Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà báo Phạm Chí Dũng có “chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”?

Pham Chi Dung

Hùng Vân

 

(VNTB) – Trong vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam sắp đưa ra xét xử vào đầu năm 2021 tới đây, nhà báo Phạm Chí Dũng được xem là “bị cáo đầu vụ”.

 

“Chống” để làm gì?

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị cáo buộc “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ghi tại Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (tu chỉnh 2017).

Một luật gia nói rằng nếu căn cứ vào những gì mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từng huấn thị qua những bài diễn văn về sự cầu thị, sự minh bạch của Đảng, thì nhà báo Phạm Chí Dũng với các bài báo của ông đã không nhằm tới “chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, mà là đang giúp củng cố thêm nền tảng của pháp chế XHCN, thông qua việc nhà báo Phạm Chí Dũng kiên trì phản biện từng chính sách, quyết sách và cả việc thể hiện quyền giám sát công dân qua việc quan sát đa chiều về những chính khách.

“Tôi nghĩ rằng với kiến thức của một cựu sĩ quan an ninh được đào tạo bài bản, sống trong nề nếp gia phong của gia đình người cộng sản trí thức gốc Đồng Tháp, chắc hẳn ông Phạm Chí Dũng hiểu rõ cần đóng góp gì để xây dựng một thể chế giúp Việt Nam hùng cường hơn. Ông ấy cũng hiểu rất rõ lằn ranh nhập nhằng giữa dân sự – hình sự trong công việc phản biện. Ông chấp nhận cái giá phải trả với tâm thế của người sẳn sàng luôn bật que diêm để tìm ánh sáng, và ông sẳn sàng bật đến diêm quẹt cuối cùng…” – vị luật gia, nhận xét.

Nói một cách khác, diễn giải ý tứ của phát biểu trên, đó là quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Yêu cầu đặt ra là Đảng phải luôn đảm bảo được tính chính đáng trong cầm quyền của mình thể hiện uy tín, sự tin tưởng, sự cuốn hút của Đảng đối với Nhân dân; tính hiệu quả trong lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của Nhân dân.

Do đó, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nhất nguyên luôn phải là độc tài?

Nhà nước pháp quyền XHCN là một mô hình nhà nước mà Việt Nam đang hướng tới, trong đó kết hợp giữa một số yếu tố cơ bản của “xã hội pháp quyền” với đặc thù của hệ thống chính trị nhất nguyên, do một đảng chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tính nhất nguyên còn thể hiện ở chỗ, mặc dù có tiếp thu những yếu tố hợp lý của các học thuyết chính trị, pháp lý khác, song nền tảng tư tưởng về tổ chức, vận hành của bộ máy nhà nước và quản lý xã hội, là chủ nghĩa Mác Lênin. Vì vậy, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và vận hành của một “xã hội pháp quyền” theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

“Xã hội pháp quyền” theo nghĩa hẹp thể hiện ở việc hạn chế sự tùy tiện trong việc sử dụng quyền lực nhà nước, mà điều này đòi hỏi phải “ràng buộc quyền lực vào các đạo luật được xây dựng rõ ràng và chặt chẽ” (1). Đây chính là một đòi hỏi về sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực thi pháp luật, để có thể “buộc các quan chức chính quyền và công dân phải hành xử phù hợp với pháp luật” (2).

“Xã hội pháp quyền” theo nghĩa rộng được hiểu là “một hệ thống/cơ chế mà trong đó không có chủ đề nào, ngay cả nhà nước, đứng trên pháp luật; nơi mà pháp luật bảo vệ các quyền cơ bản và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với công lý” (3).

Hệ thống/ cơ chế đó không thể xây dựng và vận hành được trong bối cảnh thiếu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Để buộc mọi cá nhân, tổ chức, thiết chế, cả công và tư, đều phải tuân thủ pháp luật thì pháp luật phải được xây dựng một cách minh bạch, được công bố công khai, được áp dụng bình đẳng.

Những bài báo của ông Phạm Chí Dũng trên VOA (4) đã luôn yêu cầu cần minh thị về mọi cá nhân, tổ chức trong bộ máy đương quyền.

Ông Phạm Chí Dũng có học vị tiến sĩ với người thầy hướng dẫn là giáo sư Trần Trung Hậu – một chuyên gia về “Kinh tế chính trị học Mác Lênin”, do đó ông Phạm Chí Dũng hiểu rất rõ rằng nguyên tắc thượng tôn pháp luật đòi hỏi các chủ thể có liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật, và trách nhiệm giải trình trước các chủ thể khác, từ đó mới có thể tạo lập sự tin cậy, tính công bằng trong áp dụng pháp luật, ngăn ngừa sự tùy tiện trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Cần giải trình thay cho bàn tay sắt lúc đối diện phản biện

Mặc dù không hoàn toàn đồng nhất với “xã hội pháp quyền”, nhưng do kết hợp nhiều yếu tố của “xã hội pháp quyền” nên công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và vận hành Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Cụ thể, vị trí, vai trò của công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình thể hiện rõ nhất qua việc những vấn đề này là cơ sở để hiện thực hoá hai đặc trưng cơ bản sau đây của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam:

Thứ nhất, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Đặc trưng này có nghĩa là Nhà nước phải công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trước Nhân dân; nó cũng có nghĩa Nhân dân – với tư cách là chủ thể lập nên Nhà nước – có quyền yêu cầu Nhà nước phải công khai, minh bạch cũng như phải báo cáo, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về tổ chức và hoạt động của mình.

Thứ hai, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước của Nhân dân thông qua các tổ chức xã hội.

Trong đặc trưng này, việc các cơ quan nhà nước thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình vừa là một yêu cầu, vừa là một điều kiện để Nhân dân có thể thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình với hoạt động của các cơ quan.

Như vậy, trở lại với các bài báo của ông Phạm Chí Dũng, vì sao nhà chức trách không ‘tiếp nhận’ để hiểu cần phải giải trình minh bạch mọi ý kiến đóng góp, chê trách, thậm chí là chỉ trích, đả kích?.

“Tôi nghĩ rằng cần có những kênh truyền thông đối thoại dân chủ, không chịu các định hướng tuyên truyền nào của tuyên giáo, để các tiếng nói phản biện thêm cơ hội tiếp cận những nhà quản lý, những chính khách. Khi ấy chắc chắn sẽ giảm được rất nhiều tình cảnh của các tù nhân lương tâm hiện nay!” – vị luật gia ở phần đầu bài viết, đề xuất.

_________________

Chú thích:

(1) Trần Ngọc Đường, Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Tuyên giáo, ngày 2/1/2016, http://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-83808.

(2) Lương Đình Hải, “Xây dựng nhà nước pháp quyền và vấn đề dân chủ hoá xã hội ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 1 (176), tháng 1-2006.

(3) Trần Đại Quang, “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/tiep-tuc-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-cua-nhan-dan-do-nhan-dan-va-vi-nhan-dan-282706

(4) https://www.voatiengviet.com/z/4579


Tin bài liên quan:

VNTB – Phạm Chí Dũng sẽ không kháng cáo

Phan Thanh Hung

VNTB- Mỹ chuyển giao vai trò ‘đối thoại nhân quyền Việt Nam’ cho Nghị viện châu Âu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Võ Văn Thưởng gài bẫy hay thách thức người dân phản biện?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.