Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật pháp và vấn đề tên gọi của một tôn giáo

Xác định tôn giáo của một ai đó là một vấn đề rất phức tạp. Với những người theo một tôn giáo đã định hình và tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của tôn giáo đó thì câu trả lời thường rất đơn giản và không gây nên sự hoài nghi nào. Tuy nhiên, việc xác định này vẫn có thể gây nên sự tranh cãi đa chiều về sự thừa nhận một tôn giáo mới hoặc một xu hướng biểu đạt mới của một ai đó về một tôn giáo đã định hình.

Sự tranh cãi này lại một lần nữa được dậy sóng khi nhà nước Việt Nam khởi tố vụ án hình sự liên quan tới cơ sở tu tập tại gia mang tên Tịnh Thất Bồng Lai ở tỉnh Long An và sự ra đi của nhà tu hành Thích Nhất Hạnh. Trong cả hai vụ việc, người ta đều cố gắng hỏi và lý giải xem tôn giáo của những người nói trên có tên gọi là gì. Rất nhiều người đã cố gắng tìm hiểu và đối chiếu các hình thức biểu đạt của họ để từ đó so sánh với một tôn giáo nào đó xem chúng có mối liên hệ nào không.

Thật ra, mọi tranh cãi hay lý giải về tên gọi tôn giáo của một ai đó đều không cần thiết bởi vì không có một chuẩn mực nào trong việc đặt tên cho một tôn giáo. Trong khi đó, quyền tự do tôn giáo của cá nhân lại được minh định rõ bằng quy định trong luật nhân quyền quốc tế và luật về tôn giáo của Việt Nam. Chúng ta hãy cùng xem.

Điều 18 Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị của Liên Hiệp Quốc khẳng định như sau:

1. Mọi người đều phải có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Quyền này phải bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc niềm tin do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin.

2. Không ai có thể bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do có hoặc đón nhận một tôn giáo hoặc niềm tin do họ chọn lựa.”

Điều 24 Hiến Pháp 2013 và Điều 6 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016 của Việt Nam cũng khẳng định:

như sau:

1. Mọi người đều phải có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Quyền này phải bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc niềm tin do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin.

2. Không ai có thể bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do có hoặc đón nhận một tôn giáo hoặc niềm tin do họ chọn lựa.”

Như vậy, các điều luật nói trên đều cùng thống nhất xác định rằng tôn giáo hay niềm tin là mặc nhiên do cá nhân đó TỰ DO LỰA CHỌN và TỰ DO BÀY TỎ qua những gì mình muốn mà không chịu sự áp đặt của bất kỳ người nào. Những quy định này phải được hiểu theo một cách duy nhất rằng niềm tin tôn giáo là một quyền nhân thân hay còn gọi là quyền tự thân. Đặc điểm của quyền tự thân đó là không thể bàn giao hay uỷ quyền được cho người khác thực hiện được và mọi người cũng không có quyền phán xét vào sự lựa chọn của người khác. Khi một người được quyền tự do lựa chọn niềm tin tôn giáo của mình thì đương nhiên họ cũng có quyền đặt tên cho niềm tin tôn giáo đó của mình.

Một đặc điểm rất quan trọng khác đó là tuy có thể cùng chung một niềm tin về một đấng siêu nhiên hoặc một giá trị trừu tượng nào đó nhưng mỗi người lại có quyền tự do bày tỏ bằng những hình thức khác nhau phù hợp với mong muốn của chính họ. Khi đó, vẫn chỉ chính người đó mới là người có quyền xác định tên gọi cho niềm tin tôn giáo của mình. Họ có thể chọn tên chung đã từng tồn tại hoặc chọn một tên mới tương tự hay là một tên mới hoàn toàn. Việc này dẫn đến sự xuất hiện các hệ phái, các dòng hoặc các giáo phái khác nhau trong cùng một niềm tin tôn giáo. Dựa trên nguyên tắc về các quyền tự do tôn giáo nêu trên, Không ai có quyền lấy một khuôn mẫu đã định hình để loại trừ những hình thức tôn giáo mới mẻ vừa xuất hiện.

Những người đã lựa chọn hình thức biểu đạt mới cũng có thể chọn cho mình một tên gọi hoàn toàn mới. Khi đó, có thể gọi đó là một tôn giáo mới. Tôn giáo mới này có thể sao chép phần lớn các nội dung của một tôn giáo cũ nhưng mọi người cũng không có quyền phán xét rằng đó là một tôn giáo giả hình. Vốn dĩ các giá trị văn hoá của tôn giáo là không có bản quyền và quyền tự do biểu đạt bằng những sáng tạo mới hoàn toàn thuộc về những người mang niềm tin đó.

Một thí dụ cụ thể là tại Việt Nam, cách biểu đạt của hệ thống niềm tin tôn giáo của đạo Tin Lành và giáo phái do ông Dương Văn Mình người Hmong phát động hầu như không có nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, ông Dương Văn Mình đã tự tin gọi đó là một đạo hoàn toàn mới. Mặc dù không được nhà nước Việt Nam thừa nhận nhưng tên gọi của đạo Dương Văn Mình chưa bao giờ gây nên một sự tranh cãi nào trong dư luận. Qua việc cả quyết đặt tên riêng cho giáo phái của mình, ông Dương Văn Mình đã xác quyết nguyên tắc tự do tôn giáo vốn là một quyền cá nhân và không chịu sự áp đặt từ bên ngoài như đã trích dẫn trong bài.

Đó là điều khác biệt ông Dương Văn Mình đã làm được mà ít ai ghi nhận.

Ba Khía

Nguồn: BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam


 

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Mỹ sẽ kèm điều kiện về tự do tôn giáo khi viện trợ cho Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm sao để phòng chống nạn buôn người? (Bài 7)

Do Van Tien

VNTB – Người Công Giáo cần đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.