Mai Lan
(VNTB) – Người thay thế ông Hồ Đức Phớc, theo cơ cấu của Bộ Chính trị, đó là ông Tạ Anh Tuấn, người sắp ngồi vào ghế chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngày 14-11, tại hội nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, ông Hoàng Đăng Quang – ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương – đã trao quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ.
Theo quyết định, ông Tạ Anh Tuấn thôi giữ chức ủy viên Ban Cán sự Đảng, thứ trưởng Bộ Tài chính; được điều động, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ, giữ chức phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2020-2025 và giới thiệu để bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Tạ Anh Tuấn được Trung ương điều động, chỉ định giữ chức vụ phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, giới thiệu bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên sau khi ông Trần Hữu Thế có đơn xin từ chức các chức vụ nêu trên vì bị kỷ luật về Đảng và chính quyền.
Trước khi nhận nhiệm vụ tại tỉnh Phú Yên, ông Tuấn đã kinh qua các chức vụ: tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước; ủy viên Ban Cán sự Đảng, bí thư Đảng ủy, thứ trưởng Bộ Tài chính, được quy hoạch chức danh bộ trưởng Bộ Tài chính giai đoạn 2021-2026.
Ông Hồ Đức Phớc trước khi ngồi vào ghế Bộ trưởng Tài chính, cũng từng trải qua thời gian làm chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, sau đó là Tổng kiểm toán nhà nước và ngày 08-04-2021, ông được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cử, Quốc hội khóa XIV phê chuẩn và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bổ nhiệm ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Đến ngày 28-07-2021, ông được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục đề cử, Quốc hội khóa XV phê chuẩn và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bổ nhiệm ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Hồ Đức Phớc là cựu sinh viên khóa 21 trường đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, nay là Học viện Tài chính. Ông có bằng cử nhân kinh tế chuyên ngành Tài chính của trường đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội.
Ghi nhận trong thời gian là Bộ trưởng Tài chính, ông Hồ Đức Phớc đã giúp tỉ lệ nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm dần. Từ 61,4% GDP (năm 2017) xuống còn 58,3% GDP (năm 2018), 55,9% GDP năm 2020 và đến năm 2021 là 43,1%.
Năm 2022, mức nợ công được dự tính tương đương với năm 2021, khoảng 43 – 44% GDP. Cùng với đó, nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần. Cụ thể, nợ chính phủ cũng giảm từ 51,7% GDP năm 2017 xuống còn đến 39,1% GDP năm 2021. Nợ chính phủ bảo lãnh giảm từ 9,1% GDP năm 2017 xuống 3,8% GDP năm 2021. Nợ chính quyền địa phương năm 2021 chỉ khoảng 0,6% GDP trong khi năm 2017 bằng 1,1% GDP.
Tính đến hết năm 2021, nợ nước ngoài của quốc gia giảm còn 38,4% GDP so với năm 2017 là 49% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 6,2%, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so thu ngân sách nhà nước khoảng 21,8%.
Tuy nhiên theo ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam nhận định, thì dù đạt được những kết quả trong công tác quản lý nợ công, song cơ chế quản lý nợ của Việt Nam dưới thời Bộ trưởng Hồ Đức Phớc vẫn mang tính phân tán, dẫn đến thông tin không tập hợp, thiếu nhất quán nên ảnh hưởng đến việc ra quyết định.
Bên cạnh đó, chính sách quản lý nợ công của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc mới chủ yếu tập trung vào huy động các nguồn vay ưu đãi, còn nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế chưa thực hiện đầy đủ như: Giám sát và đánh giá tất cả các khoản vay và giao dịch nợ để đảm bảo phù hợp với các thông số rủi ro đề ra trong chiến lược nợ; giám sát rủi ro toàn bộ danh mục nợ chính phủ, kết nối giữa chính sách quản lý ngân quỹ và quản lý nợ công, cơ sở dữ liệu chia sẻ chung về nợ công…
Gần đây nhất là xảy ra lùm xùm ‘lời qua tiếng lại’ trong chuyện quản lý xăng dầu giữa Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, và cái kết thì xăng dầu tiếp tục ách tắc kéo dài…