VNTB – Nguồn cung xăng dầu dự báo vẫn căng thẳng

VNTB – Nguồn cung xăng dầu dự báo vẫn căng thẳng

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Petrolimex Saigon thông báo chỉ bảo đảm được nguồn cung xăng dầu đủ cho thị trường TP.HCM đến hết tháng 10/2022.

 

Đại diện Bộ Công thương xác nhận, dù nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay đảm bảo được 70 – 80%, nhưng 20 – 30% phải nhập khẩu và dự báo nguồn cung từ nước ngoài từ nay đến cuối năm vẫn rất căng thẳng.

Một trớ trêu ở đây về chuyện “rất căng thẳng”, còn là vì giá xăng dầu hôm 13/10 bước sang ngày giảm thứ 4 liên tiếp bởi đồng USD mạnh, nhu cầu giảm, và dự trữ dầu của Mỹ tăng. Giá dầu WTI trượt xa khỏi mốc 90 USD/thùng, dầu Brent “neo” ở mức 92,45 USD/thùng.

Theo Oilprice, lúc 6 giờ ngày 13/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao tháng 12 chững ở mức 92,45 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 87,19 USD/thùng, giảm 0,08 USD, tương đương 0,09%. Dầu thô Brent giao tháng 12 giảm 1,84 USD, tương đương 1,95%, xuống mức 92,45 USD/thùng. Dầu thô WTI chốt phiên giảm 2,08 USD, tương đương 2,3%, xuống mức 87,27 USD/thùng.

Giá thế giới là như vậy, nhưng giá cơ sở xăng dầu ở Việt Nam được quy định theo mỗi kỳ điều hành do liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định, và đây là căn cứ để xác định mức giá bán lẻ mỗi lít nhiên liệu cho người tiêu dùng. Nhưng theo ghi nhận phản hồi từ 36 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thì chi phí thực tế chưa được liên bộ này phản ánh đầy đủ, và nhà điều hành chậm điều chỉnh các chi phí kinh doanh, kìm giá khiến bất ổn gia tăng.

Trong chi phí kinh doanh có khoản đưa xăng dầu về đến cảng, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước… Các phụ phí, chi phí kinh doanh này vừa qua tăng 7-8 lần so với trước đây và chưa được phản ánh đủ trong giá cơ sở. Hiện chi phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam đã được Bộ Tài chính điều chỉnh từ kỳ điều hành 21/9; còn chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước tới hôm qua, ở kỳ điều hành ngày 11/10, mới điều chỉnh.

Do đó, khi chưa được điều chỉnh chi phí hợp lý khiến kinh doanh bị lỗ, nhà cung cấp (đầu mối, thương nhân phân phối) hạn chế bán ra. Điển hình là hơn một tuần nay, từ sau kỳ điều hành 3/10, nguồn cung từ các thương nhân đầu mối bán ra rất ít, chỉ cung cấp một lượng rất nhỏ với những doanh nghiệp có hợp đồng, để ‘cầm cự qua ngày’.

“Hôm qua đã có điều chỉnh giá, tình hình có dịu đi. Nhưng chúng tôi cũng tiếp tục đề xuất phải có giải pháp, không để mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu lại tạo ra những cú sốc thị trường” – chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác nhận cho cảnh báo về tình hình xăng dầu thời gian tới khả năng vẫn chịu sự điều hành ‘giật cục’ từ liên bộ công thương – tài chính.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối cho biết dù liên bộ tài chính – công Thương đã điều chỉnh các chi phí, phụ phí kinh doanh từ 11/10 song không tác động lớn, bởi đây chỉ là chi phí nhập xăng dầu trong nước. Đối với chi phí nhập khẩu, doanh nghiệp cho rằng vẫn cao và chênh lệch quá lớn khiến các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn khó khăn.

Vị lãnh đạo này cho hay giá xăng liên tục giảm nhưng các phụ phí vận chuyển hàng về Việt Nam vẫn rất cao khiến đầu mối nhập về sẽ lỗ. Vị lãnh đạo doanh nghiệp đó cho biết nếu mời thầu nhập khẩu 10.000 tấn xăng, mức phụ phí lên đến 8,5 USD/thùng, chênh lệch gần 6 USD/thùng so với phụ phí trong cách tính giá cơ sở. Do đó vị này đề xuất cần tiếp tục điều chỉnh phụ phí nhập khẩu để các doanh nghiệp đầu mối đảm bảo các chi phí, tăng nhập xăng về Việt Nam.

Theo vị này, hiện chiết khấu đối với xăng không cao, chỉ duy trì ở mức 300 – 400 đồng/lít.

Cả ông Phan Văn Mãi và vị lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu kể trên đều cho rằng nếu không giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng và gây hệ lụy lớn đến thị trường, gây nên sự đổ vỡ trong hệ thống phân phối và là mối nguy cho an ninh năng lượng quốc gia.

_____________________

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Sắp tới chắc hết…nước, điện! rồi, xong fim!