Khánh Hòa
(VNTB) – Nếu lợi ích dân tộc cũng là lợi ích của đảng chính trị, thì, trước tiên, hãy lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng; lấy tình cảm dân tộc, gốc rễ đồng bào làm điểm tựa để có tinh thần cởi mở, bao dung, xóa bỏ mọi định kiến, thiếu niềm tin lẫn nhau.
“Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. – Trích điều 4.1, Hiến pháp 2013.
Liệu có phải nội dung ở điều khoản mang tính Hiến định ở trên, có thể diễn giải theo cách của tuyên giáo là, “Khi bàn về xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam.
Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”. Sau đó, một lần nữa, Người tuyên bố trước Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ hai, rằng: “Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam”. (1)
Đảng hôm nay khác với đảng thời ông Hồ Chí Minh?
Giả dụ cách bàn về xây dựng Đảng hiện nay vẫn theo như lời của ông Hồ Chí Minh, thì nếu xác định lợi ích dân tộc cũng là lợi ích của đảng chính trị, ắt sẽ không có câu ở thể mệnh lệnh, rằng “còn Đảng thì còn mình” (2)
Trường hợp nói theo phân bậc thứ tự về tầm quan trọng, thì có thể diễn giải điều 4.1, Hiến pháp 2013, là “lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng” như trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (3).
Cần làm gì ở lúc này cho “lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân” từ chính lời kêu gọi do Đảng từng đặt ra, là “hòa hợp, hòa giải dân tộc’, và đây cũng chính là đòi hỏi, khi đã 45 năm ngày thống nhất đất nước?
Nếu đúng như câu khẳng định trong một bài báo trên Thông Tấn xã Việt Nam, “Đảng chỉ phục vụ lợi ích của dân tộc và Tổ quốc” (4), thì vì sao cứ mỗi dịp kỷ niệm sự kiện 30 tháng Tư – dù hân hoan khải hoàn, dù cuộc chiến đã lùi xa ngót gần nửa thế kỷ, nhưng trong sâu thẳm của nhiều người vẫn trăn trở, day dứt bởi cùng là con Lạc cháu Hồng, cùng nghĩa tình đồng bào trong một nước, nhưng vẫn chưa xóa được mặc cảm, thậm chí vẫn còn sự phân biệt, kỳ thị người phía bên này, người phía bên kia.
Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực của đời sống vẫn có những quy định rất khắt khe vẫn tồn tại đến hiện nay. Đơn cử tháng 11/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có dự thảo nghị định xin chủ trương thay thế Nghị định 79 về Hoạt động Nghệ thuật biểu diễn, trong đó kiến nghị bỏ các khái niệm “ca khúc trước năm 1975”, “ca sĩ hải ngoại”; bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975, hoặc ca khúc do người Việt Nam ở nước ngoài sáng tác được quy định trong Nghị định 79.
Những quy định có tính định kiến hiện hành như vậy sẽ khó mà giúp hòa hợp, chứ chưa nói đến còn khoét sâu thêm khoảng cách trong một bộ phận cộng đồng người Việt cả ở trong nước và nước ngoài.
Ngay cả trong chính nội bộ Đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư, xem ra cũng không mấy tuân thủ những điều mà họ vẫn ra rả về “Tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Ở “Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV”, trang 280-281 có đoạn: “Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc… có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Vậy tại sao hàng chục năm qua, những người cộng sản phát động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhưng vẫn còn không ít người chưa thấm nhuần tư tưởng hòa hợp, đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh để cùng thật sự mở lòng, hoá giải sự khác biệt, tạo nên sự hoà hợp với nhau?
Nếu lợi ích dân tộc cũng là lợi ích của đảng chính trị, thì…
Trên thế giới có nhiều quốc gia nơi người này áp đặt quan điểm của mình cho người kia, cộng động này áp đặt quan điểm cho cộng đồng khác, và kết cục là dẫn đến mâu thuẫn đối kháng, thậm chí xung đột. Ngược lại, sự đồng thuận giữa các tôn giáo, các sắc tộc, các đảng phái ở các nước văn minh là bài học quý giá cho xây dựng đoàn kết, hòa hợp dân tộc.
Hoa Kỳ là một quốc gia đa chủng tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa. Ngoài một bộ phận rất nhỏ người bản địa, gần như tất cả người Hoa Kỳ hay tổ tiên của họ đều là dân di từ hàng trăm nước trên thế giới, trong đó có gần 2 triệu người Việt Nam, đến đây định cư trong 5 thế kỷ qua. Nhưng tất cả họ đã hòa hợp, đoàn kết với nhau, và xây dựng nước Mỹ thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới.
Nếu lợi ích dân tộc cũng là lợi ích của đảng chính trị, thì, trước tiên, hãy lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng; lấy tình cảm dân tộc, gốc rễ đồng bào làm điểm tựa để có tinh thần cởi mở, bao dung, xóa bỏ mọi định kiến, thiếu niềm tin lẫn nhau.
Thứ hai, cần thừa nhận sự tồn tại tư duy độc lập, quan điểm cá nhân là tất yếu khách quan, trên cơ sở đó tôn trọng những ý kiến phản biện, nhiều chiều.
Thứ ba, chấm dứt việc quy chụp những người có dũng khí phản biện, hoặc đưa ra ý kiến trái chiều, bởi đó thường là những người có trình độ và có trách nhiệm với sự phát triển của Quốc gia, đấu tranh đến cùng bảo vệ lẽ phải.
Thứ tư, ngăn chặn tư tưởng “mục hạ vô nhân”, độc quyền chân lý bởi sự đồng thuận, hòa hợp không thể nuôi dưỡng và nảy nở trên nền tảng đó.
Thứ năm, cải cách mạnh mẽ thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền thực chất, đúng nghĩa để vừa mở đường cho nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập phát triển, vừa khắc phục tình trạng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, mất dân chủ, bất công trong xã hội, để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Dĩ nhiên ở đây bài toán khó nhất vẫn là chuyện của quyền tự do chính trị; bởi cần đến việc giải quyết một cách hoà bình mâu thuẫn phát sinh từ cuộc nội chiến ý thức hệ quốc gia không cộng sản, và quốc gia cộng sản tại Việt Nam. Ý thức hệ đó tồn tại dai dẳng trong lòng dân tộc Việt Nam cho đến hôm nay; đặc biệt là nếu như ý thức hệ đó trước tháng 4-1975 chỉ có ở miền Nam, thì kể từ ngày 30-4-1975 và dần những năm tháng sau đó, ý thức hệ quốc gia không cộng sản cũng được nhiều người miền Bắc cùng tán đồng như người anh em miền Nam.
Một “Đảng dân tộc Việt Nam” như lời của ông Hồ Chí Minh (1), có thể là gợi ý đáng quan tâm cho hôm nay.
______________
Chú thích:
(1) http://pup.edu.vn/index.php/news/Cac-mat-cong-tac/Bai-2-Dang-vi-dan-dong-hanh-cung-dan-toc-2523.html
(4) https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/dang-chi-phuc-vu-loi-ich-cua-dan-toc-va-to-quoc/436200.html