Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nghiệp hầu chồng tranh đấu

Nguyễn Đình Ấm
Images intégrées 1
Bà Lân ngồi ngoài bên phải tại cuộc họp của hội NBĐLVN khu vực phía Bắc
                                     
(VNTB) – “Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân”(Chinh phụ ngâm)

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mẹ tôi phải hầu cha, đến khổ.
Có hôm nhà vừa ngồi vào mâm cơm thì mấy ông khách lạ vào nhà. Cha tôi vội đứng dậy ra chào mời họ ngồi trên sập giữa nhà. Mẹ tôi cũng lập tức đứng dậy, bố tôi nói to:
– Nhà tôi mời cơm trưa các ông.
Mẹ tôi vội bỏ bát đũa, đon đả ra chào khách rồi vội vã bưng mâm vào bếp cho chúng tôi ăn tiếp, sai chị tôi lên xóm chài mua cá rồi tất tả ra vườn nhổ rau, vo gạo, đốt lửa thổi cơm…
Khi mâm cơm đã bưng ra sập mời khách, mẹ tôi lùi vào đứng sau rèm hễ thấy rượu cạn, đĩa thức ăn vơi… thì tiếp thêm. Các ông khách nhấp rượu từng ngụm nhỏ bằng cái chén “mắt trâu” với lạc rang khề khà trò chuyện đến mấy tiếng đồng hồ mới ăn cơm làm mẹ tôi phải chầu chực suốt buổi. Khách ăn xong mẹ tôi lại mang cái chậu thau ra bể múc nước, bỏ vào cái khăn bông đưa đến tận sập cho khách lau miệng, rửa tay. Khi khách vui vẻ ra về thì đã sắp phải chuẩn bị bữa cơm tới… Bà bà nội tôi an ủi mẹ:
– Con gái là phải “nghiệp hầu chồng”, con ạ.
Tưởng nay không còn cảnh con gái phải “nghiệp hầu chồng” như thế nữa nhưng hóa ra, đã là cái “nghiệp” thì không thể bỏ được?
Anh Nguyễn Tường Thụy, bạn tôi – người đang “cả gan” tự ứng cử vào đại biểu quốc hội khóa 14 này ngụ ở xã Vĩnh Quỳnh huyện Thanh Trì Hà Nội. Anh Thụy là một cử nhân kinh tế, làm báo, hiểu biết rộng, tính vui vẻ, hóm hỉnh, hiện là phó chủ tịch Hội nhà báo độc lập VN, Hội bầu bí tương thân. Dù đã nghỉ hưu nhưng NTT rất bận rộn, ngoài công việc của hai hội thì còn đi thăm người hoạn nạn,tù nhân lương tâm, dân oan, biểu tình chống xâm lược, tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, giao lưu trao đổi tình hình với bạn bè, giới chức… Ở đâu diễn ra sự kiện, công việc ích nước, lợi dân là cũng thấy  anh Thụy.
Đặc biệt, anh này có “hậu phương”  vững chắc, tin cậy, đó là bà Lân mà anh cứ tếu táo gọi là “Ngan già”. Tôi biết, anh Thụy nói thế nhưng trong lòng thì rất tự hào về bà vợ. Bà Lân ngoài chăm chút cho cả nhà mọi mặt, sức khoẻ ông chồng từ miếng ăn, giấc ngủ  đến những khi ông đi công việc “hàng tổng”. Những hôm đi biểu tình, tưởng niệm, đòi người… có nguy cơ cao bị bắt bớ, đàn áp là lại thấy bà Lân với một số thuốc, băng cấp cứu đi theo để sẵn sàng cứu giúp chồng, bạn bè. Các cuộc gặp gỡ của chồng với  anh em luôn được bà Lân chăm lo cực kỳ chu đáo cả về miếng ăn, nước uống và cả… “an ninh”.
Dù hai vợ chồng chỉ có lương hưu và con cái trợ giúp ít nhiều nhưng nhà bà Lân là nơi đến thân thiện, ấm cúng đầy tình nghĩa của tất cả bạn bè từ nam chí bắc. Có hôm bà Lân phải nấu, dọn cơm khách đến mấy lần nhưng chưa bao giờ thấy bà tỏ ra mỏi mệt mà còn “vui hơn tết”.
Những ngày này ông chồng “liều lĩnh” ứng cử vào ĐBQH luôn có bà Lân trợ giúp. Đi nộp giấy tờ, phô tô tài liệu, công chứng… kiên nhẫn thực hiện những phiền hà của cán bộ để họ không còn đường “vặn vẹo”…
Cũng là kẻ phiêu lưu tự ra ứng cử ĐBQH lần này là Phạm Thành (Phạm Chí Thành), nguyên phóng viên, thư ký tòa soạn VOV bạn từ thời đại học báo chí của tôi. Anh này như thế nào chắc khỏi phải giới thiệu vì trên các trang mạng, blog… thể hiện rất rõ con người này. Tuy nhiên, có một yếu tố làm nên Phạm Thành chính là cô vợ mà ít ai biết.
Tất cả các việc nhà, chợ búa, con cái, gia đình, họ hàng… đều do cô vợ đảm trách, ông chồng thì chỉ “đường lối” và suốt ngày sách vở, mạng méo, khách khứa… Đang yên, đang lành “giữa chừng trưa” tự nhiên mấy anh bạn đến chơi, chồng liếc mắt là lại phải đi chợ, nấu cơm, mua bia, rót rượu, thình thoảng lại nghe: “Xong chưa?”.
Vất nhất là những hôm nhà bị an ninh phong tỏa, bị triệu tập lên CA Hà Nội rất căng thẳng “chẳng biết anh ấy có tội gì”. Bản tính hiền lành thấy công an đến nhà là “mặt xanh đít nhái” nhưng vì quá lo cho chồng nên cô ta vẫn phải theo đi “triệu tập”. Những hôm ấy cửa nhà, bếp nước tan hoang… Hôm Phạm Thành bị câu lưu ở sân bay Nội Bài, cô lo quá gọi điện báo cho tôi nhưng những hôm ấy điện thoại của tôi bị công an phường quấy liên tục nên thấy số lạ tôi không nghe. Thế là cô lại nhắn tin “Em là Nghiêm, vợ Thành đây”. Thương quá! Có lẽ Nghiêm cũng như vợ tôi, biết chồng không làm gì sai trái nhưng chỉ sợ công an bắt giam, đi tù “mang tiếng” và  “chết rạc” mất ông chồng “vô tích sự”…
Tuy nhiên những người đàn bà này còn chưa “đảm” bằng những chị em có chồng là tù nhân lương tâm, thân cô, thế cùng, luôn bị chính quyền, an ninh “chăm sóc”, phải “Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân”(Chinh phụ ngâm) luôn sống trong sợ hãi, xót thương, lo lắng về tương lai, sức khỏe, tính mạng rồi đường xa, dặm thẳm thăm nuôi, tiếp tế cho kẻ đang bị nhốt trong địa ngục trần gian. Đó là vợ Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Anh Kim, Lê Quốc Quân… Họ là những phụ nữ kiên trung nặng nghiệp “hầu chồng” thời nhà sản.

Tôi cảm phục và biết ơn họ.

Tin bài liên quan:

VNTB – Ôi, sợ cái đầu của ông chủ nhiệm quá!

Phan Thanh Hung

Quá bất hợp lý phân bổ hạ tầng ngành Hàng không VN

Phan Thanh Hung

VNTB – Còn chần chừ gì nữa mà chưa thả Nguyễn Hữu (Vinh Ba Sàm)?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo