VNTB – Phản đối Formosa: đức tin, Cha Phaolo Quách Quốc Bình và tự diễn biến?

Kỳ Lâm (VNTB) Trong cuộc chiến chống lại sự ô nhiễm môi trường hiện nay, có thể nói – Công giáo có một vai trò và vị trí đặc biệt. Từ khi thảm họa môi trường Formosa xảy ra, giáo dân và Nhà thờ là những yếu tố đi tiên phong trong phản ánh, và vận động nhằm đòi lại công lý.

Em Huỳnh Khánh Kim Long. Ảnh: FB Huỳnh Khánh Kim Long
“Cha không muốn gặp rắc rối!”

Sáng Chủ nhật (ngày 04/06), em Huỳnh Khánh Kim Long – là một giáo dân sinh hoạt ở Giáo sở Don Bosco (Tp. Đà Lạt) đã đứng ở hàng lang nhà thờ với biểu ngữ: “Hủy hoại môi trường là tội ác chống lại Thiên Chúa và loài người. Xin đừng vô cảm”. Năm phút sau, một số cá nhân trong nhóm gia trưởng (chịu trách nhiệm trật tự cho Thánh lễ đang diễn ra) đã xuất hiện và ngăn cản. Cha sở Phaolo Quách Quốc Bình đã cho gọi em Kim Long vào và giải thích là không muốn tiếp tục nhận sự rắc rối với an ninh sau vụ năm ngoái (khi em Khánh Long đọc thư của Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp trước nhà thờ, khiến an ninh xuống gây áp lực với Cha Bình đến 4 lần).

Đến 16h30 cùng ngày, khi Kim Long đang tiếp tục đứng bên cổng nhà thờ thì một nhóm người xuất hiện và ngăn cản, đồng thời xé rách biểu ngữ.

Đức tin và sự thay đổi xã hội

Đức tin người Công giáo rất rõ ràng, họ muốn cổ vũ công lý và hoà bình. Trong giáo lý của tôn giáo này, cũng cho hay, con người tự bản chất là một hữu thể xã hội, vì được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Người. Do đó, lợi ích cá nhân phải đặt trong tương quan với lợi ích chung để đảm bảo xã hội luôn có bộ mặt người. Về mặt thể chế – pháp lý, thì trong mọi xử sự, đều cần phù hợp với sự tự do và ý thức trách nhiệm, bởi luật pháp xã hội chỉ là “luật khi phù hợp với lẽ phải”. Và chính vì thế mà sự thiết lập trật tự công bằng trong xã hội nó nằm ở “nhân vị”, thay vì ngược lại.

Chính quan điểm và tôn chỉ nêu trên, mà chúng ta có thể hiểu vì sao lực lượng Công giáo đi đầu trong đòi những quyền lợi xã hội và những bất công liên quan đến thảm họa môi trường Formosa.

Em Huỳnh Khánh Kim Long, khi đứng trước nhà thờ và đọc lá thư của Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, chính là khi em sống trong Đức tin của tôn giáo mình. Cái đức tin mà nó cho phép em hướng thiện không chỉ bản thân, mà hướng thiện cho cả một xã hội. Nó đảm bảo rằng, mọi trật tự trong xã hội không đến từ sự áp đặt phía chính quyền, mà sự thiết lập từ các chủ thể trong xã hội. Và luật pháp được thực thi, chính là luật pháp công lý, tất nhiên, cho đến tận bây giờ, và qua cách em đối thoại trong đoạn clip với nhóm người thô lỗ trên, em vẫn là người biết làm những gì mà pháp luật không cấm.

Tôi tin em đã sống đúng với phẩm giá, lương tâm và trách nhiệm con người xã hội, con người của Thiên chúa.

Xã hội và sự rắc rối từ quyền lực

Không phải ai cũng như em – Huỳnh Khánh Kim Long. Cũng không phải ai cũng dám đối diện với chính quyền như Cha Thục, Cha Nam hay Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp. Bởi bản thân mỗi người phụng sự Thiên chúa, họ còn có những bước đi – cách hiểu của riêng họ. Vì thế mà, việc không muốn “nhận rắc rối” từ phía chính quyền như cách Cha Phaolo Quách Quốc Bình bày tỏ là có thể hiểu được, ít nhất khi mọi lễ nghĩa đều phải “báo chính quyền”.

Vấn đề là, sẽ rất khó cho chính Cha khi răn dạy giáo dân về sự Công bằng, Lẽ phải và sự thực hành Đức tin trên cơ sở nền tảng Công lý là trên hết. Bởi khi từ chối cho Kim Long giương biểu ngữ trong nhà thờ, thì cũng có nghĩa, Cha thừa nhận công lý của nhà cầm quyền, và rằng, ở góc độ nào đó, luật nhà cầm quyền đặt ra cho Cha là “luật phù hợp với lẽ phải”, theo quan điểm của chính Cha. Luật pháp đó ngăn cản người dân có quyền biểu đạt và quyền được thực hành lời răn dạy tôn giáo trong thực tế; luật pháp đó cũng tìm cách ngăn cản quyền thông tin của công dân; luật pháp đó cũng đưa con người từ một sản phẩm xã hội trở thành một sản phẩm của thể chế.



Làm thế nào, và bằng cách gì để Cha có thể đề cập đến Công lý, khi mà một biểu ngữ lên án việc phá hoại môi trường lại bị Cha từ chối? Liệu rằng Cha có nhớ trong Sáng thế ký 9:6, lời răn dạy: “Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa.” Và rằng, “Các ngươi sẽ không được làm nhiễm uế đất các ngươi ở, vì chính máu làm nhiễm uế đất ấy, và không có gì có thể tẩy rửa đất ấy khỏi máu đã đổ ra tại đó, ngoài máu của người đã làm đổ máu.”.

Rất khó để hiểu điều gì đã xảy ra với Cha sở Phaolo Quách Quốc Bình, nhưng hành động vừa qua, thì liệu Cha đã “tự diễn biến” theo hướng của Chính quyền??
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)