Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhân sự chính trường Việt Nam sẽ thay đổi trước thềm Giáp Thìn

Nguyễn Nam

 

 

(VNTB) – Chiều hôm nay 8-1-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc phiên họp 29 và cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp bất thường, xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

 

 

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, tại Điều 53. Trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, thì khả năng nhân sự biến động có phổ khá rộng, không dễ đoán định:

“1. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội.

2. Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Hội đồng dân tộc, quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc.

Quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên Ủy ban, quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

3. Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Phê chuẩn kết quả bầu và việc cho thôi làm Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

5. Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Thử suy luận bằng phương pháp loại trừ tính trên căn cứ mức độ quan trọng của kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 1-2024, thì các chức danh sau đây được ‘điểm danh’: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là hai “cột trụ” tin rằng vẫn “bất khả chiến bại”, trong đó có đồn đoán ông Huệ sẽ khả năng kế nhiệm vị trí Tổng bí thư Đảng ở nhiệm kỳ mới. Các vị trí còn lại đều khả năng “đi – ở” 50/50.

Dĩ nhiên kịch bản nhẹ nhàng hơn cũng có thể xảy ra: thay đổi nhân sự Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội.

Thông thường thì quy trình nhân sự cấp cao theo trình tự ở Quốc hội được diễn ra theo các bước: tại kỳ Hội nghị Trung ương nào đó, Trung ương sẽ bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước. Lưu ý trước đó Bộ Chính trị cũng đã báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định.

Theo lịch trình, Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 1,5 ngày: chiều 08 đến ngày 09-01-2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.

Ngoài vấn đề nhân sự, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian để tiến hành: (1) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); (2) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); (3) xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về:

(1) dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

(2) việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ban Kinh tế Trung ương đã “tham mưu” được gì cho Bộ Chính trị?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Kỷ luật nhiều cựu quan chức của tỉnh Bình Thuận: giơ cao, đánh khẽ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyết định hành chính cao hơn luật?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo