VNTB – Mập mờ sẽ dễ gian lận

VNTB – Mập mờ sẽ dễ gian lận

Hàn Lam

 

(VNTB) – Việc quy định đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, liên quan đến Văn phòng hội đồng EPR (đang ở tình trạng dự thảo) có nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường.

 

Lý thuyết cho biết, “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – Extended Producer Responsibility – EPR”, là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.

EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.

Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của chính phủ như trước đây.

Là một chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, EPR yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tác động tới môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra trong suốt chuỗi cung ứng, từ giai đoạn thiết kế đến thải bỏ. Với cách tiếp cận này, EPR được chứng minh là có hiệu quả trong chia sẻ gánh nặng tài chính và/ hoặc một phần trách nhiệm quản lý chất thải rắn từ chính quyền địa phương và người nộp thuế nói chung sang cho Nhà sản xuất;

Thúc đẩy cải tiến sản phẩm theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các dạng nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hoá thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại, tháo dỡ và tái chế… (thiết kế vì môi trường);

Giúp tiết kiệm tài nguyên thông qua giảm chất thải, tăng tái chế (kinh tế tuần hoàn); Tạo ra các cơ hội kinh tế trong suốt các giai đoạn khác nhau của vòng đời sản phẩm, đặc biệt là ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường trong quản lý và xử lý chất thải.

Theo ý kiến của 12 tổ chức hiệp hội ngành nghề, thì việc quy định đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, liên quan đến Văn phòng hội đồng EPR có nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường.

Trong đó, có 3 điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp đặc biệt lo ngại:

Thứ nhất, nhiều khoản chi phí sử dụng không đúng mục đích khoản đóng góp của các doanh nghiệp, trái Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của chính phủ, theo đó trong 11 loại chi phí của Văn phòng EPR chỉ có 1 loại là dùng để hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải, 10 loại là cho các mục đích khác.

Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường, điểm b, khoản 4, Điều 54, quy định: “Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì”. Luật không quy định sử dụng đóng góp của doanh nghiệp cho mục đích khác.

Chi phí quản lý, điều hành văn phòng EPR Việt Nam dự kiến bao gồm 11 loại chi phí. Trong đó, chỉ có loại 1 “chi phí hoạt động nghiệp vụ” bao gồm “1a. Chi phí liên quan đến hỗ trợ hoạt động tái chế; 1b) Chi phí liên quan đến hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải; 1c) Chi cho hoạt động nghiệp vụ khác” là đã bao gồm hết các chi phí liên quan đến hỗ trợ hoạt động tái chế bao bì, xử lý chất thải, và phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.

Còn lại 10 loại chi phí khác là dành cho mục đích khác, mà không phải là “hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý chất thải”. Ví dụ “hoạt động gửi tiền” (loại 4), “hội thảo, lễ tân, khánh tiết” (loại 9), “hỗ trợ hoạt động của Đảng, đoàn thể văn phòng EPR” (loại 11), trong khi hoạt động đảng, đoàn là vì mục đích công tác chính trị, chứ không phải là mục đích “hỗ trợ tái chế”.

Tiếp nữa là chi phí cho “Cổng thông tin EPR quốc gia” (Loại 2): Cổng thông tin nếu chỉ dùng để đăng thông tin chung chung về EPR như có hội thảo hay hoạt động nào đó, thì hoàn toàn có thể để chung trong website của Bộ Tài nguyên môi trường như hiện nay đang làm, thành lập riêng vừa tốn kém vừa vô ích vì không thấy hiệu quả “hỗ trợ tái chế” của Cổng ở đâu.

Nếu Cổng được dùng để các doanh nghiệp nộp hồ sơ online xin hỗ trợ tái chế thì sẽ phù hợp để coi là “hỗ trợ tái chế”, nhưng ở đây lại quy định nộp hồ sơ giấy (!?). Có cả chi phí cho “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng” (loại 3), tức là cho người dân, trong khi EPR là cho doanh nghiệp nên là sai mục đích.

Thứ hai, việc xét duyệt hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải là theo cơ chế xin – cho, với các tiêu chí không rõ ràng, dễ nảy sinh tiêu cực.

Theo nội dung dự thảo quy định, các doanh nghiệp, dự án tái chế bao bì, xử lý chất thải nếu muốn nhận được hỗ trợ từ khoản tiền mà các doanh nghiệp đã đóng góp đều phải nộp hồ sơ xin hỗ trợ về Văn phòng EPR tại Bộ Tài nguyên Môi trường, rất khó khăn cho các tỉnh xa. Các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng, rất dễ nảy sinh tiêu cực, cụ thể.

Thứ ba, quy định trong dự thảo cũng khác với thế giới. Với các nước tiên tiến, như EU và Mỹ, EPR là do các Hiệp hội doanh nghiệp tự đóng góp, tự quản lý, và thực hiện tại từng địa phương, vì vấn đề môi trường trực tiếp ảnh hưởng đến các địa phương.

Trong khi đó, dự thảo về quản lý ở Việt Nam lại tạo ra 1 cơ quan hành chính mới để quản lý tiền doanh nghiệp đóng góp (Văn phòng EPR), nhưng doanh nghiệp không được tham gia để quản lý số tiền chính mình đóng góp, mọi việc xin – cho tập trung ở Bộ, gây tăng biên chế. Như vậy là trái với kinh nghiệm quốc tế, trái với chủ trương tinh giảm biên chế và phân cấp xuống địa phương của chính phủ, không đủ minh bạch.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)