Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu vụ Hồ Duy Hải cũng thu hút dư luận như vụ đảng viên Lê Thị Dung

Thạch Hãn

 

(VNTB) – Tình tiết vi phạm tố tụng trong thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra ở vụ án Hồ Duy Hải thấy rõ hơn rất nhiều, song lại không được sự quan tâm ‘tạo sóng’ như vụ bà đảng viên Lê Thị Dung.

 

Kịch bản ‘định hướng tuyên truyền’ của Tuyên giáo đảng

Không loại trừ về một kịch bản mang tính định hướng dư luận đang diễn ra, khi mà vài hôm trước, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An thông tin với báo chí rằng Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan báo cáo toàn bộ nội dung vụ án xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Trước đó, ngày 24-4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung (51 tuổi, nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên) mức án 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

“Theo Hiến pháp 2013 và thực tế thì bản án phúc thẩm của Toà án Nghệ An xét lại bản án sơ thẩm của Toà Hưng Nguyên, do bị cáo kháng cáo sẽ do Tỉnh uỷ Nghệ An ‘quyết định’. Nếu nó có đúng ý hay trái ý mọi người thì hãy kêu Tỉnh uỷ Nghệ An.

Tôi cho rằng nếu điều này trở thành cơ chế công khai trong hoạt động xét xử thì công lý ở Việt Nam sẽ còn tệ hại lâu dài. Cơ chế này do chính dư luận đã góp phần tạo lên. “Con đà điểu tự mình chui đầu vào cát”.

Người ta lên án cái sai trái hàng ngày nhưng lại dùng cái sai trái đó làm thước đo cho những cái không vừa với ý mình. Họ xung phong đầu quân cho “luật chơi cũ” nhưng lại tưởng là đang đấu tranh cho công lý” – một cựu phóng viên chuyên trách mảng pháp đình, nhận xét thẳng thừng như vậy, và cho rằng không loại trừ một kịch bản mang tính dẫn dắt dư luận trong vụ án bà Bí thư chi bộ đảng của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Vụ bà Bí thư chi bộ chỉ là ‘muỗi’ so với vi phạm tố tụng vụ Hồ Duy Hải

Sổ tay ghi chép của cựu phóng viên pháp đình kể trên về vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm, có những đoạn cho thấy lẽ ra đã thừa thuyết phục trong ‘tạo sóng’ dư luận về án tình oan khuất về các chứng cứ còn hơn hẳn vụ bà Bí thư chi bộ Lê Thị Dung ở huyện Hưng Nguyên:

“Một thẩm phán hỏi: Cái thớt và con dao không thu giữ được, thì cơ quan điều tra nói sơ suất. Vậy cơ quan điều tra có khẳng định (thớt và dao trong hồ sơ vụ án) là công cụ gây án không? Nói là mua dao, thớt để phù hợp nhận dạng thì có trái luật tố tụng không? Việc nhận định về công cụ gây án như vậy có ảnh hưởng tới kháng nghị?

Một thẩm phán khác hỏi: Giải thích thế nào về thu ghế có mã số khác? Có tài liệu nào khẳng định cái thớt, con dao mua ở chợ là công cụ phạm tội không? Luật có cho phép không?

Chủ tọa – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nói: Có việc quan trọng mà tôi cũng đồng tình là tại sao không thu được dao, thớt?

Điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án giải thích: Đây là vụ án truy xét. Khi đó tập trung truy tìm vật sắc nhọn vì vết thương ở cổ. Tổ khám nghiệm cũng đi tìm dao nhưng không phát hiện được. Việc không tìm thấy con dao hung khí này chỉ được lý giải sau khi đã bắt được Hải. Theo đó, Hải khai là gây án xong, mang dao ra lu nước rửa sạch, rồi nhét sâu vào ngách.

Khi cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường xong thì rời khỏi hiện trường. Bưu điện cho người dọn dẹp thì có thu được một con dao, sau được mô tả là sạch sẽ, như mới, dường như phù hợp với lời khai của nghi can Hải.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao hỏi: Hồ sơ vụ án có tài liệu cho thấy khi khám nghiệm, các điều tra viên phát hiện con dao, rồi khi dọn dẹp sau đó cũng phát hiện có con dao, chuôi gỗ hoặc nhựa giả gỗ. Vậy tại sao không thu giữ?

Điều tra viên trả lời: Con dao hung khí được phát hiện chiều 4-1-2008. Nhân chứng nghĩ dao không liên quan vụ án thì đốt bỏ.

“Có đồng chí Sơn, không được phân công điều tra vụ án này, được báo về con dao ấy. Nhưng công an huyện và đồng chí ấy thấy bảo dao không dính máu, nghĩ là dao sạch nên bỏ đi. Một tuần sau tin báo về tỉnh mới té ngửa ra. Lúc đó về tìm thì đã bị đốt rồi. Không phát hiện, thu giữ được là lỗi của cơ quan điều tra” – điều tra viên giải thích.

Hồ sơ vụ án cho thấy lời khai của Hải về con dao gây án không thống nhất. Lúc thì lưỡi dao rộng 3 cm, lúc khác 6 cm. Các lời khai đầu không nói dùng thớt gây án. Về sau khai dùng thớt đập vào đầu nạn nhân thì lúc nói dày 10 cm, lúc lại 5 cm. Cũng trong hồ sơ, biên bản mô tả hiện trường có đề cập tới chiếc thớt có vết máu nhưng lại không thu giữ. Rồi bản ảnh hiện trường có một chiếc ghế inox, không được thu hồi. Để rồi hai tháng sau, cơ quan điều tra thu đâu được một ghế inox khác với chiếc ghế trong bản ảnh và khác cả mã số ghi nhận trong biên bản hiện trường.

Một thẩm phán chất vấn: Giờ điều tra viên nói là mua dao, thớt chỉ để phục vụ nhận dạng hung khí. Vậy ý này được ghi trong bút lục, tài liệu nào?

Hai nạn nhân ăn, ở, ngủ, nghỉ ngay trong Bưu điện Cầu Voi bị giết, bản ảnh hiện trường cho thấy có thớt, mà cơ quan điều tra lại không thu giữ được thớt đó.

Trên cổ nạn nhân có vết cắt, tức là do vật sắc gây ra, mà cũng không thu giữ được dao. Đây là một điểm cần suy nghĩ. Ngay cả con dao đó, sau bị đốt thì chỉ cháy phần cán, thế còn lưỡi đâu?

Điều tra viên: Lưỡi dao đó thì ngặt cái là nhiều người lượm ve chai đi qua, cơ quan điều tra quay lại tìm thì không thấy ở chỗ đốt nữa…

Theo hồ sơ vụ án, do không tìm thấy con dao hung khí, cơ quan điều tra đã cho vẽ một con dao và đưa bản vẽ vào như một tài liệu vụ án.

Để làm rõ vấn đề này, Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình hỏi: Có việc vẽ dao cho Hồ Duy Hải nhận dạng không? Ai vẽ? Vẽ cho ai, làm gì?

Điều tra viên: Con dao vật chứng trong hồ sơ là nhờ nhân chứng mua rồi đưa về cho bị can Hải nhận dạng. Còn bản vẽ thì nhân chứng vẽ cũng có, điều tra viên vẽ cũng có, bị can vẽ cũng có.

Chủ tọa: Hải khai chiếc dao lúc dài, lúc ngắn, cái thớt lúc mỏng, lúc dày. Anh lý giải thế nào?

Điều tra viên: Do diễn biến tâm lý bị can, lúc khai thế này, lúc khai thế khác. Cũng vì vậy mà cơ quan điều tra phải tổ chức nhận dạng”…

Xét xử và dư luận

Một mục tiêu mà tòa án luôn hướng tới là các bản án, quyết định của tòa án được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, do đó dư luận không đồng tình ủng hộ là mục tiêu đó không đạt được, nghĩa là tác dụng tuyên truyền, phổ biến pháp luật thấp, chưa kể cá biệt những vụ án oan sai nghiêm trọng làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào pháp luật.

Lắng nghe dư luận, lắng nghe ý kiến chuyên gia, luật sư, nhà báo… để có cái nhìn đa chiều về vụ án mà hồ sơ có khi không phản ánh hết, để giải quyết được đúng đắn, toàn diện hơn là rất cần thiết.

Do đó, nhiều tòa án đã thu thập tất cả những bài báo phản ánh, nhất là phản ánh trái chiều về vụ án mà Tòa án đã xét xử hoặc chuẩn bị xét xử để tiếp thu, xử lý kịp thời nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải cho thẩm phán, cho tòa án là không phải lúc nào dư luận đa số cũng là chân lý. Việc xét xử các vụ án, tuyệt đối không thể theo số đông, dẫn đến “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết”.

Nhưng làm thế nào để có phán quyết “thấu tình đạt lý”? Không thể nói một bản án chặt chẽ, đúng pháp luật và nhân văn lại không thuyết phục được dư luận.

Nếu công luận đã liên tục ‘lên tiếng’ vụ án xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, thì xin công bằng hãy tiếp tục ‘đấu tranh’ cho sáng tỏ vụ án ở bưu cục Cầu Voi, Long An.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hình sự hóa vi phạm dân sự?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ ngu hết à?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ta là luật, luật là ta!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo