Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nga gặp khó ra sao khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Nga bị loại khỏi SWIFT, tác động đến tài chính toàn cầu ra sao?

 

Vũ khí hạt nhân tài chính

Các bên tham gia bao gồm Ủy ban châu Âu (European Commission), Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada và Mỹ. Thông cáo chung cam kết sẽ loại một số ngân hàng Nga được lựa chọn ra khỏi hệ thống điện tín SWIFT, đồng nghĩa với việc “ngắt kết nối” khỏi hệ thống tài chính quốc tế và sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động toàn cầu.

Các biện pháp tiếp theo bao gồm hạn chế khả năng tiếp cận dự trữ quốc tế của Ngân hàng trung ương Nga. Đối tượng hạn chế nhắm đến còn là các công dân, công ty Nga thân hữu với chính quyền.

Như vậy, phương Tây đã quyết định trừng phạt các ngân hàng Nga sau động thái né tránh ban đầu vì lo ngại tác động đối với nền kinh tế. Người phát ngôn Chính phủ Đức mới đây khẳng định các nước phương Tây đã sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không dừng hành động quân sự ở Ukraine để từ đó vãn hồi trật tự hòa bình châu Âu.

Nga đã phát triển giải pháp thay thế SWIFT

Nga có lẽ không quá bất ngờ trước chuyện ‘bị loại’ này.

Tháng 8/2014, Vương quốc Anh đã lên kế hoạch thúc ép EU ngăn chặn việc Nga sử dụng SWIFT như một biện pháp trừng phạt do sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine, tuy nhiên, SWIFT đã từ chối làm như vậy. Washington đã đe dọa ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT trong nhiều năm. Giữa tháng 12/2020, các chuyên gia Nga cũng đã dự đoán, các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” sẽ nhằm vào Nga sau khi Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Theo đó, các chuyên gia nhận định, các hạn chế trong tương lai có thể ảnh hưởng đến những điểm kinh tế nhức nhối nhất. Đặc biệt, biện pháp trừng phạt có thể tạo ra các vấn đề đối với việc tiếp cận thị trường thế giới của các ngân hàng Nga, ngắt kết nối quốc gia này khỏi SWIFT, đưa ra lệnh cấm giao dịch với chứng khoán nợ của Nga và cấm các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào các dự án năng lượng của Moscow.

Trên thế giới đã có một số tiền lệ – Triều Tiên và Iran đã bị loại khỏi SWIFT, gây ra tác động lớn trong quá trình xử lý các giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế với hai nước này.

Moscow đã phản ứng bằng cách tạo ra một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán có tên là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) như một biện pháp dự phòng. Nga bắt đầu phát triển SPFS năm 2014 trong bối cảnh Washington đe dọa ngắt kết nối quốc gia này khỏi SWIFT liên quan đến sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Giao dịch đầu tiên bằng SPFS liên quan đến một doanh nghiệp phi ngân hàng được thực hiện vào tháng 12/2017. Hệ thống thanh toán của Nga đã được thúc đẩy bởi các thành viên của khối BRICS là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Hệ thống nhắn tin tài chính SPFS của Nga sẽ được liên kết với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS của Trung Quốc.

Tuy nhiên, SPFS có nhiều nhược điểm như số lượng doanh nghiệp sử dụng còn rất ít, dung lượng tin nhắn trao đổi bị hạn chế và chỉ vận hành trong giờ hành chính. Ngoài ra, Nga cũng có thể chọn thanh toán bằng tiền điện tử, nhưng các giải pháp này đều bị đánh giá là kém tiện dụng hơn nhiều so với những lợi ích vô cùng lợi lớn lao khi dùng SWIFT.

Những tác động khi Nga bị loại khỏi SWIFT?

SWIFT là viết tắt tiếng Anh của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications  – SWIFT).

Được thành lập vào năm 1973, SWIFT sử dụng một nền tảng truyền thông độc quyền được tiêu chuẩn hóa để tạo điều kiện cho việc truyền thông tin về các giao dịch tài chính. Các tổ chức tài chính trao đổi an toàn thông tin này, bao gồm cả các hướng dẫn thanh toán, giữa họ.

SWIFT chỉ định cho mỗi tổ chức tài chính một mã duy nhất có tám ký tự hoặc 11 ký tự. Mã được hoán đổi cho nhau được gọi là mã định danh ngân hàng (BIC), mã SWIFT, ID SWIFT hoặc mã ISO 9362.

SWIFT chỉ là một hệ thống nhắn tin – SWIFT không nắm giữ bất kỳ khoản tiền hoặc chứng khoán nào, cũng như không quản lý tài khoản khách hàng.

Trước SWIFT, Telex là phương tiện xác nhận tin nhắn duy nhất có sẵn để chuyển tiền quốc tế. Telex bị cản trở bởi tốc độ thấp, mối quan tâm bảo mật và định dạng tin nhắn miễn phí – nói cách khác, Telex không có một hệ thống mã thống nhất như SWIFT để đặt tên ngân hàng và mô tả các giao dịch. Người gửi Telex phải mô tả mọi giao dịch bằng câu sau đó được người nhận giải thích và thực hiện. Điều này dẫn đến nhiều lỗi của con người.

Hiện nay, hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia đang sử dụng hệ thống của SWIFT, biến nó trở thành xương sống của hệ thống chuyển giao tài chính quốc tế.

Theo Hiệp hội quốc gia Rosswift, Nga là quốc gia lớn thứ hai sau Mỹ về số lượng người dùng, với khoảng 300 tổ chức tài chính Nga thuộc hệ thống này. Hơn một nửa các tổ chức tài chính của Nga là thành viên của SWIFT, đại diện tổ chức nói thêm.

Nếu bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, các ngân hàng của Nga sẽ gặp khó khăn lớn trong tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu. Cụ thể, các doanh nghiệp, cá nhân có tài khoản ngân hàng tại Nga sẽ bị hạn chế trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, vay vốn và đầu tư ở nước ngoài.

Trừng phạt SWIFT khiến Nga bị loại khỏi phần lớn các giao dịch tài chính quốc tế, trong đó có lợi nhuận thu được từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, vốn đem lại 40% tổng thu ngân sách của Nga.

Nhưng biện pháp này cũng khiến các chủ nợ khó khăn hơn trong việc thu lại tiền. Mỹ và Đức có nhiều thiệt hại nhất nếu Nga bị ngắt kết nối, bởi vì ngân hàng của họ là những người sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để kết nối, giao dịch với các ngân hàng Nga.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia khỏi EVN

Do Van Tien

VNTB – Cài cắm lợi ích nhóm trong chính sách

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Bất động sản công nghiệp và những cảnh báo

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo