Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mỗi cán bộ, đảng viên sẽ là ‘một chủ báo mạng’

Thới Bình

(VNTB) – Quy định mới: “Cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội.”

 

Sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan…

Tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa diễn ra Hội nghị triển khai các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII; Xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Những phát biểu đáng lưu ý

Tại hội nghị, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin “quán triệt về Quy định số 85-QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội. Đây là quy định mới với mục tiêu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên mạng.

Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xây dựng môi trường internet, mạng xã hội Việt Nam văn minh, lành mạnh, an toàn”.

“Cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội là quy định mới” – là một câu đáng chú ý trong phát biểu của ông Lê Hải Bình – một quan chức từng giữ nhiệm vụ Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao dưới thời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh.

Theo nhìn nhận của ông Lê Hải Bình thì khi mà mỗi ‘đảng viên quan chức” là “một chủ báo” theo cách hiểu về tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, thì điều đó sẽ “góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xây dựng môi trường Internet, mạng xã hội Việt Nam văn minh, lành mạnh, an toàn”.

Và để có thể thực thi yêu cầu trên thì cần thiết phải tu chỉnh tương ứng về các luật liên quan như lời của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, cho rằng đó là “sửa đổi, bổ sung Luật báo chí 2016, Luật xuất bản năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.

Cụ thể về lộ trình cho tu chỉnh luật vẫn chưa thấy nêu rõ tại hội nghị.

Báo chí vì lợi ích quốc gia và dân tộc là tối thượng

Từ mạch diễn giải của hai vị Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói trên, nếu liên tưởng đến một phát biểu hồi cuối năm ngoái ở Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh rằng “đã làm lãnh đạo phải mạnh dạn đối mặt với báo chí, sẵn sàng trả lời phỏng vấn từ những vấn đề thuận lợi cho tới những vấn đề khó khăn. Dù nó xảy ra đến đâu, xảy ra tới bước nào các đồng chí phải thông báo ngay, không trốn tránh”.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng báo chí phải đặt lợi ích của quốc gia và dân tộc lên trên hết, phải vì lợi ích của nhân dân, sự đoàn kết của dân tộc.

Lập luận của ông Nguyễn Trọng Nghĩa – một chính trị gia xuất thân là Thượng tướng quân đội, thì, Hội nghị Trung ương Đảng 4 và 5 vừa qua Đảng và Nhà nước nhấn mạnh vấn đề sức mạnh và vai trò của báo chí, bởi toàn bộ mọi hoạt động của báo chí đều tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng của đất nước.

“Các học thuyết ngày càng coi trọng vai trò của báo chí thì tại sao chúng ta lại bỏ mặt trận này? Có thể thấy qua cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, vai trò của mặt trận truyền thông rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải xác định vai trò sứ mệnh của báo chí”, ông Nghĩa nói. Đồng thời, báo chí cần nhận thức rõ hơn về chức năng phản biện xã hội, phản biện phải đúng, trúng với thực tiễn thì mới đưa được đường lối đi vào thực tiễn. Từ đó khắc phục các điểm nghẽn và làm cho Đảng gần dân hơn, để ý Đảng và lòng dân được khăng khít.

Trên cương vị người đứng đầu cơ quan Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Trọng Nghĩa thông báo nhiệm vụ trong năm 2023 của cơ quan tuyên giáo là tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có những yêu cầu mới, nhất là đổi mới tư duy lý luận về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” – ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Hy vọng trên cơ sở thực thi Công ước 87

Công ước số 87 “Quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức” là công ước cặp đi cùng Công ước số 98 mà trong năm nay theo lộ trình thì Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn.

Xâu chuỗi những phát biểu trích dẫn như trên trong bối cảnh Việt Nam chấp nhận nền kinh tế số hóa, và sẽ thực thi Công ước số 87, cho thấy nhiều khả năng các luật liên quan về quyền tự do báo chí, tự do xuất bản sẽ có sự thay đổi theo hướng cá nhân hóa về truyền thông, tức các cá nhân được đầy đủ “quyền sáng tạo trên nền tảng kỹ thuật số” trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật chuyên ngành về lãnh vực này.


Tin bài liên quan:

VNTB – Dịch Covid trở lại do ‘ăn mừng lễ 30 tháng tư’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cựu đại sứ Phạm Sanh Châu sẽ rời chính trường để làm doanh nhân

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Thiên hạ luận: có hay không “zero covid”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo