VNTB- Phí visa ký: Lãnh sự quán Việt Nam “béo phì” ra sao?

Phương Thảo (Hà Lan)


(VNTB) – Nếu khách nước ngoài biết họ bị kê giá lên 10 lần so với giá chính thức cho một công hàm nhập cảnh thì liệu có ai còn muốn quay trở lại Việt nam?
Ta sướng nhầm
Cô bạn tôi báo tin đã xin miễn thị thực 5 năm với giá 50 euro, ngoài ra còn kèm theo 20 euro để được gởi bảo đảm về nhà mà không phải mất công đi đến tận Đại sứ quán. Giọng cô bạn tôi rất vui mừng vì giá quá ổn so với mỗi lần xin visa nhập cảnh phiền phức trước khi đi về Việt nam với giá cứ mỗi năm mỗi tăng.
Nhưng khi tôi nói đã bị lạm thu thì cô bạn tôi lại tỏ vẻ không tin. Tôi phải đưa đường dẫn có biểu giá chính thức của bộ ngoại giao và của bưu điện Hà lan để làm bằng chứng.
Này nhé, miễn thị thực lần đầu là 18 euro, cộng với thư bảo đảm gởi trong nước là 7,95euro. Tổng cộng là 25,95 euro. Trong khi tổng số tiền đã trả cho Đại sứ quán là 70 euro với số chênh lệch hơn gấp đôi số thực trả. Cô ngẩn ngơ nhưng rồi lại tự an ủi, thôi thì vẫn còn rẻ chán so với việc phải đi xin visa từng năm khi mà giá hiện hành là 92 euro cho một visa chưa kể tiền tàu xe và thời gian đi lại.
Xin giấy khai sinh và hộ chiếu Việt nam cho các cháu bé sinh ở Hà lan cũng có giá không rẻ chút nào. Giá cho cả hai loại này là 200 euro, nếu so với giá quy định thì đã bị thu cao hơn gần gấp ba lần. Trong khi đó việc khai sinh hộ tịch cho bé là được miễn phí ngay ở nước sở tại. Các bố mẹ biết là bị mất tiền oan nhưng lại cảm thấy may mắn vì các anh chị ở đại sứ quán hứa gởi giấy tờ cho về đến tận nhà.
Nói như vậy không phải ai cũng bị chặt chém quá mức. Những người có mối liên hệ nào đó với các anh chị trong Đại sứ quán thì sẽ được ưu tiên lấy giá rẻ hơn người khác. Giá rẻ nhưng so với giá biểu quy định vẫn không hề rẻ mà vẫn bị kêu lên cao hơn vài ba chục là chuyện thường. Ví dụ như hộ chiếu 55 euro thì chỉ phải trả có 90 euro thôi, khai sinh thay vì 4 euro thì trả thành 20. Nhưng các vị này lại vẫn sung sướng vì họ không bị chặt chém nhiều như những người không có mối quen biết nào với nhân viên lãnh sự.
“ Hãy kiểm tra biểu phí trước khi xin visa…”
“Hãy kiểm tra biểu phí ở website đại sứ quán Việt nam trước khi xin visa vì giá cả thay đổi hàng năm”, đây là câu khuyến cáo ở một trang mạng chuyên về du lịch Viêt nam. Trong đó việc hướng dẫn xin thị thực có hiệu lực nhập cảnh một lần trong một tháng được niêm yết rõ ràng với giá 77 euro. Theo đường dẫn đính kèm để người xin visa có thể kiểm tra mức phí các dịch vụ lãnh sự không hiển thị biểu phí lãnh sự bằng tiếng anh mà chỉ có tiếng Việt. Trong biểu phí bằng tiếng việt này có ghi rõ, giá cho một lần xin thị thực là 45 đô la tức chưa tới 40 euro. Điều này đồng nghĩa với việc du khách đã phải trả giá cao gấp hai lần so với giá quy định.
Đồng thời cũng ở trang mạng này và nhiều trang mạng khác về du lịch cũng có hướng dẫn du khách xin thị thực ngay cửa khẩu. Với loại thị thực này du khách chỉ có phải trả 19,99 đô la, nếu làm cho tròn là đúng 20 đô la cho thị thực cùng loại. Với cách hướng dẫn này thì rõ ràng du khách sẽ chọn mất 20 đô la thay vì 77 euro cho một lần đi xin ở tại đại sứ quán Việt nam.
Phí visa ở Hà lan có lẽ vẫn còn khá “nhân đạo” với du khách, vì một người bạn New Zealand của tôi cho hay lãnh sự thông báo họ phải trả 120 đô la khi đi tham khảo giá trực tiếp ở cơ quan lãnh sự. Dĩ nhiên họ không đồng ý với giá này và chọn mua thị thực trực tuyến và sẽ được đóng dấu khi đến sân bay. Ở Anh quốc sẽ có giá 157 đô la, ở Mỹ và Philippines là 100, ở Úc cũng lên đến 95 đô la. Đây là mức giá bình thường, nếu chọn làm gấp thì cứ cộng thêm 30 đô la nữa.
Với giá cao như vậy thì du khách đến Việt nam sẽ chọn mua thị thực qua các trung gian trên mạng. Lý do? Với số tiền chênh lệch đó họ có thể trả vài ngày tiền khách sạn ở Nha Trang hay làm một chuyến du ngoạn ở vùng Đồng bằng sông Cửu long.
Tây cũng sướng nhầm
Rất nhiều du khách đã truyền miệng cho các công dân mạng nên tránh xin visa ở tại các cơ quan lãnh sự Việt Nam ở quốc gia họ cư ngụ mà hãy chọn xin visa trực tuyến.
Tra cứu trên mạnh khi gõ từ khóa “thị thực tại sân bay” hay “Visa on Arrival Vietna” sẽ xuất hiện trên một triệu kết quả trong vòng nửa giây. Tất cả các quảng cáo nổi bật đều là giá thị thực mà các dịch vụ “cò thị thực trực tuyến” đưa ra. Giá từ 10 đô la trở lên cộng với phí đóng dấu thị thực tại sân bay là 45 đô la. Tây lại sung sướng vì họ có thể tiết kiệm được vài chục đô la xin thị thực dù cho có khi họ phải chờ đợi thêm một tiếng ở sân bay.
Lần theo trang web của bộ ngoại giao, tôi cũng phải khá vất vả mới tra cứu ra được biểu phí và lệ phí lãnh sự trong nước. Theo biểu phí này thì một công hàm cần thiết cho việc xin thị thực tại cửa khẩu nhập cảnh chỉ có giá 10 nghìn đồng tức tương đương với nửa đô la. Nếu biết họ bị kê giá lên 10 lần so với giá chính thức cho một công hàm nhập cảnh thì liệu có ai còn muốn quay trở lại Việt nam?

Du khách nước ngoài không biết họ bị chặt chém vì không ai có thể tìm ra một biểu giá chính thức ở các trang thông tin trực tuyến của đại sứ quán Việt nam ở các nước bằng tiếng Anh để tra cứu, chưa kể đến việc trang mạng được thiết kế không rõ ràng, khoa học. Đây là một việc làm thiếu chuyên nghiệp và không minh bạch có hệ thống. Thật xấu hổ khi các du khách kết luận rằng giá thị thực nhập cảnh vào Việt nam không nhất quán ở các cơ quan lãnh sự các nước và nhân viên lãnh sự tự đặt ra mức giá mà họ thích.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)