Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người dân được quyền từ chối tiêm vắc xin mà không cần lý do

Trần Đăng Khoa

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Y khoa không đơn thuần là y khoa mà còn mang tính pháp lý.

 

Trên trang Việt Nam Thời Báo, tôi có gửi bài cộng tác với đặt vấn đề bằng một câu hỏi tu từ: “Người dân không được quyền từ chối tiêm vắc xin của Trung Quốc?”.

Hai căn cứ pháp lý mà tôi viện dẫn trong bài viết “Người dân không được quyền từ chối tiêm vắc xin của Trung Quốc?”, là Điều 29 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những trường hợp bắt buộc phải sử dụng vắc xin phòng bệnh; và theo điểm a khoản 2 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ một triệu đồng đến 3 triệu đồng với hành vi không sử dụng, hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Xin thưa, bài viết ở trên có phần kết là thời điểm hiện tại, chưa có quy định nào bắt buộc phải tiêm vắc xin Covid-19 và thực tế tại các điểm tiêm phòng, người dân sẽ được phát phiếu khảo sát nguyện vọng, nếu người đó đồng ý thì mới tiêm.

Vấn đề đặt ra: giả dụ nhà chức trách hay bề trên nào đó có “lệnh hành chính” chứ không phải “y lệnh”, buộc tất cả dân chúng đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh phải chích ngừa Covid, và không được quyền chọn lựa vắc xin, thì khi ấy người dân sẽ trả lời ra sao khi vẫn không thích các loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất?

Xin thưa, y khoa không đơn thuần là y khoa mà còn mang tính pháp lý.

Thứ nhất, các loại vắc xin ngừa Covid hiện tại có tình trạng pháp lý y khoa là vắc xin được phê duyệt cho tình trạng khẩn cấp, tức vắc xin có giấy phép sử dụng khẩn cấp, không phải là vắc xin thương mại.

Việt Nam vẫn chưa có Luật về tình trạng khẩn cấp, do đó với các loại vắc xin được sử dụng từ thủ tục Giấy phép sử dụng khẩn cấp, về pháp lý là phải có đạo luật về vắc xin và tiêm chủng.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc chương trình thạc sĩ chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, nhận xét: “Chúng ta chưa có đạo luật về vắc xin và tiêm chủng. Trung Quốc có luật hàng trăm điều về vấn đề này. Luật của họ năm 2019 quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ tiêm chủng”. Nghĩa là tiêm chủng không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn vì cộng đồng, nếu từ chối tiêm sẽ phải chấp nhận rất nhiều rủi ro như có thể không được tiếp cận cơ hội lao động, việc làm.

Còn ở Đức, Mỹ… thì tiêm chủng là quyền của công dân, nghĩa là không được ép dân tiêm. Ta thấy ở Mỹ, Nga, thừa vắc xin nhưng số dân chấp nhận tiêm rất thấp”.

Thứ hai, điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có những ràng buộc cụ thể sau đây về pháp lý y khoa, khi nhà chức trách muốn xử phạt hành chính ai đó khi họ từ chối tiêm vắc xin Trung Quốc.

Xin dẫn chứng với phần trích văn bản có liên quan đến thắc mắc, liệu có được quyền từ chối chích vắc xin do Trung Quốc sản xuất nói chung, không phân biệt là Sinopharm hay Sinovac hoặc một thương hiệu nào đó sắp tới cũng của Trung Quốc?.

“Điều 9. Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

d) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về hoạt động tiêm chủng theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Không cấp và ghi sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân hoặc sổ tiêm chủng điện tử cho người đến tiêm tại cơ sở tiêm chủng;

c) Không thống kê danh sách đối tượng đã tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng;

d) Không theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng;

đ) Không chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan khi có yêu cầu nhằm phục vụ cho Hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh xác định các trường hợp được bồi thường trong trường hợp xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng;

e) Không lưu giữ, quản lý các tài liệu, hồ sơ về tiêm chủng và phản ứng sau tiêm chủng theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn chuyên môn về an toàn tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng;

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Tiêm chủng khi chưa thực hiện việc công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng”.

Trong những trích dẫn pháp lý ở trên, chỉ với riêng yêu cầu “chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan khi có yêu cầu nhằm phục vụ cho Hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh xác định các trường hợp được bồi thường trong trường hợp xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng” tại điều 9.2.d, cho thấy là một thủ tục bất khả thi vì không cách gì có thể đáp ứng.

Lý do, ‘tấm khiên pháp lý’ được các nhà sản xuất đưa ra là do đây thuộc vắc xin được sử dụng từ thủ tục Giấy phép sử dụng khẩn cấp, nên họ được quyền miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp có khiếu kiện.

Như vậy, về nguyên tắc, một khi không được/ hoặc không thể tiếp cận yêu cầu đáp ứng công khai các quy định pháp lý y khoa, người dân được quyền từ chối tiêm vắc xin mà không cần giải thích lý do với nơi tiêm chủng. Điều này không phải là ‘bất tuân dân sự’, mà là tuân thủ đúng theo lời kêu gọi “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thuế thu nhập cá nhân là ‘điểm yếu’ của những nhà hoạt động xã hội dân sự?

Do Van Tien

VNTB – Xung đột về quyền sở hữu đất đai sẽ lại tạo những phiên bản Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Lộc Hưng…

Phan Thanh Hung

VNTB – Động cơ gây án của công dân Trương Châu Hữu Danh là gì?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.