VNTB – Môn Văn trong trường học: chưa chấp nhận cái nhìn đa chiều của học sinh?

VNTB – Môn Văn trong trường học: chưa chấp nhận cái nhìn đa chiều của học sinh?

Diệp Chi

(VNTB) – Môn Văn cần gì phải rắc rối vậy, đa chiều làm gì? 

Môn luận văn trong thi đầu vào đại học không phải để kiểm tra trình độ viết luận của thí sinh. Môn này được dùng để thăm dò kinh nghiệm xã hội của thí sinh.

Có người nói với tôi rằng: “môn Văn cần gì phải rắc rối vậy, đa chiều làm gì? Thầy cô trên trường giảng sao thì nghe vậy đi. Hồi nào giờ, môn Văn luôn có quy tắc của nó, cứ theo cái dàn ý có sẵn, có ý là có điểm. Đa chiều làm gì, không khéo lại bị không điểm nữa”.

Thêm một ý kiến khác: “những bài đọc trong sách như thế nào mình cứ học theo như vậy cho khỏe. Hơi sức với thời gian đâu mà nhìn này nhìn nọ chi cho mệt. Người ta viết ra sẵn, học theo, được điểm cao, là sướng rồi”.

Môn Văn

Thư hai thầy hiệu trưởng viết cho học sinh với những ý tưởng trùng nhau đến lạ kỳ và cùng gây bão mạng

Thật ra, ở Việt Nam, những ý kiến kể trên có phần nào là đúng. Bởi thói quen của nhiều học sinh đối với học môn Văn là học tủ, học theo văn mẫu. Cứ gặp đề bài nào khó, tìm trong văn mẫu. Cuộc sống càng lúc càng hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển, ngày nay, không ít học sinh lên mạng tìm cả văn mẫu cho khỏe.

Nói đi cũng nói lại, cũng có những học sinh không chấp nhận như thế. Có một số lựa chọn biện pháp tương đối an toàn khi làm bài, vừa áp dụng những điều ghi trong văn mẫu, vừa khéo léo đưa ý kiến cá nhân vào. Một số khác thì không quan tâm nhiều đến điểm số trong lớp, mạnh dạn đưa ý kiến phản biện vào bài làm. Kết quả của những trường hợp đó, điểm số có thể không dưới trung bình, nhưng sẽ không bằng những ý kiến ủng hộ đề bài đưa ra.

“Năm đó mình học lớp 12, đề bài cô đưa ra là nên hay không chuyện tình yêu tuổi học trò. Dĩ nhiên, nhiều ý kiến sẽ đưa ra là không nên có chuyện đó, lo tập trung học hành vì cuối cấp này nọ. Hồi đó, mình cũng biết điều ấy, biết tính giáo viên, mình biết chắc chắn nếu viết theo kiểu phản đối, sẽ được điểm cao.

Thế nhưng, mình lại không thích cái ‘motif’ giáo điều đó. Vậy là mình viết theo kiểu nước đôi, nếu như chuyện yêu của học trò mà đem lại cho bạn một kết quả học hoàn mỹ, động lực để học bài, cùng nhau làm bài, tại sao chúng ta không ủng hộ? Còn ngược lại, thì chúng ta phản đối. Bạn tin không, cuối cùng bài của mình thấp nhất lớp luôn. Khi mình thắc mắc, mình nhớ cô giáo trả lời mình không thể có tình yêu trong học sinh, nhất là tuổi cuối cấp. Thôi kệ, cũng không sao”, một sinh viên học khối ngành xã hội nhớ lại.

Khác ý kiến với bạn sinh viên nói trên, một cựu sinh viên ngành Văn học chia sẻ: “Mình thì khác, năm lớp 8, mình được học một cô giáo dạy Văn khá trẻ. Cô khuyến khích học sinh tụi mình làm bài văn mà có cái nhìn đa chiều lắm. Nói thiệt, chắc do già rồi nên mình không nhớ rõ, hồi đó cô có cho một đề, mình nhớ là viết theo góc độ khác, cuối cùng mình được điểm cao nhất khối luôn. Mình theo thói quen đó luôn. Lên cấp ba thì đúng là hơi lận đận trong điểm số Văn với phong cách đó một tí. Nhưng may quá, thi đại học khối C lúc đó, điểm Văn mình cũng tạm ổn”.

“Mình nhớ năm mình học lớp 10, có một dạng đề mình thấy rất thú vị. Kiểu như tự do viết lại cái kết của câu chuyện. Ví dụ như em hãy viết lại cái kết của câu chuyện Tấm Cám. Mỗi đứa một ý, tha hồ thỏa sức sáng tạo”, bạn Đức, một bạn trẻ chia sẻ.

Không biết tương lai với cách viết theo kiểu nhìn đa chiều sẽ được điểm cao môn văn trong trường học? Cái đó chắc còn tùy quan điểm của từng giáo viên. Thôi thì cứ để thời gian trả lời như một chia sẻ khác của Lâm, một chuyên viên trong ngành quảng cáo: “Viết đề cương, dự thảo cho một kế hoạch, một dự án, báo cáo khoa học, báo cáo công tác, đề xuất ý kiến, phản biện, lên quy trình gì đó, bạn phải giỏi văn để giải thích, phân tích, biện luận, chứng minh cho cấp trên, đồng nghiệp, cấp dưới hiểu. Nếu chỉ thuần túy có số liệu, công thức, biểu đồ thì ai hiểu được dù người đọc cũng có bằng cấp giống y như của bạn”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)