VNTB – Ông Vương Đình Huệ vi phạm điều nào trong số “những điều đảng viên không được làm”?

VNTB – Ông Vương Đình Huệ vi phạm điều nào trong số “những điều đảng viên không được làm”?

Thạch Hãn

 

(VNTB) – Văn phòng Trung ương Đảng đưa ra lý do rất chung chung cho cáo buộc vi phạm khiến ông Vương Đình Huệ phải từ chức

 

Trong thông cáo báo chí phát hành vào cuối giờ chiều ngày 26-4-2024, Văn phòng Trung ương Đảng có đoạn viết: “Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Vương Đình Huệ đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, ông Vương Đình Huệ đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”.

 

Vết xe đổ sẽ còn tiếp tục mọi chuyện vẫn trong bóng tối

Thắc mắc cần được làm rõ để giúp tránh vết xe đổ cho các đồng nhiệm đảng viên của ông Vương Đình Huệ, đó là trong nội dung của Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25-10-2021, thì đảng viên Vương Đình Huệ đang mắc vào điều nào?

Đơn cử ở điều 1 của Quy định 37-QĐ/TW, “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”, được Hưởng dẫn thực hiện số 02-HD/UBKTTW do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng Trần Cẩm Tú ký ban hành ngày 29-11-2021. Theo đó, “đảng viên không được:

1. Phát ngôn, trả lời phỏng vấn, viết bài cho báo chí, trang thông tin điện tử (kể cả báo chí nước ngoài), sử dụng không gian mạng để đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin những nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ hoặc không chỉ đạo, triển khai thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng, của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình.

3. Làm những việc pháp luật cấm hoặc pháp luật chưa quy định khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.

Ở điều 3 của Quy định 37-QĐ/TW, có nội dung đảng viên không được, “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.

Nội dung này cho thấy trùng với lý do nêu ở Thông cáo báo chí chiều ngày 26-4-2024, và điều 3 đó được hướng dẫn là: “Đảng viên không được:

1. Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng. Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

2. Không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng. Thâu tóm quyền lực, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân. Cơ hội, vụ lợi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể. Chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước.

3. Đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu diếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; không bảo vệ nhân tố tích cực, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

4. Độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, không tôn trọng ý kiến của tập thể. Quan liêu, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị. Không gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị và của quần chúng nhân dân; không giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”.

Ngoài ra ở đây cũng có thể ông Vương Đình Huệ vi phạm “điều 14. Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức; tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hoạt động rửa tiền, đi vay, cho vay trái quy định của pháp luật”.

 

Đảng nên chấm dứt việc tiếp tục mị dân

Nếu thực sự như khẩu hiệu “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” nêu ở Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 29-11-1984 của Ban bí thư Trung ương Đảng, thì người dân cần biết rõ nguyên do đưa đến “tự bãi nhiệm” của đảng viên Vương Đình Huệ (cũng như một tháng trước đó là với Võ Văn Thưởng), để họ có thể ‘biết đúng’ nhằm ‘bàn trúng’; thay vì là những đồn đoán này nọ càng khoét sâu hơn chuyện mất niềm tin trong “Ý Đảng – lòng Dân”.

 


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 weeks

    Ô Huệ có con học ở Mỹ, đó là đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh