Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Mặc cả’ lãi suất bằng mệnh lệnh hành chính

Hàn Lam

 

(VNTB) – “Yêu cầu các ngân hàng tính toán, làm việc và có biện pháp giảm lãi suất cụ thể ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 này”.

 

Tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-04-2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì hội nghị.

Vài giờ trước hội nghị trực tuyến, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã có ‘lệnh miệng’ tại buổi làm việc với Thường trực chính phủ, là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) và ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (MBBank), “Yêu cầu các ngân hàng tính toán, làm việc và có biện pháp giảm lãi suất cụ thể ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 này”.

Một nhà báo chuyên trách về kinh tế vĩ mô đưa ra nhận xét như sau về cách mà vị Phó Thống đốc Thường trực NHNN đã ‘mệnh lệnh hành chính’, đó là, “không ở đâu trên thế giới người ta yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất cả vì không thể ra mệnh lệnh hành chính như thế được. Ta là nước duy nhất như vậy.

Nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp, làm sao bắt họ bán với giá này, với giá kia! Bắt tôi cho vay lãi suất thấp, trong khi tôi huy động với lãi suất cao, nợ xấu chồng chất lên, ông có chịu trách nhiệm cho tôi không?

Lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cung cầu tiền, lạm phát, sự ổn định của nền kinh tế, và nhiều chính sách khác. Lãi suất hiện nay quá cao là do “nguyên nhân nội tại là chính”. Tháng 8, tháng 9 năm ngoái tăng lãi suất, tăng tỷ giá “đánh đùng một cái” làm cho nền kinh tế rơi vào trạng thái sốc đột ngột, làm nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp.

Suốt ngày giơ con ngáo ộp lạm phát ra dọa để không tăng tín dụng. Vì thế, thiếu thanh khoản trở thành vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế. Nguyên nhân nội tại là chính đó thì lại lờ đi…”.

Quan sát các diễn biến trên thị trường tài chính người ta sẽ thấy có nhiều điều chưa thể giải thích.

Theo dữ liệu cập nhật gần nhất trên trang web của NHNN đến trung tuần tháng tư, lãi suất qua đêm đã leo lên mức 5,49%, tức tăng 459 điểm cơ bản (bps) so với ngày 30-3; kỳ hạn một tuần là 5,47%, tăng 391 bps; kỳ hạn hai tuần là 5,31%, tăng 305 bps và kỳ hạn một tháng là 5,63%, tăng 139 bps. Như vậy, lãi suất qua đêm đã lấy lại mốc trên 5%, như giai đoạn nửa đầu tháng 3 trở về trước – lúc lãi suất điều hành chưa được điều chỉnh giảm.

Xu hướng này khá kỳ lạ, đặc biệt khi lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm kể từ đầu tháng 4 đến nay. Thống kê cho thấy chỉ trong nửa đầu tháng 4, lãi suất huy động bình quân niêm yết của các ngân hàng đã giảm thêm 0,47 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-5 tháng; giảm 0,23 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-12 tháng và giảm gần 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.

Lãi suất vay mượn tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng quá thấp có thể đã thúc đẩy hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ) giữa tiền đồng và đô la Mỹ gia tăng mạnh. Theo đó, các ngân hàng có thể tăng cường vay tiền đồng với lãi suất thấp rồi chuyển sang đô la Mỹ để cho vay với lãi suất cao hơn trên thị trường liên ngân hàng, kéo theo cầu vay vốn tiền đồng tăng, mà rồi sau đó tất yếu sẽ kéo lãi suất của hai đồng tiền về lại điểm cân bằng.

Liệu điều này có phản ánh thanh khoản hệ thống đang trở nên căng thẳng hơn?


Tin bài liên quan:

VNTB – Giá gạo đã chạm ngưỡng nên giờ… ‘quay đầu’?

Do Van Tien

VNTB – Đồng Việt Nam tăng giá?

Trương Thế Tử

VNTB – Khuyến cáo của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo