VNTB – Phạm Minh Chính chỉ đóng trò Nói vậy mà không là vậy thay cho Nguyễn Phú Trọng! (Bài 4)

VNTB – Phạm Minh Chính chỉ đóng trò Nói vậy mà không là vậy thay cho Nguyễn Phú Trọng! (Bài 4)

Âu Dương Thệ

 

(VNTB) – Vào giai đoạn này một người ham quyền như Nguyễn Phú Trọng nên đã tung hứng với người quyền uy Đỗ Mười để được cất nhắc vào vị trí quan trọng hơn

 

Phần III: Những người có “quyền uy” chỉ huy những người có “quyền lực” 

 

                                  

Cũng như trước ĐH 8 không lâu đương kim TT Võ Văn Kiệt đã viết thư cho BCT ngày 9.8.1995 để góp ý. Ông đã nêu ra nhiều đề nghị sửa đổi căn bản về tổ chức nội bộ của ĐCS, như từ bỏ nguyên tắc “tập trung dân chủ”, giới hạn tối đa DNNN tới chính sách ngoại giao độc lập. Đối lại khi ấy Đỗ Mười, Nguyễn Phú Trọng và Lê Khả Phiêu đã lên tiếng bài bác và chỉ trích quan điểm của Võ Văn Kiệt, (như đã trinh bầy trong Chương ba, XII). Trong dịp kỉ niệm 30 năm sau 30.4.1975 và nhất là không lâu trước ĐH 10, nhiều nhân vật đương quyền hay đã về hưu cũng lại công khai trình bày lập trường và quan điểm đối chọi nhau. Mặc dầu cũng như lần trước, họ không nêu đích danh  nhau để tố và phản kích. Ngoài Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt, lần này còn có sự tham gia của Lê Đức Anh và Nguyễn Phú Trọng, một ngôi sao chính trị đang lên đã tích cực nhập cuộc tranh luận, nhất là sau khi hai tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Nam Khánh tố cáo những việc tìm cách lộng hành quyền lực và ếm nhẹm các hành vi được coi là vi phạm nghiêm trọng tới Điều lệ đảng.

Trong dịp kỉ niệm 60 năm CM Tháng 8 (8.1945-8.2005) trên trang nhất tờ Nhân dân ngày 29.8.05 đã phổ biến bài “Đại đoàn kết dân tộc -cội nguồn sức mạnh của chúng ta” của Võ Văn Kiệt. Ngay phần mở đầu ông Kiệt đã ca tụng HCM về chính sách đại đoàn kết thời trước 1954. Nhưng liệu Võ Văn Kiệt có thực tình tin thực tâm của người sáng lập ĐCS hay không, hay chỉ mượn tiếng, mượn danh nghĩa để chống các đồng liêu? Vì liền đó cựu TT Võ Văn Kiệt đã chỉ trích thẳng thắn ngay từ khi HCM còn đang cầm quyền: “Tiếc rằng một số năm sau tư tưởng Đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc một chiều.” Tiếp đó ông liệt kê những chính sách sai lầm trong vấn đề này từ sau khi nắm quyền ở miền Bắc và đặc biệt ở miền nam từ 1975. “Trong các chiến dịch Cải cách ruộng đất và Cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã bị đối xử không còn như bạn bè, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.”

Ông Kiệt kể lại thời hoạt động bí mật ở Sài gòn-Chợ lớn tiếp xúc với nhiều giới của VNCH. Sau 1975 nhiều giới, kể cả cựu binh sĩ VNCH, muốn sống hòa bình và sinh sống trên quê hương,  Mĩ cũng muốn sớm “bình thường hóa”. Nhưng theo ông, “rất tiếc là ý thức Đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng-thua, bởi những kì thị ta-ngụy.” Tiếp đó cựu TT Võ Văn Kiệt liệt kê những sai lầm nghiêm trọng khác của phe chiến thắng: 

“Cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam và việc tập hợp hóa nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này ĐH Đảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho Cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng. Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lí xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kì thị thành phần…đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi.

Những tổn thất kể trên ít nhiều đã trực tiếp liên quan tới nhiệm vụ của tôi, một người lãnh đạo thành phố mang tên Bác. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà trí thức, nhà công thương trước khi rời quê hương vẫn trăn trở cân nhắc, rồi cũng phải “liều mình nhắm mắt đưa chân”. Mặc dầu trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình, Thành ủy chúng tôi cũng đã chân tình giúp đỡ và động viên nhiều anh chị em, nhưng tôi vẫn thấy lúc bấy giờ Thành ủy vẫn có nhiều bất lực và có phần trách nhiệm về tình hình đó.” 

Đây chính là thời kì Đỗ Mười thực hiện quyết định của BCT do Lê Duẩn cầm đầu, phát động phong trào đánh “tư sản mại bản” ở miền Nam. Trong khi ở trong nước chủ trương đàn áp và đày ải nhân dân đồng thời phá hủy các động lực phát triển của đất nước; còn trên bình diện đối ngoại những người có trách nhiệm của chế độ toàn trị -theo Võ Văn Kiệt- vì mù quáng ý thức hệ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội: “Trên bình diện quốc tế, một số chủ trương cứng rắn quá mức cần thiết đã làm cho VN lâm vào tình cảnh thêm thù bớt bạn, mà thực ra không phải là hoàn toàn không tránh được. Kết quả là VN bỏ lỡ rất nhiều vận hội. Tiếp đó là những năm tháng đầy khó khăn, với những khủng hoảng kéo dài. Đó chính là một bài học lớn của lịch sử.”

Rút kinh nghiệm đau thương của VN và nhiều nước Võ Văn Kiệt đã đưa ra bài học: “Thời bình cũng không khác trong thời chiến về một chân lí muôn thuở: Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Kể cả những nước nhỏ, nếu có những yếu tố đó thì cũng vẫn tạo ra thế mạnh. Ngược lại nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối dịch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng…

Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng, nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh VN trên trường quốc tế?…

Ngày nay nước ta không còn những kẻ xâm lược. Nhưng kẻ thù vẫn còn. Kẻ thù đó là sự nghèo nàn, lạc hậu. Lạc hậu thì sẽ tụt hậu. Tụt hậu thì khó thoát khỏi vòng lệ thuộc. Tất cả những ai có thể góp một phần vào việc chống kẻ thù đó đều nên và có thể có mặt trong hàng ngũ của chúng ta. Muốn thế cần phải ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở…”(1)

***

Cũng chính vào thời gian không lâu trước ĐH 10, có lẽ nhằm phê bình thái độ “thái thượng hoàng” của Đỗ Mười đối với Nông Đức Mạnh và BCT, nên Võ Văn Kiệt đã gửi thư dài 19 trang „Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lí luận và thực tiễn 20 năm đổi mới“  tới BCT và TUĐ vào tháng 2.05 (2)   Trong thư ông Kiệt đã đi thẳng vào vấn đề rất nổi cộm trong dư luận cả trong đảng lẫn ngoài xã hội, nhưng ít người dám hé miệng phản đối, ngoại trừ Tướng Võ Nguyên Giáp và cựu UVBCT Nguyễn Đức Tâm vài năm trước đã dám đặt thẳng với BCT, đặc biệt là đối với Đỗ Mười và Lê Đức Anh, về thái độ lộng quyền khi ấy của hai người này trong việc ép Lê Khả Phiêu không được tiếp tục làm TBT.

Võ Văn Kiệt lên tiếng cảnh báo về một nguy cơ bất thành văn đang trở thành tệ trạng khiến cho đảng  ngày càng bị tê liệt, khiến cho những người lãnh đạo không dám đổi mới thực sự. Vì họ không có thực quyền. Họ chỉ là cánh tay dài của một vài nhân vật tuy không còn quyền lực, không còn giữ một chức vụ gì, nhưng lại vẫn có quyền uy rất cao, rất mạnh. Về hình thức, những người từng giữ các chức vụ cao như TBT, CTN, TT và CTQH hay một vài ủy viên BCT quan trọng, khi về hưu sẽ không còn giữ chức vụ gì trong đảng và nhà nước và vì thế theo nguyên tắc, họ không còn ảnh hưởng tới những quan chức đương nhiệm. Nhưng trong thực tế thì lại hoàn toàn khác. Dưới chế độ toàn trị ở VN đầy bưng bít lại kèm theo hủ tục Á Đông đề cao truyền thống đóng cửa bảo nhau, nên những nhân vật này trước sau vẫn có quyền uy lớn và họ thường sử dụng quyền uy này để ảnh hưởng lên các quyết định quan trọng cả trong chính sách lẫn nhân sự. Dưới chế độ khép kín nên qui luật bất thành văn này được người có chức công nhận tự nhiên, hoặc phải thừa nhận nếu muốn tồn tại.

Trong một xã hội toàn trị con người đã được đào tạo theo tâm lí đe dọa và khủng bố “còn đảng còn mình”, chỉ vào (đảng) chứ không thể ra (an toàn) được.  Nhiều giới trong đảng và xã hội thấy được lối tổ chức bán chính thức này đã thành hình từ nhiều thập kỉ qua nhiều thời đại TBT hay Chủ tịch đảng từ HCM, Trường Chinh, Lê Duẩn tới  Đỗ Mười… Nhưng mãi tới cựu TT Võ Văn Kiệt mới nói rõ sự hiện diện và cách vận hành của qui luật bất thành văn của cách tổ chức không chính thức đi song hành với cách tổ chức chính thức trong chế độ toàn trị ở VN.

Trong Thư 19 trang gởi cho BCT và TUĐ ông Kiệt đã có công định nghĩa và phân biệt khá rõ về hai từ „quyền lực“„quyền uy“ ở VN thời XHCN: „Quyền lực khác với quyền uy. Về nguyên tắc thì những đồng chí chính thức được Đảng và nhân dân giao phó trọng trách điều hành và quyết định những vấn đề lớn thuộc về vận mệnh quốc gia là những người được trao quyền lực và đang nắm quyền lực. Nhưng quyền uy thì không nhất thiết là thuộc người đang nắm giữ cương vị điều hành.“ Như vậy theo Võ Văn Kiệt, những người đang nắm các chức vụ then chốt trong đảng và nhà nước là những người có quyền lực, còn những người có quyền uy tuy đã về hưu, nhưng vẫn còn uy thế rất lớn theo kiểu hét ra lửa.  Qua kinh nghiệm cá nhân gần như cả cuộc đời hoạt động, trong đó nhiều năm giữ những chức vụ cao trong đảng và chính phủ, nên Võ Văn Kiệt nhìn thấy rất rõ „những quan hệ khắng khít và chằng chịt giữa quyền lực và quyền uy“. Theo ông, sở dĩ đi đến tình trạng quyền uy chỉ huy quyền lực „vì những hệ lụy của quyền lực mà họ đang có được, nên đành phải để cho quyền uy chỉ huy“. Vì những người có quyền uy chính là người đã nâng đỡ, cất nhắc và bảo hộ họ; có thể nói là người đỡ đầu đường quan lộ của họ. 

Ông Kiệt nhìn nhận tình hình ở TU đồng thời cảnh báo nghiêm khắc, nhất là trong BCT là, „quyền uy tác động không nhỏ đến quyền lực. Đó chính là nguy cơ.“ Ông giải thích tình trạng này là, nhiều khi những người có quyền lực tuy khác chính kiến ở lãnh vực này hay lãnh vực khác, nhưng vì thiểu bản lãnh, e sợ những người có quyền uy, nên không dám đưa ra quyết định theo hướng của mình mà lại tìm thỏa hiệp. Ông nêu lên thắc mắc, đồng thời cũng là đòi hỏi: „Nhưng tuyệt đối không vì sự nể nang, không để cho bất cứ một quyền uy nào ngăn chặn sự lựa chọn của các đồng chí. Đó chính là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Chúng ta sẽ lựa chọn như thế nào đây, giữa một bên là lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, lợi ích của Đảng và một bên là nể nang và thoả mãn những ý kiến riêng của một thiểu số, mà ở đó lợi ích rất có thể chỉ là lợi ích của quyền uy, sự lo sợ chỉ là sự lo sợ mất quyền uy, ẩn náu sau những sự hù doạ mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội.“ Rồi ông nêu ra giải pháp: “Theo tôi điều quyết định là phải có một cơ chế đảm bảo cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương có tính chất độc lập cao hơn nữa trong việc lựa chọn, phân tích và quyết định các vấn đề.“ Tình trạng chỉ đứng làm hư danh, bù nhìn để một vài “thái thượng hoàng” đứng sau giật dây, rõ ràng ở đây Võ Văn Kiệt ám chỉ việc thao túng của Đỗ Mười khi đặt Nông Đức Mạnh vào chức TBT tại ĐH 9 năm 2001.

Tình hình diễn ra rất xấu mang tính bất chính của những người có quyền uy tìm cách ảnh hưởng lên người có quyền lực như tường thuật của Võ Văn Kiệt có thể hiểu theo nhiều mặt, nhờ những sự chiếu cố và cất nhắc của người có quyền lực đương thời, nên từng bước họ nhẩy lên được các địa vị quan trọng để trở thành những người có quyền lực. Vì thế họ chịu ơn, tự nguyện làm vây cánh của người có quyền lực, nên phải tuân phục các mệnh lệnh của „thầy“, „chủ“, mặc dù những người này đã về hưu.

Quan sát sinh hoạt chính trị ở VN trong các thập kỉ vừa qua hiện tượng „quyền uy chỉ huy quyền lực“ thể hiện ngày càng rõ từ sau khi những người sáng lập của chế độ và có thành tích lớn lần lượt qua đời từ giữa thập niên 80-90. Thế hệ thứ hai thay thế họ như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh… trở thành những người nắm quyền lực mới. Tuy họ gặp hai trở ngại khách quan là khi đó họ cũng đã cao tuổi cuối 60 đầu 70, mặt khác họ không tạo được những thành tích cao như các người tiền bối, phần lớn những nhân vật này trước đó chỉ là „tướng vùng“.  Tuy nhiên vài người trong số này nuôi tham vọng cao, nên đã tìm cách tạo vây cánh để kéo dài quyền lực và dùng quyền uy để tiếp tục ảnh hưởng cả sau khi họ đã về hưu. Nhờ chế độ toàn trị đã giữ bộ máy độc quyền trên nửa thế kỉ, trong đó vắng bóng toàn bộ các cơ chế nền tảng để kiểm soát quyền lực, nên những người này có thể thực hiện tham vọng của họ.

Yếu tố quan trọng khác đóng góp cho sự hình thành dễ dàng một dạng tổ chức bán chính thức, đó là yếu tố kinh tế – dạ dầy. Trong các chế độ dân chủ, trước khi nhập cuộc vào hoạt động chính trị để trở thành các chính trị gia, hầu hết họ đã có nghề nghiệp hoặc có tài sản. Tức là họ có một cuộc sống độc lập, ổn định về nghề nghiệp và lương bổng, nếu không thành công trong sinh hoạt chính trị thì họ vẫn có thể rút về với nghề cũ hoặc cơ sở kinh doanh của mình hay cha mẹ để lại. Thành thử họ tương đối được tự chủ và độc lập trong các hoạt động chính trị. Tham chính hay trở về đời tư không mang ý nghĩa sống hay chết như ở các xã hội toàn trị, như tại VN hiện nay. Nhờ độc lập trong sinh kế nên họ có thể bảo toàn được tư cách, đạo đức trong hoạt động chính trị. 

Trong khi đó ở VN hiện nay, chỉ nói tới thành phần cán bộ trung cấp cấp cao trở lên, cho tới gần đây tuyệt đại đa số đều là  bộ đội hoặc công an, hay trước đây là thành phần vô sản, bần cố nông. Suốt đời làm nghề lính hàng mấy chục năm, không có nghề chuyên môn, cuộc sống đạm bạc, cái gì cũng phải tùy thuộc vào đảng, còn đảng còn mình. Trong xã hội độc đảng toàn trị thì vào đảng là con đường tiến thân duy nhất để có thể có cuộc sống tốt hơn kể cả vật chất lẫn tinh thần. Vì thế họ chỉ muốn lên chứ không muốn xuống. Mất chức trong đảng là mất hết, tay trắng, trở về thường dân với cuộc sống cơ hàn, bị chung quanh khinh thường, bị công an theo dõi, khó kiếm được một việc làm thích hợp! Cơ chế chính trị và hoàn cảnh xã hội VN thời độc đảng đã nhào nặn ra tầng lớp cán bộ có thái độ và tâm lí như thế. Điều này đã được Đặng Quốc Bảo, cựu Trưởng ban Khoa giáo TU, đã nói rõ -xem Chương năm, X.

 Trong hoàn  cảnh đó, phẩm chất, tư cách và đạo đức không phải là tiêu chuẩn giá trị cao; nhưng trung thành với lãnh đạo và vâng dạ cấp trên trực tiếp là đường tiến thân và cách bảo vệ nồi cơm an toàn nhất. Làm khác là tự sát và còn gây liên lụy nguy hiểm cho gia đình, bạn hữu.  Câu ví von “hi sinh đời bố, củng cố đời con” có thể hiểu nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung lại đều là cách thu vén cho gia đình. Nếu vì tuổi tác hay một lí do nào khác không thể đảm nhận cái ghế đang ngồi thì cũng phải tìm cách cho con cái của mình giữ những chức vụ hái ra tiền, hay ít nhất bảo đảm được cuộc sống. Tình trạng CCCCC (Con cháu các cụ cả) từ thời Lê Duẩn tới Nguyễn Văn Linh và nay biến dạng thành  “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”. Đây là tình trạng nhiều UVBCT, UVTU kể từ khi Nông Đức Mạnh đứng đầu đảng, Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu chính phủ….đưa các con vào nắm các chức ở các cơ quan đảng, chính quyền ở trung ương và địa phương. 

Thế hệ quyền lực thứ 2 này biết trước là vì tuổi tác, họ không thể nắm quyền lực lâu dài được, cho nên họ đã chọn một vài người kế nghiệp theo những cách tính toán riêng của họ. Như Đỗ Mười và Lê Đức Anh lúc đầu đã chọn Lê Khả Phiêu, nhưng giữa chừng phải để Nông Đức Mạnh thế. Còn Võ Văn Kiệt chọn Phan Văn Khải làm người kế vị. Những người có quyền uy này thể hiện ảnh hưởng của họ bằng nhiều cách khác nhau, từ trực tiếp tới gián tiếp. Trực tiếp như Đỗ Mười thường xuyên đi cạnh Lê Khả Phiêu, rồi sau ngồi cạnh Nông Đức Mạnh trong những dịp lễ quan trọng. Như thế để dư luận hiểu là trước sau họ vẫn là người có quyền uy, cầm trịch….Gián tiếp như viết bài trên báo ND, TCCS, QĐND…về những vấn đề hoặc chính sách quan trọng để tạo áp lực cần thiết trong các HNTU và ĐH. Nhưng không phải ảnh hưởng của những người quyền uy đều cao như nhau. Điều này tùy thuộc vào quan hệ và ảnh hưởng cá nhân của họ đối với các người đang có quyền lực.

Trước ĐH 10 không lâu cả Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đã tìm cách dùng quyền uy của mình để gây ảnh hưởng vá áp lực lên ĐH 10. Nội dung hai Thư của Võ Văn Kiệt tháng 2 và tháng 7.05 và bài báo của Đỗ Mười trên ND 4.11.05 đã đưa ra những quan điểm đối nghịch nhau trong nhiều lãnh vực, mặc dầu không một lần nào hai người nêu đích danh đối thủ.

Trong khi cựu TT Võ Văn Kiệt xác nhận, trong ĐCS phe bảo thủ „tả khuynh“ từ trước tới nay vẫn khuynh đảo đảng. Mặc dù phe này trong nhiều giai đoạn đã gây ra nhiều sai lầm và tội ác đối với nhân dân: „Có một nghịch lý tai hại thường diễn ra: nếu bị quy là tả thì cùng lắm cũng chỉ bị phê bình, thậm chí không hề bị phê bình, chỉ cần lẳng lặng sữa chữa là xong. Rất nhiều đồng chí trong Đảng ta đã mắc những sai lầm “tả khuynh” nghiêm trọng, nhưng không bị kỷ luật, vẫn giữ được quyền uy bởi được đánh giá “kiên định lập trường cách mạng”. Ngược lại, những việc gì mạnh dạn đổi mới, không bằng lòng với cải cách đã đạt được, thì lại rất dễ bị chụp mũ là mất lập trường, chệch hướng, xa rời chủ nghĩa xã hội, ăn phải bả của tư bản. Ai bị quy kết như vậy thường khó chống đỡ hơn, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh mệnh chính trị. Do đó, xu hướng chung của đại đa số hiện nay là: Một mặt thì tuy đã nhận thức được con đường phải đi, mặt khác lại lo ngại những quy kết chệch hướng. Đó là lý do làm cho khuynh hướng bảo thủ tuy không nhiều, nhưng sức hù doạ còn có ảnh hưởng. Bộ phận đổi mới, cải cách tuy chiếm một tỷ trọng lớn và ngày càng đông hơn, nhưng không đủ sức thu hút được đại đa số trước những sự hù doạ chệch hướng, mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội.“ [Thư 2.05]

 

Võ Văn Kiệt [Thư tháng 2.05] đã nêu ra ít nhất 7 giai đoạn „tả khuynh“ đã diễn trong ĐCS từ khi thành lập năm 1930 tới cuối thế kỉ 20. Ông còn dẫn chứng những thiệt hại cho đảng và đất nước rất khủng khiếp trong 7 lần „tả khuynh“. 1. Đó là thời kì „Xô viết Nghệ tĩnh“ [1930-31] „dẫn tới thất bại, lực lượng Đảng bị tổn thất nghiêm trọng.“ 2. Thời kì „Nam kì khởi nghĩa“ cũng thế. 3. „Từ 1951 trở đi, xu hướng “tả khuynh” lại có chiều phát triển mạnh do sự tác động của các chuyên gia TQ. Kết quả là chỉnh đốn tổ chức và cải cách ruộng đất đã làm cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề.“ 4.„Với Đại hội IV, xu hướng “tả khuynh”, chủ quan duy ý chí lại thắng thế để đưa ra những quyết định về đường lối và chủ trương sai. Cải tạo công thương nghiệp ồ ạt, cải tạo nông nghiệp vội vã, cải tạo sỹ quan của chính quyền cũ kéo dài quá lâu, đưa dân đi kinh tế mới bằng biện pháp cưỡng bức …. Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng và ách tắc, gây những thiệt hại rất lớn cho kinh tế kể từ 1977 trở đi. Thật là đau đớn khi nghĩ lại, sự nghiệp giải phóng dân tộc được hoàn thành trọn vẹn, thành phố Sài Gòn và nhiều thành phố khác ở miền Nam vẫn còn nguyên kết cấu hạ tầng và tiềm năng về kinh tế hàng hoá, thế nhưng hàng vạn người phải bỏ nước ra đi. Hiện tượng “di tản”, “thuyền nhân” cần được nhìn nhận như là những vết thương trên cơ thể đất nước, để lại những di chứng trong tâm hồn của không ít đồng bào ta. „ 5. „Từ 1983, sau khi chỉ mới “hé” cửa, bung ra được một chút, xu hướng giáo điều “tả khuynh” lại muốn gò lại nền kinh tế, với nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Trung ương khoá V, lập lại kỷ cương trong phân phối lưu thông, hàng loạt cửa hàng tư nhân đã bị dẹp bỏ, tình trạng ngăn sông cấm chợ lại xuất hiện, cơ chế kế hoạch hoá quan liêu bao cấp lại có xu hướng phục hồi.“ 6. „Từ sau 1989, sau khi thu được những thắng lợi rất lớn về kinh tế, từ sự sụp đổ của Đông Âu và sau đó là sự sụp đổ của Liên Xô thì xu hướng giáo điều “tả khuynh” lại phục hồi.“… „Dưới cái vỏ bọc của lập trường, quan điểm đó, khuynh hướng “tả” đã dẫn đến sự co lại, kìm hãm tiến trình Đổi Mới mà Đại Hội VI đã khởi động“. 7. Thời giữa thập niên 90 „đã xuất hiện quan điểm lo ngại Việt Nam tham gia vào ASEAN, bảo lưu ý kiến không tham gia năm 1995. Không ít những người tự coi là lập trường, quan điểm vững gây không ít cản trở cho sự phát triển bằng những lời phát biểu như: “coi chừng chệch hướng”, “đổi mới nhưng không đổi màu”, “hoà nhập mà không hoà tan” …. Hậu quả vô hình, không đo lường được đó còn kéo dài, chỉ phối cho đến nay khiến cho lợi thế cạnh tranh bị sút giảm, nhịp độ tăng trưởng chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển của đất nước; khoảng cách tụt hậu ngay trong khu vực ASEAN rộng thêm.“ 

Từ đó cựu TT Võ Văn Kiệt kết luận, coi những giai đoạn „tả khuynh“ mới chính là „chệch hướng“ rất nghiêm trọng. Kết án này của ông là để phản bác lại những kết án của phe bảo thủ giáo điều trong các thập kỉ gần đây chụp mũ cho tư tưởng đòi đổi mới toàn diện và triệt để trong đảng; trong đó Võ Văn Kiệt, Trần Độ, Trần Xuân Bách… đã bị phe bảo thủ kết án là „chệch hướng“ và „hữu khuynh“, như phản ứng mãnh liệt của phe này sau Thư gởi BCT ngày 7. 8.95 của Võ Văn Kiệt (xem Chương ba, XII).

Đáng chú ý ở đây là, những phê phán trong Thư này của ông Kiệt liên quan tới bản Dự thảo Báo cáo Chính trị của ĐH 10; nghĩa là đã chỉ trích trực tiếp Đỗ Mười, một người đang có quyền uy rất lớn và đỡ đầu Nông Đức Mạnh vào lúc đó, tuy không nhắc tới tên. Vì các liệt kê về các trường hợp „tả khuynh“ từ ĐH 4 trở đi tới thập kỉ đầu tiên cùa Thế kỉ 21 có liên quan mật thiết tới vai trò của Đỗ Mười. Trong suốt thời gian 35 năm này với vai trò UVBCT và Phó TT Đỗ Mười đã chỉ huy việc xóa bỏ „tư sản mại bản“, phá tan kinh tế tư nhân ở miền Nam từ cuối thập niên 70. Ngăn cản không cho Nguyễn Văn Linh tiếp tục chính sách „đổi mới“ sau khi Liên xô sụp đổ và quay đầu sang BK, Đỗ Mười trong các vai trò Thường trực BBT, TT, TBT, Cố vấn và suốt cả chục năm không còn giữ chức vụ trực tiếp trong đảng và nhà nước. Qua đó lại càng hiểu thêm, trong thời gian từ ĐH 6 (1986) tới cuối 1997 đã có nhiều cuộc xung đột mạnh liên quan tới đường lối và chính sách giữa Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt, khi ấy cả hai người đều có quyền lực rất mạnh trong đảng và chính phủ. Nhân vật thứ hai cũng bị Võ Văn Kiệt phê phán gián tiếp  ở đây là UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà nội Nguyễn Phú Trọng. Vì ông Trọng là người chấp bút chính trong bản Dự thảo Báo cáo Chính trị của ĐH 10 và là ngôi sao chính trị đang lên của phe bảo thủ.

Trong Thư này Võ Văn Kiệt còn nêu hai điểm mấu chốt liên quan tới ý thức hệ Marx-Lenin và tư tưởng HCM. Sau khi dẫn chứng là, ngay các nhóm lãnh đạo Liên xô trước đây tuy đều nói là theo chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng lại kình chống nhau. Giữa Liên xô và TQ cũng vậy, tuy là hai ĐCS theo chủ nghĩa Marx- Lenin nhưng lại trở thành đối thủ nguy hiểm với nhau. Từ đó Võ Văn Kiệt khẳng định, chưa có ĐCS nào, kể cả ĐCSVN, hiểu đúng thế nào là chủ nghĩa Marx-Lenin và theo ông, đây chính là điều rất tai hại…

 

Ngay cả cái gọi là „tư tưởng HCM“ Võ Văn Kiệt cũng đặt thẳng với các đồng liêu: 

 

„Đã có nhiều công trình nghiên cứu rất tốn kém về chủ đề tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng hình như cũng chưa công trình nào nhìn nhận một cách thẳng thắn xem chúng ta đã từng vận dụng đúng đắn tư tưởng gì của Bác Hồ và đã vi phạm những gì trong tư tưởng của Người. Nếu không làm rõ việc đó thì khó xác định được những tư tưởng nào làm chỗ dựa cho chúng ta trong chặng đường đi tiếp, mà rất có thể sẽ tiếp tục tình trạng lúc nào cũng nói rất hùng hồn là trung thành, là đi theo, là nắm vững, thậm chí còn tổ chức cả cuộc thi viết báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng có gì đảm bảo được rằng, chúng ta không tiếp tục phạm sai lầm, làm trái với tư tưởng đó? Đã có công trình nghiên cứu nào tiến hành nghiên cứu một cách trung thực, khách quan và với phương pháp khoa học để đánh giá được thực chất những hoạt động và cách tuyên truyền, cổ động nói trên chưa?“ 

Qua đó Võ Văn Kiệt muốn ám chỉ nhiều người lãnh đạo trong đảng chỉ muốn núp sau hình nộm HCM để bảo vệ quyền lợi riêng và phe nhóm! Nhưng còn có thể hiểu cách khác là, thực ra HCM đâu có tư tưởng riêng nào, mà chỉ lập lại một cách máy móc hết quan điểm của Marx-Lenin rồi sau này thần tượng cả lí thuyết Mao Trạch Đông. Cho nên không lấy làm lạ, ngay cả Hà Đăng, Tổng biên tập TCCS đã nhìn nhận, sau khi Liên xô sụp đổ, chủ nghĩa Marx.Lenin vì thế cũng mất linh, nên từ cuối thập niên 80 những người cầm đầu thuộc cánh bảo thủ giáo điều đã vội vàng dựng lại ngọn cờ „Tư tưởng HCM“ để tìm cách trụ lại đảng sau cuộc động đất chính trị kinh hoàng ở Liên xô và Đông Âu. Nhưng sau nhiều năm bỏ hàng tỉ bạc cho các nhà „khoa học XHCN“ nghiên cứu về tư tưởng HCM. Nhưng cuối cùng trên 60 nghiên cứu này không ai định nghĩa nổi thế nào là „tư tưởng HCM“; như trong Chương ba, IV đã trình bày. 

Những người CSVN đều biết, Đỗ Mười luôn luôn vỗ ngực là người “nhiệt tình cách mạng” và thường nhân danh “nhiệt tình cách mạng” để đàn áp nhân dân, bịt miệng trí thức, chụp mũ các đảng viên đòi đổi mới thực sự cả trong kinh tế lẫn chính trị là “chệch hướng” và làm cản trở bước đi lên của đất nước. Cho nên trong Thư này Võ Văn Kiệt đã khéo léo nhưng cũng rất thâm thúy và mỉa mai phê phán ám chỉ Đỗ Mười và cho rằng, “trong thực tế ở rất nhiều nơi và rất nhiều lúc chúng ta vi phạm nghiêm trọng tư tưởng của Bác Hồ… Ngay cả khi nhiệt tính cách mạng là có thật, thì chúng ta vẫn cần nhớ rằng, Lênin đã từng nhắc đến một kiểu người đang đứng trong đội ngũ cách mạng, song đang làm hại cách mạng bởi “nhiệt tình cách mạng cộng với dốt nát bằng sự phá hoại”. Trong quá trình xây dựng CNXH của chúng ta, đã có không ít trường hợp sự nghiệp phát triển kinh tế bị “phá hoại” bởi những loại nhiệt tình như vậy.”

Võ Văn Kiệt còn mỉa mai nói là, „các cơ quan nghiên cứu của chúng ta lâm vào tình trạng những „mĩ viện“, vì các nhà nghiên cứu không được tôn trọng. Những người có quyền lực „đặt hàng“ và các nhà khoa bảng phải „viết theo những ý kiến chỉ đạo trước.“ Ở đây Võ Văn Kiệt cũng đá khéo Đỗ Mười từng nhiều lần đòi các nhà khoa bảng XHCN phải kết luận trước khi nghiên cứu! Ông Kiệt còn nêu ra hai trường hợp làm thí dụ điển hình cho thái độ chuyên quyền độc đoán của người có quyền lực. Đó là việc „không kí Hiệp ước thương mại với Mĩ ở New Zeeland 1999, không vào WTO trước TQ một bước.“(3)  

Không lâu sau, trong Thư ngày 2.7.05 Võ Văn Kiệt còn góp ý vào “Dự thảo báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ đảng trình ĐH 10 của đảng”.  Trong đó ông lần lượt nêu ra những khuyết điểm và những sai lầm ngày càng phổ biến và kéo dài trong lãnh vực tổ chức của đảng. Ông nhấn mạnh tới các nguyên tắc triệu tập, cử đại biểu và bầu cử các ban liên hệ từ các đại hội đảng bộ các cấp tới ĐH đảng toàn quốc. Cách tổ chức độc tài, gia trưởng trong đảng trong nhiều thập niên qua đã dẫn tới tình trạng các ĐH toàn quốc chỉ còn là hình thức, thay vì là cơ quan lãnh đạo tối cao theo Điều lệ đảng; BCHTU cũng biến thành cấp dưới của BCT thay vì ngược lại và Ủy ban kiểm tra trung ương cũng trở thành cấp thi hành mệnh lệnh của BCT. Như vậy có nghĩa là không có cơ quan nào có thực quyền và độc lập thực hiện công tác kiểm tra nghiêm minh BCT, BCHTU… Từ đó ông đi đến kết luận:

„Sự không minh bạch đã dẫn tới tình trạng công việc của BCHTU, vô hình chung, gần như do BCT đảm nhiệm. Vì vậy, trên thực tế BCT gần như trở thành cấp trên của BCHTU, như vậy là không phù hợp với Điệu lệ đảng. Hậu quả là BCHTU không phát huy được hết khả năng và trách nhiệm là cơ quan cao nhất của đảng điều hành công việc giữa hai nhiệm kì ĐH đại biểu toàn quốc của đảng.“

Kết luận của Võ Văn Kiệt là, từ khi trở thành đảng cầm quyền ĐCS đang xa rời dân và đang đứng trước nguy cơ: „Khi đã là đảng cầm quyền trong hòa bình xây dựng thì xa rời dân, đứng trên dân là nguy cơ lớn nhất của đảng. Xa dân, đứng trên dân dẫn đến độc tài, độc đoán, mất lòng dân. Đã mất lòng dân là mất chỗ dựa của đảng, đó là nguy cơ mất đảng.“

Có lẽ trong nhiều năm ngồi trong BCT, nên Võ Văn Kiệt thấy rõ sự thoán đoạt quyền lực của BCT, nhất là vài người bảo thủ cùng vây cánh trong BCT, mà chính Võ Văn Kiệt trong nhiều trường hợp đã là nạn nhân vì thuộc phe thiểu số. Nên nay ông đề nghị cắt bớt quyền lực của BCT để bớt lạm quyền, bằng cách trả lại quyền cho BCHTU. Trong Thư 2.7.05 ông Kiệt còn đề nghị UB Kiểm tra TU nên do ĐH bầu thay vì BCHTU bầu như hiện nay. Theo ông, nếu làm như thế thì UBKTTU là cấp dưới của BCHTU. Do đó Ban này không thể thực hiện chức năng kiểm tra BCHTU, BCT và BBT như Điều lệ đảng qui định. Từ đó Võ Văn Kiệt nêu câu hỏi, trong tình trạng như thế thì “ai kiểm tra BCHTU, BCT, BBT khi mà ĐH đại biểu toàn quốc của đảng chỉ họp theo định kì?”(4) Liệu những đề nghị tâm huyết này của cựu TT Võ Văn Kiệt có lọt vào tai phe bảo thủ giáo điều trong đảng?

 

***

 

Trong khi Võ Văn Kiệt, người có quyền uy và có khuynh hướng cởi mở, trước ĐH 10 gửi hai thư tới TUĐ yêu cầu cần phải đổi mới toàn diện cả trong kinh tế lẫn chính trị cũng như cải tổ bộ máy trong đảng theo chiều hướng dân chủ, thì Đỗ Mười -người có uy quyền lớn và thuộc thành phần cực kì giáo điều- lại vận động ngược chiều, phản bác kịch liệt lại những phê bình của Võ Văn Kiệt. Ông không làm theo cách gởi thư tới BCT và TUĐ như Võ Văn Kiệt, mà lại dùng dư luận áp lực công khai và trực tiếp lên các cơ quan đầu não của chế độ. Vì những bài của ông được các người có quyền lực coi là những chỉ thị nên phải đăng tải nguyên văn trên các cơ quan báo chí lớn của đảng. 

Trong bài „Về định hướng XHCN trong xây dựng đất nước hiện nay“ đăng ngay trên trang đầu của tờ ND ngày 4.11.05 Đỗ Mười đã cho biết, sau biến cố ở Ba lan  HNTU 6 đã được tổ chức ngay vào tháng 3.89 -khi ấy ông là TT (Chủ tịch HĐBT)- với trọng tâm là, „đổi mới phải quán triệt những nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc được nêu lên hàng đầu là giữ vững mục tiêu, lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội.“ Tiếp đó tại ĐH 7 (6.91) khi Đỗ Mười là TBT thì đảng “khẳng định con đường chúng ta đang đi là đúng”, tức là nguyên tắc „đổi mới mà không đổi mầu“ là đúng. Và từ đó, vẫn theo Đỗ Mười, đảng đã sớm đưa ra “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” 1992 đứng trên nguyên tắc này. Họ mất nhiều năm loay hoay suy nghĩ, xây nhà (đổi mới) trên cái nền nào, nền cũ hay nền mới?! Từ “nhiệt tình cách mạng này”, Đỗ Mười quay lại tố cáo khuynh hướng tiến bộ trong đảng, tức là gián tiếp tấn công những phê bình và khuyến cáo của Võ Văn Kiệt trong hai Thư tháng 2 và 7.05, như trình bày ở trên.

Đỗ Mười kết án gay gắt họ là „dao động“, “phủ nhận con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ…đã lựa chọn“. Đó là những người „phản bội, đầu hàng“ và họ „bị lịch sử gạt lại phía sau.“:

„Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, từ ngày Liên xô tan vỡ, chế độ xã hội chủ nghĩa ở đó sụp đổ, có một bộ phận trong Ðảng và trong xã hội ta đã dao động, thiếu kiên định cách mạng, thậm chí phủ nhận con đường cách mạng mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và dày công vun đắp trên 70 năm qua. Cũng phải thừa nhận rằng, trong mỗi thời kỳ cách mạng trước đều lác đác có cán bộ, đảng viên dao động, thậm chí có cả sự phản bội, đầu hàng, song bao giờ họ  cũng bị lịch sử gạt lại phía sau, lịch sử vĩ đại của Ðảng và dân tộc vẫn luôn luôn tiến lên phía trước. Tuy nhiên, ngày nay tình hình nghiêm trọng hơn, không thể xem thường, những người dao động, phai nhạt lý tưởng cách mạng không phải là ít…“

Trong khi Võ Văn Kiệt dùng lời của Lenin „Nhiệt tình cách mạng cộng với dốt nát bằng sự phá hoại“ (Thư 2.05) để chỉ trích những phần tử bảo thủ giáo điều thiếu trình độ kiến thức như Đỗ Mười…, thì trong bài nói trên Đỗ Mười lại tố ngược lại, coi những đảng viên bị dao động vì họ „nhận thức quá nông cạn về thời đại, nhận thức quá sơ sài về chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội, nhận thức mơ hồ về sự kiện Liên xô tan vỡ và chủ nghĩa xã hội thế giới tạm thời thoái trào.“ Đỗ Mười vẫn khẳng định sự tan rã của Liên xô thời Gorbatschow là do tác động bên ngoài “của các thế lực quốc tế thù địch” chứ  “không mảy may xuất phát từ bản chất của chủ nghĩa xã hội”: „Sau 15 năm kể từ khi Liên xô tan vỡ, càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc thực thi một đường lối cải tổ sai lầm không tách rời sự tác động vô cùng nham hiểm của các thế lực quốc tế thù địch chủ nghĩa xã hội, thù địch Liên xô.” Từ đó Đỗ Mười phủ nhận sự phá sản của Chủ nghĩa xã hội, „việc Liên xô tan vỡ không mảy may xuất phát từ bản chất của chủ nghĩa xã hội, do đó không mảy may biện minh cho việc từ bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cho việc chuyển hướng, đổi mầu chế độ, cho sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản.“

Tiếp tục tấn công vào thành phần tiến bộ trong đảng, đứng đầu là Võ Văn Kiệt, đòi đổi mới triệt để và toàn diện, nên Đỗ Mười đả kích lập luận của Võ Văn Kiệt trong Thư tháng 2.07 nói trên, khi ông nói là “có nhiều cách hiểu về chủ nghĩa Mác-Lênin” và cần nghiêm chỉnh xét lại những cái đúng, sai hay mơ hồ của chủ nghĩa này. Đỗ Mười phản công lại trực tiếp: „Gần đây lại có cách nói mơ hồ rằng, “chủ nghĩa xã hội là cái gì chưa rõ” và “mọi điều về chủ nghĩa xã hội đều chưa sáng tỏ”… Ðó là cách nói, cách nghĩ không đúng, thể hiện động cơ và lập trường chính trị muốn phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta hiện nay, trước hết trong đường lối và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội…“ Từ đấy Đỗ Mười vẫn đòi duy trì tiếp tục „chế độ công hữu đất đai“ và nhấn mạnh đặc biệt tới việc phải duy trì tiếp KTNN phải „đóng vai trò chủ đạo“, một đề tài trở thành nền tảng tư duy của Đỗ Mười trong các thập kỉ qua:

“Từ trước đến nay, tất cả các nghị quyết của các Ðại hội Ðảng đều khẳng định mạnh mẽ rằng kinh tế nhà nước phải giữ những vị trí then chốt, phải đóng vai trò chủ đạo, coi đó là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng bậc nhất của sự phát triển nền kinh tế nước ta. Dưới chế độ ta, làm yếu kinh tế nhà nước là làm yếu Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong khi sử dụng sức mạnh tổng hợp của tất cả các thành phần kinh tế thì kinh tế nhà nước phải luôn luôn là đội quân chủ lực trên mặt trận kinh tế, nhờ đó mà Nhà nước có lực lượng vật chất quan trọng và quyết định nhất để luôn luôn đảm bảo ổn định xã hội, bảo vệ Tổ quốc, độc lập tự chủ tiến lên. Nói vai trò kinh tế nhà nước thì trước hết nói bộ phận sống động của nó là các doanh nghiệp nhà nước…” (5)

Đỗ Mười bênh vực mạnh mẽ cho việc duy trì chế độ độc đảng với hệ thống kinh tế nhà nước làm chủ đạo và chế độ công hữu đất đai, coi đó là cái túi tiền, là điều kiện cần và đủ để duy trì sự tồn tại của chế độ toàn trị! Ba cột trụ đảng độc quyền, kinh tế nhà nước làm chủ đạo và công hữu đất đai là ba chân của cái kiềng để chế độ toàn trị đứng vững!

***

Để tiếp sức cho Đỗ Mười, một người có quyền lực đang lên là Nguyễn Phú Trọng cũng nhập cuộc tấn công phe cấp tiến trong đảng.  Chỉ vài ngày sau bài của Đỗ Mười trên tờ Nhân dân, ngày 9.11.05 Nguyễn Phú Trọng đã cho phổ biến bài „Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay“ trên tờ Cộng sản điện tử. Tuy là bài quan trọng, nhưng không hiểu vì sao những người phụ trách biên tập của TCCS đã để nhiều lỗi chính tả. Nguyễn Phú Trọng khi ấy là  Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy HN, Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương và Trưởng Tiểu ban soạn thảo các dự thảo văn kiện Đại hội 10 của ĐCSVN, được coi là lí thuyết gia của phe bảo thủ giáo điều cầm đầu toàn bộ lãnh vực tư tưởng và lí luận của chế độ. Đặc điểm khác của Nguyễn Phú Trọng là người thân BK. Trong nhiều năm xuyên qua các cuộc „Hội thảo khoa học“ giữa hai ĐCS VN và TQ, trong đó ông là người chủ trì và tổ chức để trao đổi với BK về các lãnh vực tư tưởng, chiến lược, kinh tế, văn hóa…

Đáng chú ý là, loạt bài tấn công khuynh hướng cấp tiến trong đảng của hai người thủ lãnh phe bảo thủ giáo điều, một người có quyền uy rất cao và người kia có quyền lực đang lên, lại chọn vào đúng thời điểm liền sau khi sau chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào, TBT ĐCSTQ và CTN TQ. Đây chỉ là một sự tình cờ hay là một tính toán nhằm khai thác thuận lợi tâm lí, coi chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào có nghĩa là phe bảo thủ đang có hậu thuẫn của đồng minh hùng mạnh phương Bắc?   Trong dịp này hai bên đã đi tới một số thỏa hiệp, Hồ Cẩm Đào đã đồng ý để VN gia nhập WTO, đổi lại HN phải để hải quân TQ cùng tuần tra „trong vùng biển Vịnh Bắc bộ“ và PTT Nguyễn Tấn Dũng còn cho biết, phía HN đã đồng ý để Tổng công ti nhôm TQ  khai thác Bauxit tại Tây nguyên.(6)  Cần lưu ý, trong khi HN coi việc VN gia nhập WTO là nhiệm vụ kinh tế-thương mại quan trọng nhất trong những năm này và đang vận động HK -đối tác quan trọng và cũng gai góc nhất trong vấn đề này- (như đã trình bày trong Chương năm, IX) thì BK lại coi việc mở rộng kiểm soát và khai thác tài nguyên trên biển Đông và khai thác Bauxit ở Tây nguyên là chiến lược quan trọng.

Trong bài „Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay“ bằng giọng hằn học Nguyễn Phú Trọng tấn công không chỉ thành phần bảo thủ trong đảng, mà cả các tôn giáo, các người dân chủ trong nước và kiều bào. Đặc biệt, theo ông Trọng, chính Mĩ là đầu mối đang reo rắc các cuộc „Cách mạng nhung“, „Cách mạng mầu“ trên thế giới và Mĩ cũng đang chủ động thực hiện âm mưu „diễn biến hòa bình“ ở VN. Cũng như Đỗ Mười, bài của Nguyễn Phú Trọng trên tờ TCCS nhằm phản công lại những chỉ trích của nhiều tướng lãnh -Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Nam Khánh-, nhiều cán bộ cấp cao đã về hưu và đặc biệt cựu TT Võ Văn Kiệt về tệ trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực gia tăng, đồng thời đòi phải phải dân chủ hóa nội bộ trong đảng.

Trong bài Nguyễn Phú Trọng tỏ ý e ngại là, sự bất mãn và chống đối trong nhân dân đang dội vào trong đảng và được sự hậu thuẫn cả trong lẫn ngoài: „Không phải không có những cơ sở xã hội nhất định để làm nảy sinh hoặc tiếp nhận những quan điểm, tư tưởng sai trái đó. Điều đáng chú ý là, dường như có sự phối hợp trong ngoài, tung hứng lấn [lẫn] nhau, khá nhịp nhàng, bài bản, rất quyết liệt và thâm độc. „Nguyễn Phú Trọng không coi những đóng góp của cựu TT Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lão thành cách mạng trong việc đòi xét xử nghiêm minh một số vụ án Năm Châu Sáu Sứ , T4 và Tổng cục 2…là đóng góp thiện chí để làm đảng trong sạch. Ngược lại ông Trọng kết án gay gắt cho là: „- Kích động, chia rẽ nội bợ [bộ], tung ra luận điệu trung [trong] Đảng, trong Trung ương, BCT có phe này, phái kia, nơi bợ [nội bộ] mất dân chủ, mất đoàn kết. Bịa đặt xuyên tạc lịch sử, đói [đòi] ”lật án”, vu cáo, bôi nhọ các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, kể cả Bác Hồ, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh… Những luận điểm của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, bất mãn nới [nói] trên, tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lục [lúc] này là hết sức độc hại, nguy hiểm; chí ít nó cũng gieo lắc [rắc] hoài nghi, phá rã [?] niềm tin của nhân dân, gây phân tâm, nghi ngờ nội bộ.“(7)

Nguyễn Phú Trọng nói rằng, sau khi „thua trong chiến tranh“, nên nay Mĩ  đang “làm mọi cách thắng trong hòa bình.” Mĩ tìm cách „xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đại [đạo] của ĐCS, xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.“ Rồi ông vừa kết án vừa chụp mũ:

„Để thực hiện được âm mưu cơ bản đó, các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, rất kiên trì, bền bỉ, trong đó ”diễn biến hòa bình” là một chiến lược rất lợi hại. Đây chính là ”thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi”, là phương pháp ”chuyển hóa hòa bình”, ”biến đổi hòa bình”, ”cách mạng hòa bình”, và gần đây là ”cách mạng nhung”, ”cách mạng đường phố”… Trong chiến lược này, hoạt động tư tưởng – văn hóa được họ coi là ”mũi đột phá”, là ”cây cầu dẫn vào trận địa”. Có người đã nói rằng, chiến lược của chủ nghĩa đế quốc được tiến hành chủ yếu trên hai phương diện: một là xâm lược bằng quân sự; và hai là làm tan rã bằng tư tưởng. Nếu phương diện thứ nhất dựa vào sức mạnh của kẻ cướp thì phương diện thứ hai dựa và [vào] thủ đoạn làm tan rã nội bộ, hết sức thâm độc. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: ”Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lai [lại] có thể hoàn thành”; ”một đài phát thanh cũng có thể bình định xong mặt [một ?] đất nước”; ngày nay ”lán [làn] sóng điện đang thay thế thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc con người”; ”một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng”. “(8)  

Vào giai đoạn này một người ham quyền như Nguyễn Phú Trọng nên đã tung hứng với người quyền uy Đỗ Mười để được cất nhắc vào vị trí quan trọng hơn, nên đã tố cáo Hoa Kỳ thẳng thừng, làm như muốn cắt đứt mọi quan hệ với Tư bản. Nhưng 10 năm sau ông Trọng đã phải cầu cạnh và thân chinh sang gặp các chính khách và tư bản Mĩ để quyết giữ ghế TBT thêm một nhiệm kì nữa. Hai động thái tưởng như khác nhau vào hai giai đoạn khác nhau trong tham vọng chính trị của Nguyễn Phú Trọng, nhưng nhìn kĩ lại nó có chung một chủ đích, thời 2005 là xây dựng quyền lực, còn 2015 là bảo vệ quyền lực cho cá nhân mình! 


 



CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)