Thới Bình
(VNTB) – “Việc từ chức của cán bộ cần xuất phát từ sức ép trong nội bộ Đảng cũng như trong xã hội, buộc người vi phạm, hạn chế phải từ chức”
Tổng bí thư cho biết Trung ương hoan nghênh cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, tinh thần là không làm được thì xin chuyển sang việc khác thích hợp hơn.
Thường trực Ban Bí thư ông Võ Văn Thưởng thì quyết liệt hơn trong triển khai ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo đó, “việc từ chức của cán bộ cần xuất phát từ sức ép trong nội bộ Đảng cũng như trong xã hội, buộc người vi phạm, hạn chế phải từ chức”.
Có ý kiến: nếu làm như lời của ông Thường trực Ban Bí thư, hóa ra nền tư pháp Việt Nam không có nguyên tắc “suy đoán vô tội”?
Cá nhân người viết bài này cho rằng việc tạo sức ép để cán bộ lãnh đạo nào đó từ chức là giải pháp tình thế cần được lựa chọn ở bối cảnh như lời của nguyên Thường trực Ban Bí thư, đồng thời cũng là cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – ông Trần Quốc Vượng, “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi” – trích phát biểu của ông Trần Quốc Vượng tại tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Vì sao lại chọn việc “tạo sức ép trong nội bộ Đảng” để quan chức lãnh đạo nào đó từ chức, thay vì mọi chuyện phải theo trình tự của pháp luật hình sự hoặc dân sự tương ứng?
Xin được thuật lại diễn biến phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng mà lúc đó người viết tham dự với tư cách là phóng viên của một tòa soạn báo chí chuyên trách mảng pháp luật.
Hôm ấy là trung tuần tháng 5-2018, tại phiên phúc thẩm vụ án Đinh La Thăng và 13 bị cáo kháng cáo trong vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Có một tình tiết đáng chú ý, “Bị cáo Đinh La Thăng bị cáo buộc là người quyết liệt chỉ đạo, thúc ép các cấp, từ lãnh đạo ban tổng giám đốc PVN tới Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) – công ty con của PVN và là chủ đầu tư phải ký kết hợp đồng chỉ định thầu cho PVC.
Đinh La Thăng biết rõ hợp đồng số 33 chỉ định tổng thầu EPC (thi công nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, trị giá 1,2 tỉ USD) là thiếu sót, vi phạm pháp luật nhưng vẫn thúc ép, buộc phải chuyển tiền tạm ứng cho PVC hơn 6 triệu USD và hơn 1,3 ngàn tỉ đồng.
Cấp sơ thẩm và Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Thăng như vậy dựa vào chứng cứ vật chất nào? Không có bất cứ chứng cứ vật chất nào thể hiện điều đó trong hồ sơ vụ án. Tất cả dựa vào lời khai của ông Vũ Huy Quang – nguyên tổng giám đốc PVPower” – phía luật sư bảo vệ ông Đinh La Thăng, phát biểu tranh luận.
Lời khai của ông Vũ Huy Quang bị các luật sư dẫn ra với thái độ rất gay gắt: “Ông Quang trực tiếp ký hợp đồng 33. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, đưa hàng chục cán bộ, lãnh đạo PVN, PVC ra toà với tư cách bị cáo.
Vậy nhưng ông này ngồi ngoài với tư cách nhân chứng. Với mong muốn bảo toàn tư cách nhân chứng, vì quyền lợi của mình, cung cấp lời khai bảo vệ mình, đổ lỗi cho những người khác thì làm sao đảm bảo tính khách quan của lời khai?.
Trong cuộc họp có hàng chục người, ai cũng khẳng định không nghe, không thấy, không biết, chỉ một mình ông Quang khai có báo cáo thì lại được tin và căn cứ vào đó để xử lý, buộc tội các bị cáo.
Tất cả chứng cứ vật chất khác trong vụ án không có giá trị bằng một lời khai như thế? Tại sao có cách tư duy, đánh giá pháp lý kỳ lạ như thế, nó lại được dùng làm căn cứ để buộc tội bị cáo?
Những hành vi gian dối, làm giả hàng loạt căn cứ làm hồ sơ ký hợp đồng, lấy số công văn khống để ký hợp đồng, từ hợp đồng tạo ra hàng loạt sai phạm dẫn tới hệ luỵ của vụ án nhưng tới nay thì tất cả bị cáo bị xử lý, còn người trực tiếp ký lại không. Như vậy có sự công bằng hay không?”, phía luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng bức xúc trình bày.
Theo các luật sư, toàn bộ hồ sơ, tài liệu có trong vụ án đều thể hiện ông Đinh La Thăng có chỉ đạo, thúc ép tiến độ thực hiện dự án, nhưng đều chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật.
Việc PVPower đề xuất tăng vốn để tạm ứng tiền cho PVC bị ông Thăng từ chối tới hai lần là minh chứng cho việc ông Thăng không cố ý buộc PVPower ứng tiền cho PVC. Trong văn bản chỉ đạo, được dùng làm căn cứ buộc tội bị cáo Đinh La Thăng thể hiện bị cáo kết luận: “Phải sử dụng vốn cho dự án theo quy định pháp luật, không được phép dùng vào mục đích khác?”.
Bổ sung phần bào chữa của các luật sư, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định: “Quan điểm của Viện Kiểm sát không hề thay đổi, cập nhật so với cấp sơ thẩm. Hành vi nào cũng đổ lỗi cho một mình tôi chịu trách nhiệm, dù 6 cấp lãnh đạo, từ chính phủ trở xuống nhưng tôi là người phải chịu hết.
Tôi càng nói, càng trình bày, dẫn chứng các bằng chứng thể hiện tôi không phạm tội cố ý làm trái thì lại càng bị cáo buộc nặng hơn, cho rằng quanh co chối tội, không thành khẩn”…
Như vậy, giả dụ khi ấy lúc còn đương chức, ông Đinh La Thăng bị “sức ép từ chức”, có lẽ ông sẽ không hầu tòa để chua chát “Hành vi nào cũng đổ lỗi cho một mình tôi chịu trách nhiệm, dù 6 cấp lãnh đạo, từ chính phủ trở xuống nhưng tôi là người phải chịu hết…”.
Xem ra “từ chức” còn là cách “bịt miệng” về những lời khai các sai phạm của cấp trên lúc đáo tụng đình, mang tính… tế nhị nhất.
Từ sự việc trên, người viết bài này muốn nói rằng những gì diễn ra ở hội nghị được triệu tập bất thường của Bộ Chính trị vào buổi chiều cuối năm 30-12-2022, có thể hai vị quan chức cấp phó thủ tướng sẽ bị ‘trảm’ như đồn đoán, nhưng thật sự là sai phạm nếu có ấy, phải chăng chỉ dừng lại ở phần nhân sự đó? trong khi những lúc tụng ca người ta luôn thấy thậm xưng của “cả hệ thống chính trị” cũng vào cuộc…