VNTB – Mô hình doanh nghiệp Đảng cần được xóa bỏ?

VNTB – Mô hình doanh nghiệp Đảng cần được xóa bỏ?

Hà Nguyên – Cát Tường

 

(VNTB) – Một tổng giám đốc doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai vừa vướng vòng lao lý…

 

Đó là ông Nguyễn Văn Hồng, Tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa, bị bắt giam vào chiều ngày 18-10-2022. Ông cùng hai đồng sự khác bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Doanh nghiệp của Ban Tài chính Quản trị Đảng

Tổng Công ty Tín Nghĩa là một trong ba Tổng công ty lớn ở Đồng Nai với doanh thu hằng năm trên 10.000 tỷ đồng. Tiền thân của Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa là Công ty dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Nai, được thành lập từ năm 1989, thuộc Ban Quản trị tài chính Tỉnh ủy Đồng Nai.

Tín Nghĩa là công ty thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai quản lý, ông Quách Văn Đức đảm nhiệm chức chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiều năm. Các thành viên HĐQT do một số người có chức trách tại Tỉnh ủy Đồng Nai tham gia điều hành, giám sát… Đến năm 2016, Tổng công ty Tín Nghĩa được cổ phần hóa. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 50% vốn, 50% vốn còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.

Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa có 11 công ty con, 2 đơn vị trực thuộc và 5 công ty liên doanh liên kết; lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Hạ tầng khu công nghiệp; xăng dầu; chế biến và xuất, nhập khẩu nông sản; dịch vụ kho, cảng, logistics; xây dựng và kinh doanh địa ốc; dịch vụ thương mại.

Tín Nghĩa được bình chọn Top 500 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam với hoạt động sản xuất kinh doanh: Đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, kinh doanh xăng dầu, nhớt, khí đốt; kinh doanh dịch vụ kho, cảng.

Liên quan đến vụ án kể trên là Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch – một công ty con của Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2004 để thực hiện Dự án Khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh.

Công an xác định, các bị can giữ vai trò quan trọng trong việc cùng với đối tượng Quách Văn Đức (đã bị khởi tố bắt tạm giam – nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch) thực hiện hành vi sử dụng tài sản công trái quy định của pháp luật gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn tại dự án Khu dân cư Long Tân-Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch).

Trước đó, năm 2004, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định chấp thuận chủ trương, giới thiệu địa điểm cho Tổng công ty Tín Nghĩa và Công ty Cao su Đồng Nai lập thủ tục đầu tư khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh để thực hiện dự án hơn 500ha và phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2003.

Khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc đã phát hiện UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch (là công ty con thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa) mà không thông qua đấu giá.

Việc tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đơn giá 800.000 đồng/m2 theo bảng đơn giá các loại đất năm 2007 (do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành), theo nhận định của Thanh tra Chính phủ là chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế thị trường trong điều kiện bình thường tại khu vực.

Mặt khác, mức giá tiền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai áp cho doanh nghiệp này cũng không sát với đơn giá như đề nghị của UBND huyện Nhơn Trạch (1,1 triệu đồng/m2), gây thất thoát gần 200 tỷ đồng. Việc điều chỉnh đơn giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất của Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch với dự án trên không đúng trình tự, thủ tục…

Nhìn từ chuyện kêu oan của cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Vụ án ở Tỉnh ủy Đồng Nai kể trên được cho rằng Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai về xử lý nghiêm sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tình tiết ghi nhận ban đầu của vụ án dường như dáng dấp chuyện kêu oan của cựu luật sư Trần Trọng Tuấn, nguyên giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM về việc “định giá đất đai”.

Tại phiên tòa phúc thẩm hồi tháng Sáu năm nay, ông Trần Trọng Tuấn tự biện hộ rằng phía cơ quan tố tụng đã không phân biệt được quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể trong quá trình thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản, và chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong dự án.

Mới đây, ông Trần Trọng Tuấn tiếp tục gửi đơn kêu oan và kiến nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đến chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tối cao và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giám đốc thẩm vụ SAGRI (Tổng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn).

Vị cựu luật sư này biện luận, trong quá trình thực hiện dự án, Tân Thuận đã báo cáo và xin chủ trương của Văn phòng Thành ủy TP.HCM về việc chuyển nhượng 11.967,4m2 đất của dự án này cho Quốc Cường Gia Lai và được chấp thuận. Năm 2017, Tân Thuận đã nộp hồ sơ đề nghị UBND TP cho phép chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản năm 2014.

Theo ông Tuấn, trong vụ án này, kết luận giám định của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc chấp thuận chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông là phù hợp với điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.

Việc chuyển nhượng thực hiện theo quy định tại điều 31 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… chưa có quy định hướng dẫn việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh phải thực hiện đấu giá công khai.

Về phía Công ty Tân Thuận, theo ông Tuấn, khi chuyển nhượng một phần dự án do chính Tân Thuận làm chủ đầu tư thì Tân Thuận phải tiến hành thẩm định giá theo thị trường, để xác định giá trị số vốn (quyền sử dụng đất) mà Công ty Tân Thuận đã đầu tư trong dự án này, nhằm bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại khoản 1 điều 31 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014.

Trở lại vụ án SAGRI, ông Tuấn cho rằng việc SAGRI nộp hồ sơ đề nghị UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đề án tái cơ cấu SAGRI giai đoạn 2013 – 2015.

Hội đồng thẩm định đã thẩm định hồ sơ và kết luận dự án do SAGRI làm chủ đầu tư bảo đảm các điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 và nghị định số 76/2015, thống nhất tham mưu UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án là đúng quy định của pháp luật và chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông cho rằng việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn mà SAGRI đã đầu tư trong dự án này không phải đấu giá công khai, song bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư trong dự án này phải thực hiện đấu giá công khai là sai lầm nghiêm trọng.

Từ đó, ông Tuấn đề nghị chánh án Tòa án nhân dân dân tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM, tạm đình chỉ thi hành này đối với ông.

Như vậy nếu các kháng nghị của ông Trần Trọng Tuấn được chấp nhận cho thủ tục mở phiên giám đốc thẩm, cho thấy sẽ tạo ra những góc nhìn đa chiều hơn về chuyện “vận dụng” quy định của pháp luật trong điều hành, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có chủ quản là Tỉnh ủy, Thành ủy.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Thể loại DN này luôn thua lỗ, nhưng ban lãnh đạo kiếm bộn tiền!