Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người lao động khó kiếm được việc làm ổn định

Định Tường

 

(VNTB) – Từ đầu năm đến nay, hàng chục ngàn người lao động mất việc vẫn chưa thể tìm được công việc mới ổn định.

 

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương – một địa phương nổi tiếng bậc nhất về sức hút lao động vào các khu công nghiệp, cho biết nếu như trước đây, thời điểm đầu năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá ồ ạt thì thị trường tuyển dụng từ cuối năm 2022 đến Quý I/2023 vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa số là những doanh nghiệp nhỏ và vừa và số lượng không nhiều, từ vài người đến vài chục người và những doanh nghiệp lớn hầu như không có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông mà còn cắt giảm.

“Những khó khăn này đã được dự báo trước và đã thể hiện rõ từ Quý III và IV-2022 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại” – ông Tuyên cho hay.

Theo ông Tuyên, người lao động tìm việc đầu năm đa số không có tay nghề, độ tuổi trên 35, và đây thuộc nhóm lao động yếu thế trong môi trường cạnh tranh về việc làm như hiện nay. Dự báo nhu cầu tuyển dụng ở tỉnh Bình Dương Quý II-2023 chỉ cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề chiếm từ 75 – 80%, tập trung ở các lĩnh vực may quần áo, balo túi xách, gỗ nội thất, cơ khí, ngũ kim…

Về tổng thể, theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9-2022 đến 1-2023, có hơn 491.000 người bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương, 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động và hơn 48.600 người mất việc tại 1.300 doanh nghiệp do đơn hàng sụt giảm. Mất việc hoặc thiếu việc làm khiến người lao động hụt hẫng trong khi sau họ là gia đình.

Trước thực tế trên cho thấy những nhà lập pháp đang đưa dự luật bảo hiểm xã hội sửa đổi ra lấy ý kiến, dường như họ đã chưa kịp cập nhật tình hình cho những đề xuất về các chính sách an sinh của việc nghỉ hưu.

Số liệu cho biết, hơn 62% trong 1.300 công nhân tham gia khảo sát của Liên đoàn lao động TP.HCM hồi cuối năm 2021, cho biết họ lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi mất việc. Còn hơn 44% trong một nửa lao động tham gia khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần cho biết, khoản tiền này sẽ dùng cho chi tiêu gia đình.

“Tôi năm nay 47 tuổi, đóng bảo hiểm được 15 năm, nếu hạ xuống 15 năm thì tôi đủ năm để hưởng hưu, nhưng chẳng may vài năm nữa công ty cho nghỉ việc thì phải chờ thêm ít nhất 12 năm nữa đủ 62 tuổi. Tuổi này công ty nào nhận nữa?

Có bao nhiêu người từ 45 đến 47 tuổi mới bắt đầu đi làm hay bị đuổi ra khỏi công ty trong hoàn cảnh như mấy năm nay? Nếu muốn lo cho người lao động thì cứ để nguyên 20 năm, ai đủ 20 không đi làm nữa thì được hưởng chế độ trên số năm đóng, còn ai muốn đi làm nữa thì cứ như hiện hành” – một ý kiến góp về dự thảo luật bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Theo thống kê của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Bình Tân, TP.HCM) về đợt sa thải gần đây, thì có 83% lao động nghỉ việc lần này là nữ; độ tuổi nghỉ việc đa số trên 40 (54%); 30-40 là 39%; 21-30 chiếm 6%. Lớn tuổi khiến cơ hội việc làm bị thu hẹp. Trước đó, gần 1.200 công nhân của Công ty TNHH Tỷ Hùng ở gần đó cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Lưu ý, mặc dù Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thông tin với cơ quan chức năng là thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân, nhưng theo tìm hiểu của báo chí, ngoài con số đó còn có thêm khoảng 3.000 người lao động phải nghỉ việc vì hết hạn hợp đồng lao động, và doanh nghiệp không tái ký.

Bài toán đặt ra với những nhà soạn thảo luật của Việt Nam, là dù họ có nhận được định hướng chính trị ra sao đi nữa, thì trên hết đang rất cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn, bởi như thực tế đã diễn ra lâu nay, tất cả trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần khi họ mất việc làm vì người lao động chẳng thể ngắc ngứ chờ đợi đủ tuổi nghỉ hưu, mà ngay cả chờ dược đi nữa, khi ấy số tiền lương hưu cũng là bèo bọt so vật giá…


Tin bài liên quan:

VNTB – Luật Công đoàn sửa đổi có nội dung ra sao?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Mua đứt – bán đoạn: thực tế ở làng vé số miền Nam

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Sống bằng lương?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo