Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Mộng mị, Ảo Tưởng và Thực tế

(Bài viết nhân đọc bài “Nói chút về “Mộng mị dân chủ”” (MMDC) của Liên Sơn trên Việt Nam Thời Báo)

Dương Hoàng Dung

(VNTB) – Hai chữ “Mộng Mị” khiến tôi liên tưởng ngay đến hai chữ “Ảo vọng” (Illusion), theo tiếng Đức có nghĩa tự đánh lừa mình bằng những mơ mộng không thực tế, hay theo đuổi những giấc mơ khó thực hiện được.

Trong năm 2013 , báo chí Đức đã đăng loạt bài “Kommunismus Geschichte einer Illusion” (Chủ nghĩa Cộng sản, một quá trình Lịch sử của Ảo tưởng). Qua những bài viết bắt đầu từ giai đoạn ra đời của Chủ nghĩa CS cho đến khi CNCS thất bại gần như hoàn toàn trên thế giới, loạt bài đã cho thấy, những người đi theo Chủ nghĩa Cộng Sản đã chạy theo một Ảo tưởng.

“Chúng ta sẽ chiến thắng bởi vì chúng ta không hiểu chính trị”. Wael Ghonim một trong những người lãnh đạo cuộc Cách mạng 2.0 ở Ai Cập phát biểu.

Bài viết “Mộng Mị dân chủ” phải chăng là một bài nói đến những Ảo tưởng của phe Dân Chủ hiện nay tại Việt Nam ?

Hay bài viết đã lên tiếng cảnh giác những giấc mơ không thực tế của những nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam ?

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý bài viết qua các điểm tác giả đã nêu để xem đúng sai như thế nào.

Sự tôn sùng thái quá cá nhân

“Không ít cá nhân trong lẫn ngoài nước khi tham gia vào tiến trình chống độc quyền/ lạm quyền của chế độ ở Việt Nam thường hay mắc bệnh phong danh hiệu/ thần thánh hóa cá nhân: Bùi Thị Minh Hằng (Bùi Hằng) là biểu tượng dân chủ; Phương Uyên là anh thư thời đại; Đỗ Thị Minh Hạnh cánh chim báo bão; Cù Huy Hà Vũ biểu tượng đấu tranh dân chủ…( Trích bài MMDC)

Bệnh tôn sùng thái quá cá nhân thường xuất hiện dưới chế độ Cộng sản hay chế độ độc tài, bạo chúa với những danh từ tôn xưng, tung hô như : Thánh thượng vạn tuế, Lảnh tụ vĩ đại, bậc Anh minh cái thế, đấng Minh chủ toàn năng vv và vv…

Ở xã hội con người thật sự có bình đẳng, ngay cả một vị thủ tướng hay tổng thống tài ba cũng không được tung hô như thế, mà thường được đối xử như người công dân . Ví dụ khi đi công vụ, cùng ăn trưa trong căng tin, họ cũng có thể đứng xếp hàng như những người cùng đoàn, để chờ đến phiên mình lấy thức ăn, nếu như họ không có những cuộc hẹn khẩn cấp đang chờ. Khi nhắc đến tên họ trên bản tin đưa hàng ngày báo chí, giới truyền thông chỉ ghi giản dị: Thủ tướng A, Tổng thống B, chứ không ghi Thủ tướng anh thư Angela Merkel…, Tổng thống anh minh Obama…vv…và vv…

Nhưng trong một quyển sách, khi viết về tiểu sử một tổng thống hay một nhà khoa học, tác giả quyển sách có thể ghi câu khen họ là bậc anh minh sáng suốt, bậc tài năng vv và vv.

Như thế, cho thấy hiện nay, giới “Truyền thông Lề trái” có hiện tượng đánh lẫn giữa cách tôn xưng và lời khen ngợi.

Khi viết bài, viết sách về Bùi Thị Minh Hằng (Bùi Hằng), Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh… có thể ghi câu khen, đó là những Anh thư thời đại. Nhưng nếu dùng các từ “Anh Thư Thời đại” dưới hình thức tôn xưng, trước danh từ riêng, trong tin tức hay câu nói hàng ngày, thì chẳng khác nào phe Lề phải dùng các từ: Bác Hồ vĩ đại của chúng ta, Diva âm nhạc X của chúng ta… trong sinh hoạt thường ngày xã hội.

“Bùi Thị Minh Hằng là một biểu tượng cho sức mạnh đấu tranh của phụ nữ ở tầng lớp bình dân” đối với nhiều người là một nhận định khách quan, đáng trân trọng, nhất là với những thành phần đang dấn thân tranh đấu, nhưng với tác giả Liên Sơn, cũng bị đặt thành vấn đề qua câu hỏi bâng quơ: “…tầng lớp bình dân gồm những ai, và bao nhiêu người coi chị Bùi Hằng là biểu tượng?”( Trích bài MMDC)

Thực tế giới bình dân thường chọn biểu tượng hay tấm gương để họ noi theo ở giới họ thấy có khả năng cao hơn họ, như những người xuất thân từ giới trí thức chẳng hạn.

Ý kiến cho chị Bùi Thị Minh Hằng là biểu tượng đấu tranh của giới bình dân có thể xuất phát từ cách nhìn của giới tự cho mình là “trí thức”, “sang trọng” và thấy người khác là “bình dân”?

Nếu thế, đây không hẳn là cách nhìn “trân trọng”, mà là lối nhìn có tính “phân biệt giai cấp”.

Hiểu sai lệch hoặc đánh giá thấp chính quyền hiện tại

Việc hiểu sai lệch hay đánh giá thấp chính quyền theo bài viết MMDC của tác giả Liên Sơn được biểu hiện rõ qua việc nhóm Lề trái hiểu sai nguyên nhân nhà nước thả tù nhân chính trị, hay phê phán sai cách bố trí canh phòng an ninh của nhà cầm quyền trước các phiên xử án tù nhân chính trị.

“việc thả người không hẳn là bị gây áp lực mà chính quyền thừa hiểu giá trị và biết định giá được những người sau khi được ra khỏi tù sẽ làm được gì và ở tại đâu ,giữ chặt chế độ mà thôi. …” (Trích bài MMDC)

Thực tế nếu không là người ở bên trong cuộc, sẽ khó khẳng định việc thả tù nhân từ lý do nào.
Có lẽ nào tất cả các trường hợp thả tù nhân đều có lý do giống nhau ? Hay đúng hơn , mỗi trường hợp, tùy thời điểm và tùy vào từng cá nhân tù nhân các nguyên nhân thả người sẽ khác nhau.

Việc nhà cầm quyền thả tù nhân chính trị gần đây đông hơn và bất ngờ so với những năm tháng khắt khe vừa qua khiến chúng ta cần đặt câu hỏi:

Đối với một nhà nước theo thể chế độc tài, toàn trị, không cần tôn trọng bất cứ ý kiến của dân trong nước hay không cần để ý lắm áp lực hải ngoại, việc thả tù nhân có phải là một nhượng bộ hay là một chánh sách an dân, củng cố địa vị cai trị của Đảng CSVN?

Chính quyền (Cộng sản) đang sợ hãi?

Xin tóm tắt ý bài viết MMDC ở phần này:
“Nhóm hoạt động dân chủ đã sai khi bảo nhà cầm quyền đang sợ phe nhóm dân chủ hay cá nhân hoạt động dân chủ nào đó, thực tế họ chỉ sợ khi nhóm phản kháng đã lớn mạnh đến mức nào đó, để trở thành Lực lượng đối lập. Lực lượng đối lập đó đạt được theo câu: “Mà lực lượng đối lập đó chỉ hình thành khi tình trạng niềm tin tập trung (thông qua các tổ chức đối lập) của người dân đã đạt mức 5% dân số” ( Trích bài MMDC).

Theo ý này, nhà cầm quyền chỉ sợ khi Lực lượng đối lập đạt khoảng 5% của 90 triệu dân là khoảng 4 triệu người ?

Trong lịch sử Việt Nam, có thời kỳ toàn thể dân Việt bị đô hộ ngàn năm dưới ách thống trị của Tàu. Dù ngay từ đầu dân cả nước Việt đều biết đang bị đô hộ và muốn phản kháng nhưng vẫn để gần trăm năm trôi qua. Cho đến khi một nhóm khởi nghĩa Lam Sơn hay một Bà Trưng đứng lên phất cờ khởi nghĩa kêu gọi đánh đổ ách cai trị của giặc Tàu.

Từ đó, ý nhà cầm quyền không sợ một cá nhân hay một nhóm phản kháng nhỏ là không đúng, vì từ cá nhân, tổ chức nhỏ mới có khả năng lan rộng ra cả nước.

Cũng cần phân biệt nhà cầm quyền khác với chính quyền. Chính quyền là do dân bầu lên hợp pháp. Nhà cầm quyền có quyền lực từ chuyện cướp quyền bất hợp pháp hay duy trì quyền lực bất hợp pháp qua thể chế độc tài.

Chính quyền được dân ủng hộ từ lá phiếu do dân bầu lên.
Nhà cầm quyền độc tài không được dân ủng hộ, nhưng một nước có thể sống trong chế độ độc tài hàng trăm năm, nếu không có nhóm phản kháng đứng lên kêu gọi công khai giành lại chính quyền.

Cuộc cách mạng – mạng xã hội

“Họ tưởng họ có trong tay một vũ khí để đánh phá chế độ, khiến chế độ lùi bước. Nhưng thực ra, mạng xã hội vẫn chỉ là phương tiện truyền tải không hơn không kém. Nếu nâng lên thành các blog chính trị thì nó trở thành một vũ khí tuyên truyền ở một mặt trận riêng biệt chứ không phải là khởi nguồn hay là nơi diễn ra cuộc cách mạng 2.0!” …( Trích bài MMDC)

Vào năm 2011, cách đây 3 năm tôi đã dịch bài “Cuộc cách mạng chưa hề có”
(http://hoangsadao.wordpress.com/2011/02/01/cach-mang-internet/ )
Bài “Cuộc cách mạng chưa hề có” cho thấy, những ý tin vào Cách mạng đổi mới chế độ có thể xảy ra từ Cuộc cách mạng mạng xã hội hay mạng Internet chỉ là những ảo tưởng, thậm chí tác giả bài viết còn gọi đó là những “Vọng tưởng” ( Delusion – Vọng tưởng ở đây có thể hiểu là ý tưởng ngông cuồng, vô hy vọng để thành hiện thực ).

Không thể bỏ qua tính truyền thông nhanh và lan rất rộng trong xã hội khiến mạng Internet là phương tiện cần thiết khó bỏ qua trong liên lạc, thông tin, quảng cáo.

Đối với Việt Nam, nhiều người đã tưởng Internet là nơi để tìm thấy Sự Thật của Quê Hương và thay đổi được xã hội Việt Nam, một xã hội dù “mở cửa” đã lâu, nhưng thực tế vẫn còn “khép kín” hay có “rào cản” trong việc truyền thông tin tức thời sự đến người dân cả nước.

Thuở ấy, mạng xã hội đang bùng nổ ở Việt Nam, và lên đỉnh điểm qua tin thông báo từ Facebook về các cuộc xuống đường biểu tình ở Hà Nội vào năm 2011.

Lúc đó tôi đã ngần ngại khi đưa bài viết “Cuộc cách mạng chưa hề có’ lên trang Blog của mình, do niềm hy vọng vào sự đổi mới xã hội VN qua Internet và Facebook cũng đã phất phới trong lòng tôi, qua những hình ảnh truyền đi liên tiếp trên FB về hơn 11 cuộc biểu tình ở VN trong 2011.

Và các Blogger “lề trái” xuất hiện ngày càng đông, lôi cuốn đông người vào ủng hộ và bày tỏ ý kiến VN cần đổi mới.

(không biết chính xác con số các cuộc biểu tình vào 2011 ở VN là bao nhiêu )

Nhưng chỉ sau 2 năm, đến 2013, tôi thấy khó có một đổi mới nào tại Việt Nam qua Facebook hay mạng Internet .

Từ những người được gọi là Nhà hoạt động Dân chủ với Status 5.000 bạn kết nối trong FB, tôi nhận thấy phần lớn họ chỉ có được Lực lượng ủng hộ ‘ảo”.

Vì ngay khi họ bị đánh, bị bắt bỏ tù giam, trong nhiều trường hợp họ không hề nhận Like ủng hộ của quá 500 người kết bạn, dù một cái Like rất dễ bấm trong vòng 1 giây, đừng nói chi đến phản ứng ủng hộ mạnh hơn như xuống đường biểu tình.

Họ không là những “Hiệp sĩ chém gió” trên mạng FB vì họ có những hoạt động đối kháng trong xã hội thực tế và phải chịu nhiều áp lực, thậm chí bị đàn áp dã man từ nhà cầm quyền.

Nhưng Facebook không giúp họ tăng thêm số người ủng hộ trong xã hội thực tế, và cũng không tăng số người ủng hộ “ảo” trên Facebook bao nhiêu theo thời gian, có chăng là giảm đi?

Điều này giải thích phần nào, sau bao năm tháng, những Nhà dân chủ nhận ủng hộ đông đảo trên mạng FB đã không tạo được Nhóm đối kháng lớn mạnh ngoài đời, trong khi mạng Internet VN có hàng triệu người vào xem tin tức thường xuyên.

Nếu khi bị áp bức, thay vì vào Facebook kêu gọi cầu cứu, họ đi qua nhà người hàng xóm ngay cạnh nhà hay đến các nhà bà con, bạn bè hô hào cùng nhau xuống đường biểu tình phản kháng, có lẽ sẽ tác động đến sự thay đổi cách đối xử của nhà cầm quyền hơn là vào FB đưa hình ảnh và báo động lên mạng “ảo”?

Nhóm Blogger , những người phanh phui Sự Thật của Đảng và nhà cầm quyền bị bắt bỏ tù nhiều hơn, qua các bài viết có tác động đến tính phản kháng của người dân. Nhưng vẫn không tạo nên đổi mới, một khi những hành động phản kháng đã bị dập tắt ngay khi còn trứng nước.

Có câu hỏi :
Nếu xưa kia xã hội Việt Nam đã có Internet và Facebook , Đảng CS VN đã không thành công vì Sự thật sẽ được đưa lên Mạng Internet ?

Xin trả lời, chưa chắc đã thế.

Sự Thật trong đời sống hằng ngày, khi có người phanh phui đưa lên mạng Internet, nó đã trở thành tin tức trên Mạng và đã dính liền với tính cách “ảo’ của Mạng .

Một người dân sống ngay trong thành phố đang bị nhiễm độc vì quặng bô xít, có thể đọc tin trên mạng Internet về nơi mình ở bị ô nhiễm. Hay cả nước có thể đọc tin trên mạng Internet là Việt Nam đang sắp sửa lệ thuộc Tàu, một người đọc tin trên Facebook thấy người hàng xóm bị công an đánh đập.

Nhưng trước những tin tức như thế họ khó có phản ứng cụ thể , nếu như không có người nào đó, hay một nhóm nào đó, có tổ chức với mục tiêu , tôn chỉ rõ ràng đến hô hào, nắm tay họ cùng xuống đường biểu tình phản đối.

Cảm giác lẻ loi, đơn độc cũng khiến họ dễ chùng bước ngay từ đầu.

Từ đó những tin tức, hình ảnh trên mạng Web có thể gây phẫn nộ nhưng không đưa đến hành động cụ thể .

Bên cạnh đó rõ rệt hơn , nhưng ít người nhận ra tác động ngược của những cảnh dân bị đàn áp dã man khi đưa lên mạng là thay gì dẫn đến hành động cụ thể, lại gây cảm giác sợ hãi và nhụt chí phản kháng . 

Có thể nói , nếu không có mạng Internet đưa hình ảnh, phim chiếu có âm thanh với những cảnh trấn áp dã man, người ta đã có thể dấn thân vô tư vì ít sợ hãi hơn?

Mạng Internet cũng là công cụ ru ngủ dân chúng rất có hiệu quả và dễ dàng của nhà cầm quyền . Chỉ cần tung lên mạng Web thật nhiều phim gây cấn, phim chưởng, phim sex đã có thể ru ngủ đông đảo thanh niên, nhóm có sức phản kháng mạnh.

Thanh niên dễ tìm đến những mục giải trí thư giản trên Web hơn những trang thời sự, chính trị gây nhức đầu mất ngủ.

Những trang mạng đưa tin thời trang , hình cảnh sống giàu sang của một số người mẫu chân dài và ca sĩ nổi tiếng vv.. đã tạo nên gương mặt phồn hoa giả tạo của xã hội.

Cho dù người dân đang sống trong cảnh nghèo nàn, họ vẫn được xoa dịu bằng những mơ ước về những cảnh giàu sang họ thấy đầy rẫy trên báo hay mạng Web.

Nếu khi xưa cán bộ CS nằm vùng , thay vì đến tận từ nhà trên khắp các vùng thôn xóm Việt Nam vận động tuyên truyền, kích động ý thức phản kháng của dân chúng với khẩu hiệu “đánh đổ Mỹ Ngụy” mà chỉ lên mạng Intenet “chém gió”, hay hô hào tuyên truyền trên mạng, thì chưa chắc người dân đã theo ủng hộ họ để đưa họ lên nắm quyền.

Ở đây, hy vọng vào Cách mạng mạng xã hội có thể thay đổi chế độ cũng giống ngồi thả những con bồ câu đưa tin và mong tin tức sẽ tạo hành động ở người nhận tin, mà không nhìn ra phần lớn những bồ câu đưa tin của mình đã trở thành món mồi ngon trên bàn nhậu của những người nhận tin.

Có thể chấm dứt bài viết bằng câu kết của bài dịch đã có 3 năm trước :

Chỉ có Cuộc cách mạng của con người, do từ những người muốn tự giải thoát mình.

Dương Hoàng Dung
Munich,04.09.2014

Tiếng Quê Hương
http://tiengquehuong.wordpress.com

Hoàng Sa đảo
http://hoangsadao.wordpress.com

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Tin bài liên quan:

Hồng Kông dẫn Việt Nam đi về đâu?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo