VNTB – Nhân sự đại hội 13 sẽ đột biến?

VNTB – Nhân sự đại hội 13 sẽ đột biến?

Quang Thành 

 

(VNTB) –  Khủng hoảng nhân sự cấp cao đã xảy ra từ năm 2018 khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời và sẽ vẫn là vấn đề nan giải cho kỳ đại hội 13 sắp tới.

 

Hội nghị TƯ 13 hiện đang được tiến hành tại Hà Nội để bầu ban bí thư TƯ để sau đó ban bí thư TƯ mới sẽ tiến hành bầu nhân sự cho Bộ Chính Trị và ban bí thư khoá 13.

Đó là lời diễn giải của ông Nguyễn Phú Trọng về trách nhiệm chuẩn bị nhân sự đảng cho kỳ đại hội vào năm sau.

Từ đầu năm nay đã có nhiều lời đồn đoán về “tứ trụ” hoặc “tam mã” từ các nhà quan sát trong và ngoài nước. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa đại hội 13 sẽ diễn ra nhưng mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ và mọi sự vẫn trong vòng bí mật.

Tuy nhiên những dự báo dù là tam mã hay tứ trụ đều hướng về phía hai nhân sự cấp cao nhất về phía ông Nguyễn Xuân Phúc và Trần Quốc Vượng vì ông Trọng sẽ nghỉ sau khi đảm nhiệm hai nhiệm kỳ Tổng Bí Thư.

Báo Nhật Nikkei đầu tháng 12 dự đoán đến khả năng đột phá là Việt Nam sẽ có một nữ Tổng Bí Thư vào tháng Giêng tới. Dựa vào những phân tích dựa vào sự tiến bộ xã hội của phụ nữ như nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu vào năm 2016. Đến năm 2018 nữ Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có thời gian giữ quyền Chủ tịch nước sau khi Chủ Tịch nước lúc ấy là Trần Đại Quag qua đời vì bạo bệnh.

Đúng là Việt Nam ngày càng thể hiện việc tôn trọng nhân quyền trong khía cạnh đề cao nữ quyền và bình đẳng giới. Bằng chứng gần đây nhất là phê chuẩn bổ nhiệm tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho bà Nguyễn Thị Hồng.

Trước đại hội 12 cũng đã từng có đồn đoán bà Nguyễn Thị Kim Ngân có khả năng được bổ nhiệm làm nữ Thủ tướng đầu tiên, Tuy nhiên để có một nữ lãnh đạo ngồi vào chức Thủ tướng, Chủ tịch nước hày Tổng bí thư thì có lẽ Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để vượt qua rào cản của tư tưởng nho giáo.

Ngoài ra vẫn chưa có thể nhận thấy có một lãnh đạo nữ nào có khả năng vượt trội hoặc có được cơ hội thể hiện năng lực vượt trội hơn các lãnh đạo nam giới để có thể đảm nhiệm các vai trò trọng trách này.

David Hutt dự đoán bà Ngân nếu không được nhận chức vụ mới thì sẽ nghỉ hưu và ra khỏi Bộ Chính Trị. Nếu so với tuổi nghỉ hưu của lao động nữ bình thường tại Việt Nam là 55 tuổi 4 tháng (1/1/2021) thì lẽ ra bà Ngân, 66 tuổi, đã phải nghỉ hưu hơn chục năm nay.

Người có khả năng lớn sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Quốc Hội của bà Ngân là bà Trương Thị Mai, 62 tuổi, người gốc Quảng Bình và đi lên từ phong trào đoàn thanh niên cộng sản từ những năm 1980 để đảm bảo bình đẳng giới trong dàn lãnh đạo cấp cao. Điều này cũng được nhiều nhà quan sát dự báo.

Hồi tháng Giêng 2020, Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp dự đoán ông Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của ông Trọng sẽ được đưa vào giữ chức Tổng bí thư để nhằm tiếp tục di sản chống tham nhũng của ông Trọng là chiên dịch chống tham nhũng.

Ông Lê Hồng Hiệp cũng đề cập đến khả năng là ông Trọng sẽ tiếp tục ở lại để kèm cặp đệ tử của mình cho đến khi cứng cáp. ông Trần Quốc Vượng là người miền Bắc, có lý lịch trong sạch khiến ông có ưu thế hơn thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc vốn là người miền Trung.

Nhà cựu ngoại giao David Brown cho rằng “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ một sự thay thế hấp dẫn, một nhà lãnh đạo đủ ‘đỏ’ nhưng cũng có tài điều hành chính quyền.”

Với việc vẫn tồn tại và vươn lên làm Thủ tướng sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị phế truất và đã giúp cho Việt Nam đạt được những thành tích về kinh tế trong thời gian qua cũng như trong việc chống dịch, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có thể là một ứng cử viên sáng giá.

Tuy nhiên ông Phúc vẫn không thể đáp ứng được tiêu chí quan trọng đó là không phải là người miền Bắc. Giáo sư Tường Vũ của Đại học Oregon cho rằng ông Phúc thiếu một đặc điểm cốt yếu để lãnh đạo đảng: tư tưởng Mác-Lênin thông qua kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền hoặc kỷ luật.

Nếu ông Phúc đảm nhận chức Chủ tịch nước thì kinh nghiệm đối ngoại khi làm Thủ tướng sẽ được phát huy và đó là lợi thế lớn nhất của ông thủ tướng kiến tạo.

Ông Trần Quốc Vượng sẽ khó có khả năng làm tốt chức Chủ tịch nước vì chỉ có kinh nghiệm về đảng mà không có kinh nghiệm về hành pháp.

Chức Thủ tướng, nếu ông Phúc được đưa sang làm Chủ tịch nước có thể sẽ do ông Phạm Bình Minh đảm nhiệm, một người có kinh nghiệm đối ngoại dày dặn và cũng là người của bên hành pháp.

Căn cứ vào tần suất xuất hiện gần đây để chỉ đạo các cuộc họp quan trọng thì sẽ thấy cái bóng của ông Trọng vẫn quá lớn. Hiện dường như khó có nhân vật nào trong Bộ Chính Trị có thể thay thế được vị trí và tầm ảnh hưởng của ông Trọng.

Đặc biệt là khi chiến dịch đốt lò lại đang được rầm rộ chuyển về phía Nam trong thời điểm ngay trước kỳ đại hội cùng với việc cựu uỷ viên Bộ Chính Trị bị đưa ra hầu toà lần thứ 3 tại Tp. HCM thì khả năng lớn là người đốt lò vĩ đại sẽ tiếp tục ở lại chiếu theo trường hợp đặc biệt.

Khủng hoảng nhân sự cấp cao đã xảy ra từ năm 2018 khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời và sẽ vẫn là vấn đề nan giải cho kỳ đại hội 13 sắp tới.

_______________________________________________________________________________________

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)