Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Giáo hội Phật giáo nhà nước Việt Nam vừa suy tôn lãnh đạo tinh thần tối cao đầu tiên là người miền Nam và từng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ chức giáo hội độc lập vốn bị chính quyền ‘chưa cấp phép’ hoạt động.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, đương kim đệ nhất phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, đã được Giáo hội nhất trí suy tôn làm ‘Quyền pháp chủ’ và sẽ được suy tôn chính thức làm Đệ Tứ Pháp chủ tại kỳ Đại hội toàn quốc của Giáo hội vào năm tới, báo Giác Ngộ đưa tin.
“Từ lúc tham gia Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng đã thực hiện được nhiều Phật sự, nổi bật trong đó có thể kể đến việc thành lập Hội đồng Giám luật, soạn thảo và thông qua Quy chế hoạt động của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Quy chế hoạt động của Hội đồng Giám luật.
Hòa thượng là vị có nhiều cống hiến cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có uy tín đối với Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trong cũng như ngoài nước, xứng đáng là bậc “Tùng lâm thạch trụ, Pháp chủ Giáo hội”.
Năm nay đã ngoài 80, nhưng Hoà thượng có sức khoẻ tốt, tinh thần minh mẫn, do đó, xin giới thiệu Hòa thượng đảm nhiệm Quyền Pháp chủ, điều hành mọi hoạt động của Hội đồng Chứng minh, và sẽ chính thức suy tôn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của GHPGVN vào cuối năm 2022” – trích tờ trình bằng văn bản trước Ban Thường trực về việc đề cử Quyền Pháp chủ theo quy định của Điều 17, Chương IV Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong trường hợp khuyết vị ngôi Pháp chủ.
Hòa thượng Thích Trí Quảng phát biểu, nhấn mạnh sức mạnh đoàn kết sẽ quyết định thành tựu trong mọi công việc. Ông bày tỏ “việc Tăng sai, tôi không dám từ chối nhưng trong lòng có nhiều suy nghĩ”. Vì vậy, ông xin giữ chức ngôi vị Đệ nhất Phó Pháp chủ cho đến Đại hội Phật giáo toàn quốc, và tăng ni sẽ “chọn một vị tiêu biểu thực sự để suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ của Giáo hội”.
Tuy nhiên, các trưởng lão, hòa thượng tham dự phiên họp hôm sáng 1-12 đã cùng ký vào biên bản đặc biệt, cung thỉnh hòa thượng Thích Trí Quảng đảm nhiệm Quyền Pháp chủ Giáo hội.
Lý lịch trích ngang đăng trên trang web Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, Hòa thượng Thích Trí Quảng, sinh ngày 15 -01-1940, quê quán xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, Sài Gòn, hiện cư ngụ tại chùa Ấn Quang đường Sư Vạn Hạnh, quận 10.
Từ 1952 – 1957, Hòa thượng tu ở chùa Huê Nghiêm – Thủ Đức. Từ 1957 – 1965, Hòa thượng Tu học tại chùa Ấn Quang. Từ 1965 – 1973, Hòa thượng đi du học tại Nhật Bản. Từ 1973 – 1975, Hòa thượng là Tổng vụ phó Tổng vụ kiến thiết Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Ấn Quang. Từ 1975 – 1980, Hòa thượng là Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Thanh niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
Từ 1980 – 1981, Hòa thượng là thành viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Một tài liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cho biết từ khi trở về Việt Nam, từ năm 1973 – 1975, Hòa thượng Thích Trí Quảng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bổ nhiệm làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Phiên dịch và Trước tác.
Có ý kiến rằng Hòa thượng Thích Trí Quảng đã ít nhiều chịu sự chi phối của Đảng trong chức trách Phật sự. Vì lẽ đó nên mới có việc vào ngày 13-11-2011 tại chùa Huê Nghiêm, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí trân trọng trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước đến Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Ngày 7-11-2017 tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2017 – 2022 tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, khi ấy Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM là ông Tất Thành Cang trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước đến Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Trong một diễn biến khác cũng ít nhiều mang màu sắc chính trị liên quan đến tổ chức Phật giáo, ghi nhận của Đài VOA, khi lấy ý kiến của Hòa thượng Thích Chí Viên, trụ trì chùa Linh Phong ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), về vấn đề trên, thì Hòa thượng Thích Chí Viên đã trả lời trên cương vị là Đệ lục Tăng thống, lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, lưu ý việc Hòa thượng Thích Trí Quảng từng là đại biểu Quốc hội, nhận được nhiều bằng khen, huân chương của chính quyền trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất không cho phép tu sỹ tham gia vào chính trị.
“Sự đóng góp của ngài là sự đóng góp cho Phật giáo nhà nước chứ không phải đóng góp cho Phật giáo nước nhà vì ngài nằm dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo Chính phủ”, Hòa thượng Thích Chí Viên nói.
Bài viết trên VOA có đoạn:
“Về cơ hội hòa hợp giữa hai giáo hội khi một vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội nhà nước từng trưởng thành dưới mái nhà Giáo hội độc lập, Đức Đệ lục Tăng thống nói ‘sẽ không có’.
“Nếu Hòa thượng Quyền Pháp chủ muốn hòa hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất thì không phải Ngài là người quyết định được mà do Đảng và Nhà nước quyết định”, Hòa thượng Thích Chí Viên giải thích.
Nhắc lại việc suốt 45 năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất không thể hội nghị, họp hành gì, ngay cả việc tự do đi lại cũng không, vị lãnh đạo tinh thần cao nhất của Giáo hội nói nếu chính quyền muốn hòa hợp thì ‘họ phải trả lại tư cách pháp lý cho Giáo hội’.
“Khi đó Giáo hội mới triệu tập Đại hội và sẽ có quyết định có để cho Đức Tăng thống gặp gỡ, nói chuyện với Đức Pháp chủ hay không”, Hòa thượng nói” (dừng trích).
Không rõ bài báo trên của VOA có nhầm lẫn, hay đây là thông tin chưa được kiểm chứng, vì ở Sài Gòn, rất nhiều Phật tử tại các chùa thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất như chùa Từ Hiếu, chùa Giác Hoa… cho biết suy tôn vị trí người đứng đầu, vẫn phải tuân theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, tức là chư tăng, các vị tôn túc, hội đồng lưỡng viện, các vị cư sĩ, các vị huynh trưởng ‘có trách nhiệm chọn và cung thỉnh trong một kỳ đại hội’.