Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nguồn điện “xanh” có bảo đảm đủ đề… sạc cho xe điện?

Hồng Dân

 

(VNTB) – TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên kiến nghị TP.HCM hỗ trợ chuyển đổi 1 triệu xe máy xăng thành xe điện, ưu tiên lĩnh vực vận tải, thực hiện trong 5 năm tới.

 

Ý kiến này được TS Nguyên, Giám đốc điều hành Selex Motor – doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất xe điện nói tại chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vào cuối tháng 3-2024.

Đề xuất này theo ông Nguyên hướng đến nhóm doanh nghiệp vận tải bằng xe máy, lái xe ôm công nghệ. Bởi theo ông những người này có tần suất hoạt động gấp 5 lần so với người bình thường, với mức phát thải cao. Họ cũng là nhóm sẵn sàng chuyển đổi nhất nếu có những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc tài chính và vận hành Dat Bike, kiến nghị cần có chính sách về thuế phí để thu hút người dân, doanh nghiệp chuyển sang xe điện. Thực tế chi phí mua xe máy hiện nay trung bình khoảng 30 – 40 triệu đồng, trong đó có khoảng 10% là các loại thuế phí. Nếu Nhà nước có chính sách miễn giảm các loại thuế phí này hoặc cơ chế cho vay để người dân sắm xe điện sẽ kích cầu người dùng.

Liên quan đề xuất trên, VinFast thông báo hợp tác trang web Chợ Tốt triển khai chương trình “Thu cũ xe xăng – Đổi mới xe điện”, mức ưu đãi cao nhất 3 triệu đồng, từ 20-3 đến 1-5-2024. Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, người dùng mua xe máy điện VinFast qua nền tảng Chợ Tốt sẽ nhận loạt ưu đãi tiền mặt. Cụ thể, khách mua dòng Evo200 sẽ nhận ưu đãi 800.000 đồng, Feliz S 1,2 triệu, Klara S (2022) 1,6 triệu, Vento S là 2,4 triệu và Theon S là 3 triệu đồng.

Chợ Tốt thông báo sẽ hỗ trợ thu mua xe máy xăng cũ của người dùng với giá cạnh tranh, cam kết thủ tục tối đa trong 2 giờ.

Ngoài ra từ 19-03-2024, mỗi lần sạc dòng xe điện VinFast (gồm ô tô và xe máy điện) tại các trạm sạc pin của hãng ở thị trường Việt Nam, chủ phương tiện sẽ phải chi trả mức phí là 3,858 đồng/ kWh (đã bao gồm VAT). Đây là đơn giá sạc xe VinFast mới nhất, tăng khoảng 15% so với lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 11-2023. Trường hợp sạc vượt quá thời gian quy định tại các trạm sạc công cộng của hãng VinFast, thì phải chịu đơn giá sạc quá giờ là 1.000 đồng/ phút. Được tính từ phút thứ 31 sau khi pin đã đầy và vẫn tiếp tục chiếm chỗ sạc.

Là doanh nghiệp đầu tư hệ thống trạm sạc pin xe điện, ông Huỳnh Tiến Đạt giám đốc điều hành Công ty thiết bị & giải pháp sạc điện EVS,  cho rằng tuy xe điện là xu hướng nhưng hướng đầu tư vẫn chưa thật sự dễ dàng. Bởi muốn phát triển xe điện thì hạ tầng phải đi trước. Hiện nay trạm sạc điện vẫn mạnh ai nấy đi, chưa đồng bộ.

Tùy loại xe, pin xe điện thường cho phép xe đi được quãng đường khoảng 180 – 300km/lần sạc. Muốn đi đường dài chắc chắn cần trạm sạc dày đặc để có thể vừa đi vừa sạc trên đường. Nhiều khách hàng dùng xe điện hiện vẫn không yên tâm khi đi từ tỉnh này sang tỉnh khác bởi hệ thống trạm sạc thưa thớt.

Trên thực tế thì khó khăn lớn nhất là vấn đề pháp lý, nguồn điện và mức độ cung cấp điện năng cho trạm sạc. Ngoài ra, còn phải tính tới việc đấu nối phù hợp với lưới điện quốc gia khi số lượng trạm sạc xe điện tăng, cần có các yêu cầu liên quan tới đấu nối trạm sạc, cụm trạm sạc, điểm đấu nối tối ưu của các trạm sạc nhanh, và xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới phát triển hạ tầng trạm sạc, đấu nối và vận hành trạm sạc ô tô điện.

Đơn cử, trước hết phải tính coi nguồn điện để sạc ở đâu ra. Một triệu xe máy điện mỗi lần sạc là 3 kWh một chiếc, vị chi là 3 triệu kWh điện, tháng sạc chỉ hai lần thôi là 6 triệu kWh. Nhà máy điện gió Bạc Liêu chạy miệt mài 10 tuabin trong 3 tháng mới đủ cho một lần sạc 1 triệu xe máy điện này. Còn nếu dùng điện than, điện dầu để sạc thì đâu còn là “xanh” nữa?.

Ngay cả EU còn phải cân nhắc lại lộ trình xe điện hóa triệt để sau cơn hào hứng ban đầu.

Ngoài ra chi tiết sau đây cũng cần lưu ý, từ 15-5-2024, giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên, theo quyết định số 05/2024/QĐ-TTg, vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Hiện, giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 24/2017, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Nhưng quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Giai đoạn 2017-2019, giá này tăng 3 lần và được giữ trong 4 năm, tới tháng 5-2023 mới tăng thêm 3%. Gần nhất, giá năng lượng tăng 4,5% vào tháng 11-2023.

Theo ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chuyên viên Tập đoàn điện lực Việt Nam, bên cạnh bài toán số lượng trạm sạc thì việc tăng cường trạm sạc xe trên đường cao tốc cũng cần phải tính toán số lượng xe cần sạc, và thời điểm sạc xe tại mỗi trạm để tránh gây áp lực lớn lên hệ thống điện trên toàn quốc, gây mất điện cục bộ. Hiện nay, hệ thống trạm sạc công cộng hiện tại đã chiếm tới 10% năng lượng điện cả nước.

“Nếu không giải được bài toán về trạm sạc thì khó lòng đạt được mục tiêu thay thế hoàn toàn xe chạy xăng, dầu bằng xe chạy điện trong tương lai”, ông Vĩnh cho biết.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Phạm Nhật Vượng đang “chuyển giá”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nước sông Mekong đột ngột dâng cao 2 mét

Phan Thanh Hung

VNTB – Trút gánh nặng tài chính cho ‘nhiệm kỳ tương lai’ của Chính phủ

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo