Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lợi thế của ứng viên ‘ông bà nghị’ là quan chức

Thu Minh

(VNTB) – Gần như không có cửa nào để quần chúng ‘chen’ chân ở đây, ngoại trừ đó là những quần chúng nằm trong danh sách cơ cấu theo định hướng nhân sự của Đảng.

 

Ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân vận động bầu cử qua hai hình thức: Tiếp xúc cử tri qua tổ chức Mặt trận tổ quốc ở địa phương, và qua phương tiện thông tin đại chúng của chính quyền địa phương.

Với quy định như trên cho thấy rõ rệt về lợi thế của các ứng viên ‘ông bà nghị’ đang là quan chức.

Một số yếu tố bất bình đẳng có thể nhận thấy trong vận động bầu cử theo cách vận hành ở Việt Nam lâu nay:

Thứ nhất, luật pháp nhiều quốc gia cấm sử dụng phương tiện, nguồn lực của Nhà nước vào mục đích bầu cử, nhưng nếu ứng cử viên là quan chức thì trong nhiều trường hợp khó có thể phân biệt đâu là hoạt động vận động bầu cử, đâu là hoạt động nhà nước.

Trong đợt bầu cử Tổng thống trước thời hạn ở Nga năm 2000, không phải ngẫu nhiên mà công luận, báo chí, nhất là các đối thủ của Putin (lúc đó là quyền Tổng thống) đặt câu hỏi: Việc ông cầm lái trong một thời gian ngắn (có phi công ngồi cùng) chiếc phản lực tiêm kích SU-27 đi Chechnya, hay việc ông thăm và cầm lái tàu ngầm nguyên tử hạt nhân ở Murmansk… có phải là hoạt động nhà nước hay không, hay là những động thái quảng bá, “đánh bóng” hình ảnh nhằm mục đích tuyên truyền bầu cử? Họ lưu ý rằng, một cá nhân khác, thậm chí nếu được phép như vậy thì cũng phải trả một khoản tiền rất lớn để thuê máy bay, phi công…

Thứ hai, nếu so với ứng cử viên – công dân bình thường thì ứng cử viên là quan chức, nhất là quan chức cao cấp có lợi thế lớn hơn nhiều xét trên phương diện thực lực để thực hiện lời hứa của mình.

Chẳng hạn, nếu so một cô giáo với một vị quan chức cao cấp, thì vị quan chức rõ ràng có nhiều mối quan hệ hơn, có thực quyền hơn, và bởi vậy cử tri dễ nghe theo ông ta hơn. Do đó, cho dù có quy định tạm thời thôi giữ chức trong thời gian bầu cử thì cán cân vẫn nghiêng về ông ta (!?).

Thứ ba, khác với Việt Nam, trong các quy định của pháp luật ở một số quốc gia cũng có thể nhận thấy một số nét phân biệt. Ví dụ như Nhà nước dành cho các đảng khoản tài chính chỉ trong trường hợp đảng đó phải giành được số phiếu nhất định – như ở Thuỵ Sĩ là 2%, ở Cộng hòa liên bang Đức là 0,5%, hoặc phải có ứng cử viên tại 2/3 khu vực bầu cử như ở Ý… Số tiền được cấp không đồng nhất như nhau, mà tỉ lệ thuận với số phiếu giành được như trường hợp của Đức, Na Uy; hoặc với số ứng cử viên của đảng như tại Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan.

Còn với Việt Nam, thì đó là 100% ngân sách.

Thứ tư, ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Việt Nam, chỉ được quyền vận động bầu cử theo cách như sau:

Một, tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức, sau khi đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, thì từng người ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân.

Sau đó, cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Về nguyên tắc lý thuyết, thì cả người ứng cử và cử tri đều được trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm tại hội nghị. Tuy nhiên do hầu hết các ứng cử viên đều là đảng viên, không ít người đang giữ các chức vụ trong bộ máy hành chính và cả cơ quan Đảng, nên vấn đề gọi là “thẳng thắn – dân chủ” chịu nhiều giới hạn.

Hai, đối với hình thức vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử có điều kiện trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình qua trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi ứng cử, và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoặc trang tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử địa phương (nếu có).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Dĩ nhiên theo phương thức này, một lần nữa, ưu thế thuộc về những ứng viên là đảng viên, và đang làm việc trong chính quyền, cơ quan Đảng. Gần như không có cửa nào để quần chúng ‘chen’ chân ở đây, ngoại trừ đó là những quần chúng nằm trong danh sách cơ cấu theo định hướng nhân sự của Đảng.

Tin bài liên quan:

VNTB – Đừng ‘chụp mũ chính trị’ khi người dân có ý kiến về nhân sự Đảng

Phan Thanh Hung

VNTB – Phút 89… và những hiệp phụ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ứng cử viên Quốc hội ở Việt Nam có được quyền tự vận động lá phiếu cử tri?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.