Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là ‘ve vuốt bề trên’?

Huy Cương

(VNTB) – Tại sao các vị không luận bàn trách nhiệm chính trị của ông Bộ Trưởng Bộ Giáo dục?

Tranh luận và thể hiện quan điểm khác nhau về một vấn đề là rất bình thường và nên có, nhất là tại diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên xuất phát điểm và mục đích của tranh luận tại Quốc hội lại là vấn đề rất có vấn đề hiện nay ở Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội có sứ mệnh theo Điều 79 của Hiến pháp 2013, là “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước”, và có nhiệm vụ cụ thể là “thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan”.

Vậy mà rất nhiều ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội phản bác lại các ý kiến phát biểu của một số đại biểu Quốc hội khác với lập luận cho rằng: nên phát biểu vừa mức để tuyên truyền cho dân hiểu.

Tôi là một cử tri nên rất tự ái và cho rằng: cử tri chúng tôi chỉ mong muốn các vị đại biểu Quốc hội phản ánh đầy đủ nhất, trung thực nhất ý chí và nguyện vọng của chúng tôi; và không cần các vị tuyên truyền cho chúng tôi, vì chúng tôi mới là người ủy quyền cho các vị, mà về nguyên lý người thụ ủy phải tuân theo chỉ dẫn của người chủ ủy.

Các vị không thể xuất phát từ việc coi mình là các cán bộ Nhà nước mà coi chung tôi (cử tri) là đối tượng để tuyên truyền, bởi Điều 79, khoản 3 của Hiến pháp năm 2013 qui định rành mạch như sau: “Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật”.

Điều luật nói trên xác định rõ phạm vi hoạt động tuyên truyền của các vị. Hoạt động này tốt nhất là vào những thời điểm kết thúc kỳ họp Quốc hội khi các vị tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên rất nhiều người dân từ trước tới nay không được nhìn thấy các vị trong những dịp này dù mong muốn.

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội chê Bộ Giáo dục trong việc thực hiện cải cách giáo dục thông qua những sai lầm nghiêm trọng trong việc biên soạn sách giao khoa Tiếng Việt lớp một.

Một số khác thì tỏ ra bênh vực và nói đỡ dù không phủ nhận việc có “sạn” trong đó. Cuối cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được yêu cầu đăng đàn nói về việc đó. Là một người lịch lãm, ăn nói rành mạch, khôn khéo, khá dứt khoát, nhưng Phó Thủ tướng đã tỏ ra khó bênh vực hoàn toàn cho Bộ Giáo dục vụ này.

Khi có một bên luận tội và có một bên bênh vực, thì việc cần làm ắt hẳn là phải dựa vào chuẩn luật pháp.

Chủ trương cải cách giáo dục là đúng đắn. Nhưng cải cách như thế nào chưa thể là sự thống nhất. Việc viết sách giáo khoa sai như sách giáo khoa Tiếng Việt lớp một là một sự vi phạm rất nghiêm trọng gây cản trở cải cách giáo dục, nếu không muốn nói là phá hoại.

Luật Giáo dục năm 2019 qui định vai trò rất lớn của sách giáo khoa bằng cách qui định ngay trong luật về tầm quan trọng của sách giáo khoa, về trình tự, thủ tục ra sách giáo khoa và ấn định người phải chịu trách nhiệm như sau:

“Điều 32. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông

1. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định như sau:

a) Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử;….

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh”.

Vậy mà có vị đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua đạo luật này, rồi còn dám hạ thấp vai trò của sách giáo khoa, và dùng những từ nhẹ nhàng cho những sai phạm rất nghiêm trọng đó.

Tại sao các vị không luận bàn trách nhiệm chính trị của ông Bộ Trưởng Bộ Giáo dục?

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Người cộng sản làm được tất cả

Phan Thanh Hung

VNTB – Để phòng dịch, sao không bầu cử qua ‘app’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại biểu Quốc hội có phải là Nghị sĩ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo