Hiền Vương
(VNTB) – Bốn mươi lăm năm trước, cũng trong tháng ba, người Sài Gòn đã nguyện cầu cho Ban Mê Thuột khi thủ phủ Tây nguyên thất thủ. Giờ thì nguyện cầu cho Sài Gòn cùng nhau vượt qua đại dịch cúm virus Vũ Hán Corona.
Mười tám giờ ngày 14-3, các cơ sở có kinh doanh rạp chiếu phim, massage, karaoke, quán bar, beerclub, vũ trường, vui chơi giải trí tụ tập đông người… ở khu vực trung tâm Sài Gòn đã bắt đầu đóng cửa trong một lệnh khẩn ban ra trước đó vài tiếng. Tất cả là nhằm hạn chế dịch cúm Vũ Hán Corona, hay còn gọi là Covid-19.
Một đề xuất từ Sở Y tế là cần tạm dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Sài Gòn căng thẳng. Sài Gòn đêm cuối tuần vắng lặng. Sài Gòn với những con đường bất chợt rộng thênh thang. Sài Gòn với hè phố khu trung tâm ở quận nhứt lúc đã lên đèn, cứ y như thời khắc vào giới nghiêm của miền Nam thời chiến.
‘Tội đồ’ của Sài Gòn ‘giới nghiêm’ đến từ một nữ doanh nhân xứ Phan Thiết có tên Đặng Thị Lynh Trang, 51 tuổi.
Thông báo ngày 10-3 của chính quyền tỉnh Bình Thuận cho biết, theo tự khai thì khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bà Trang đi xe riêng về thẳng nhà và không ghé đâu. Trong bảy ngày từ khi về nước đến lúc nhập viện hôm 9-3, nữ doanh nhân ở nhà, rất ít ra công ty. Bà chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên bán hàng tại công ty.
Ban đầu, bà Trang khai với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận chỉ tiếp xúc với 17 người, gồm: chồng, hai con trai, con dâu, cháu ngoại, mẹ ruột, cô ruột, người giúp việc, tài xế, kế toán, 5 nhân viên bán hàng, hai nữ doanh nhân Bình Thuận (đi cùng chuyến bay QR974 ). Sau đó, bà khai lại, lên 21 người.
Hai hôm trước, công ty thiết bị vệ sinh tại quận 1, Sài Gòn thông báo cho tạm đóng cửa văn phòng và showroom vì 4 nhân viên gặp trực tiếp bà Trang tại Phan Thiết, hôm 3-3. Những người tiếp xúc với bà Trang tự đến cơ quan y tế khai báo, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay, hai nhân viên đã dương tính nCoV, đang điều trị tại Sài Gòn. Ngành y tế Bình Thuận đã hoàn toàn bất ngờ về thông tin này.
Bác sĩ Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, ban đầu bà Trang thiếu sự hợp tác, nên khó xác định được danh sách F1. Đến chiều 14-3, qua nhiều lần lấy lời khai y tế, tỉnh Bình Thuận đã xác định thêm một số trường hợp khác, tổng cộng đã có 31 người từng tiếp xúc gần với bà này và 100 người thuộc diện F2. Ông Hồng cho biết nhóm 4 nhân viên công ty thiết bị vệ sinh ra Bình Thuận tiếp xúc với bà Trang chưa được tính vào 31 người F1 trên. Ngoài ra, một số người khác cũng đã tiếp xúc với bà vào sáng 2-3 tại Sài Gòn, tuy nhiên ông Hồng nói chưa rõ những người đó là ai.
“Để tránh bỏ lọt F1, kiểm soát tốt hơn nguồn bệnh, tới đây chúng tôi buộc phải phối hợp với Công an tỉnh để truy tìm thêm trường hợp có khả năng đã tiếp xúc với bà ấy”, bác sĩ Hồng cho biết.
“Nồng độ virus của bệnh nhân cao, bệnh trong thời kỳ khởi phát nên cơ thể thải virus mạnh. Người tiếp xúc gần hít phải giọt bắn nhỏ hoặc dịch tiết của người này dễ lây bệnh”, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam nhận xét trường hợp ‘bệnh nhân 34’ – Đặng Thị Lynh Trang.
Bệnh nhân từ Mỹ về ngày 2-3, ngày 5-3 có triệu chứng ho, sốt nhưng đến 9-3 mới vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận khám và cách ly. Nếu bà Lynh Trang có ý thức tốt vì cộng đồng, chắc không đến nỗi khiến Sài Gòn lâm vào cảnh tình hiện tại.
Bệnh dịch không chỉ thử thách sức đề kháng của con người sinh học, chúng là chất thử nghiệt ngã đối với con người xã hội, kinh tế và chính trị. Sau hàng triệu năm tiến hóa sinh học và kỹ thuật tổ chức xã hội, có lẽ nỗi ám ảnh đó sẽ chưa mất đi trong tương lai gần. Và một Sài Gòn ‘giới nghiêm’ hôm nay cho thấy thử thách nghiệt ngã này vẫn còn nguyên giá trị với những nỗi ám ảnh tương tự như câu chuyện về tháng tư đen ở bốn mươi lăm năm về trước…