Lâm Viên
(VNTB) – Người dân Đà Lạt đang phải trả giá cho chuyện quản trị đô thị yếu kém, khi chính quyền vì lợi nhuận đã bất chấp các khuyến cáo về giữ gìn không gian xanh
Thành phố Đà Lạt hôm 26-6 lại bị ngập đến mức nước tràn vào nhà người dân cao đến nửa thước.
Vẫn là cách giải thích quen thuộc từ mấy năm trước cho chuyện này: Phát triển ồ ạt nhà kính làm nông nghiệp và bê tông hóa quá nhanh chiếm hết không gian xanh khiến Đà Lạt thường ngập úng khi mưa lớn.
Cuối thập niên 1990, Đà Lạt chỉ có rải rác một số nhà kính, hiện nay diện tích các nhà kính tăng lên khoảng 10.000 ha trong tổng số 18.000 ha trồng rau quả. Nhà kính tập trung ở tất cả phường xã, thậm chí một số nơi trong nội thành có mật độ nhà kính dày đặc như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12.
Nhìn từ trên cao, không gian thành phố bị nhà kính lấn át, rừng thông chỉ lác đác một số cụm ở ngoại ô.
Những nơi có nhà kính, khả năng thẩm thấu nước gần như bằng không. Nước từ mái nhà kính qua máng gom sẽ chảy xuống suối, hay thậm chí chảy xuống những mương thoát nước sinh hoạt, tạo thành những dòng nước lớn gây ra ngập úng. Trong khi đó, nhiều hồ nước như Vạn Kiếp, Thanh Niên, Tâm Sự, Đa Thiện 1, Đa Thiện 2… cũng bị xoá sổ, thu hẹp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thoát nước không kịp mỗi khi mưa lớn.
Giới kiến trúc cho rằng người dân Đà Lạt đang phải trả giá cho chuyện quản trị đô thị yếu kém, khi lãnh đạo chính quyền nơi đây vì lợi nhuận đã bất chấp các khuyến cáo về giữ gìn không gian xanh để rồi cấp phép đầu tư những công trình có khối tích lớn nhỏ đều dồn vào trung tâm thành phố, khiến vùng nội ô Đà Lạt gặp rủi ro trong quá trình phát triển chung.
Trong một hội thảo, ông Vũ Ngọc Long – cựu viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người thường xuyên có những phản biện chuyên môn cho các dự án phát triển Lâm Đồng và là người đang thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan – đã đại ý nói rằng Đà Lạt là nơi có khí hậu ôn hòa nên khi nhà kính mọc lên tràn lan, mọi người chỉ thấy cảnh quan bị phá vỡ mà ít cảm nhận đến một sự thay đổi về nhanh chóng về khí hậu, hệ sinh thái ở đây.
“Tôi cho rằng đối với một vùng khí hậu đặc biệt như Đà Lạt thì đó là sự thay đổi nghiêm trọng, có thể dùng từ khủng khiếp và đến lúc khó vãn hồi. Không chỉ tôi mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo với cơ quan chức năng rằng nhà kính đã và đang phá hủy cảnh quan mộng mơ và và ‘sức khoẻ’ hệ sinh thái của Đà Lạt”, ông Long nói.
Hiện trạng xây dựng nhà kính được phát triển một cách tự do và gần như thả nổi tùy vào “sức mạnh” của từng hộ gia đình. Cơ quan địa phương dường như không có ý định quản lý việc phát triển nhà kính tại khu vực vườn của giai đoạn hay đất thuê mướn.
Ông Vũ Ngọc Long nói rằng mấy năm về trước ông đã lên tiếng cho rằng Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cần đánh giá lại toàn diện các yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị và cả yếu tố lâu nay phía nhà quản lý bỏ ngỏ là tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc đánh giá sẽ cho những cơ sở quan trọng để phòng chống lũ lụt. Tiếc là không có ai cầu thị tiếp nhận.
Ai đã từng đến Đà Lạt trước 1975 và khoảng 10 năm sau đó, bây giờ nếu trở lại Đà Lạt đều khó nhận ra thành phố mà mình say đắm. Hiện nay Đà Lạt chỉ mát mẻ, lạnh ngọt vào mùa đông hoặc vào buổi tối, trừ mùa khô. Ngay cả những đám mây lang thang trong sương khói Đà Lạt huyền ảo ngày nào cũng ngày càng ít đi. Đà Lạt đang khô khốc, thiếu sương mờ và những đóa hoa tường vi, mimosa kém lãng mạn đi trong cái không gian bị đè nén đó.
Hãy dừng lại các dự án bất động sản, xây biệt thự, phân lô bán nền mà phải trả giá bằng cái chết của rừng thông. Đà Lạt không còn những rừng thông thì thành phố mộng mơ sẽ là thành phố ngập lụt.