Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngày Nhà giáo thế giới

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Không rõ vào thời điểm nào ở Việt Nam đã “rút gọn” từ “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” thành “Ngày nhà giáo Việt Nam”?

 

Vì sao ngày 20 tháng 11 hàng năm lại là Ngày Nhà giáo Việt Nam?

Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Văn bản ký ban hành ngày 28-9-1982, người ký khi ấy là Phó chủ tịch Võ Nguyên Giáp.

Oái oăm ở đây là nguyên cớ chọn ngày 20 tháng 11 thuần việc mang màu sắc chính trị, chẳng liên quan gì đến nhà giáo Việt Nam.

Tháng 7-1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập ở Paris, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE, http://wftufise.org/fr/). Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương.

Nội dung chủ yếu của Bản Hiến chương các nhà giáo: Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo. Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

Trong những năm kháng chiến, Công đoàn Giáo dục miền Bắc Việt Nam đã liên hệ với FISE với “mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta”.

Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Từ ngày 26 đến 30-8-1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20-11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc vào ngày 20-11-1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20-11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.

Tháng 4-1982, Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, có ý kiến tổ chức Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo 20-11 thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Không rõ vào thời điểm nào ở Việt Nam đã “rút gọn” mà không hề có văn bản pháp lý để từ “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” thành “Ngày nhà giáo Việt Nam”?

Nếu muốn hội nhập chung với thế giới về giáo dục, có lẽ Việt Nam nên tham gia vào tổ chức có tên “Liên đoàn toàn cầu của các công đoàn giáo viên”, tiếng Anh là “Education International” (EI); tiếng Pháp là L’Internationale de l’éducation (IE).

Quốc tế Giáo dục (EI/ IE) thành lập ngày 26-01-1993 tại Stockholm. Hiện nay, Liên đoàn có 401 tổ chức thành viên tại 171 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho hơn 30 triệu cán bộ giáo dục từ mầm non đến đại học. Điều này làm cho nó là liên đoàn toàn cầu lớn nhất thế giới.

Quốc tế Giáo dục là một trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) có quan hệ chính thức với UNESCO, gồm cả Văn phòng Giáo dục Quốc tế (IBE, International Bureau of Education), và có vị trí tư vấn với Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Trụ sở Quốc tế Giáo dục đặt tại Brussels, Bỉ. Chủ tịch EI hiện là Susan Hopgood từ Úc và Tổng Thư ký là Fred van Leeuwen từ Hà Lan.

Theo vận động của Quốc tế Giáo dục, từ năm 1994, ngày 5-10 hàng năm được lấy làm Ngày Quốc tế Giáo viên (World Teachers’ Day) nhằm kỷ niệm ngày thông qua Khuyến nghị liên quan đến nhà giáo của UNESCO hồi 1966. Khuyến nghị này đã đề ra tiêu chuẩn về quyền và trách nhiệm của một nhà giáo nói chung. Năm 1997, các tiêu chuẩn này tiếp tục được UNESCO bổ sung với các điều khoản liên quan đến giảng viên đại học.

Ngày Quốc tế Giáo viên không chỉ là ngày để thế giới ghi nhận công lao và đóng góp của giáo viên cũng như nghề giáo lên đối tượng tương lai. Đây cũng là ngày để thế giới xem xét, giải quyết những thách thức liên quan đến nghề dạy học.

“Vào ngày này, chúng tôi không chỉ tôn vinh giáo viên và công lao của họ. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia đầu tư nhiều hơn nữa vào nền giáo dục toàn cầu để mỗi người học có thể tiếp cận với một nhà giáo có năng lực. Hãy đồng hành cùng các giáo viên của chúng tôi”, Hindustan Times trích lời tuyên bố chung từ UNESCO, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Giáo dục Quốc tế.


Tin bài liên quan:

VNTB – Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ nhân quyền ra sao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tập đoàn Hoa Sen ‘lấy thịt đè người’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tu… online và quyền hình ảnh lại thuộc về chùa Ba Vàng

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.