sư II về sau và hiện nay được đổi thành Phó giáo sư và Giáo sư.

Theo giáo sư toán học Hoàng Tụy (1927 – 2019): “Thật ra, chỉ có ở nước ta và cũng chỉ từ giữa năm 80 trở đi mới coi giáo sư là phẩm hàm để phong thưởng, chứ các nước khác, giáo sư là chức vụ khoa học, với nội dung chức trách cụ thể, cần tuyển chọn người đủ năng lực để đảm nhiệm.

Sự khác biệt không chỉ ở ngôn từ, mà ở mục đích và nội dung công việc. Do quan niệm học hàm theo kiểu phong kiến nên nhiều người chỉ có chức quyền dễ dàng được phong giáo sư, cho dù chẳng có trình độ gì”.

Còn theo giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, “chúng ta nên trả lại từ giáo sư về đúng nghĩa của nó, tức là một vị trí làm việc. Nhà nước cũng nên trao quyền bổ nhiệm này cho các cơ sở giáo dục bởi phù hợp với chủ trương chung là giao quyền tự chủ cho các trường đại học… Tôi thấy một số người được Hội đồng giáo sư Nhà nước phong hàm nhưng lại không xứng đáng vì chức danh giáo sư gắn liền với việc nghiên cứu khoa học”.

Giáo sư tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, ông Nguyễn Văn Tuấn, góp ý nhẹ nhàng: “Xã hội muốn thấy những người mang hàm giáo sư phải có khả năng tương xứng với đồng nghiệp quốc tế và có đóng góp thật sự cho sự phát triển khoa học nước nhà. Trong chiều hướng hội nhập quốc tế có lẽ đã đến lúc chúng ta xem xét lại các tiêu chuẩn và ngạch đề bạt giáo sư ở nước ta”.

Vẫn theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ở các nước trong vùng hay ở phương Tây, chức danh ‘assistant professor’, ‘associate professor’ và ‘professor’ thường gắn liền với một trường đại học. Đó là những chức danh do trường đại học cấp, dựa theo những tiêu chuẩn về thành tích nghiên cứu khoa học, thành tựu trong giảng dạy và đào tạo, mức độ đóng góp cho chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế, cho cộng đồng.

Vì là chức danh của một trường đại học cụ thể, giáo sư của trường này không hẳn sẽ được công nhận ở trường khác.

Trên thế giới, và ngay cả trong cùng một quốc gia, không phải đại học nào cũng như nhau về mặt chất lượng. Do đó, tiêu chuẩn đề bạt chức danh giáo sư cũng rất khác nhau giữa các đại học. Một người là giáo sư ở đại học A, nhưng nếu chuyển đến đại học B thì có thể chỉ là phó giáo sư, thậm chí thấp hơn.

Như vậy, xem ra rất cần sự tự trọng tối thiểu của một số chính khách, khi bản thân họ ‘dũng cảm’ lược bớt đi kiểu học hàm, học vị như kể ở trên.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cái u tối của Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

VNTB – Người dân đang bi quan về đời sống

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Trọng

Do Van Tien

1 comment

Pham bon 18.03.2023 5:35 at 05:35

Ông Nguyễn Phú Trọng có dạy học đâu mà phòng giáo sư?
– những người đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ – sau một đêm ngủ dậy thành tiến six ( vì xóa bỏ bậc phó ts chỉ còn tiến sĩ ) ,nhất là ts Mác Lê chả ích gì cho xã hội- nếu không muốn nói là có hại!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo