Lê Tự Do
(VNTB) – Tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết tiền đó được sử dụng thế nào…
“Tiền chùa mà” là cách nói dân dã mỗi khi muốn nói đến việc ai đó sẵn sàng tiêu xài phung phí. Đó là từ lóng của nghĩa bóng. “Tiền chùa” nghĩa đen là tiền công đức do người dân cúng dường, đóng góp cho chùa.
Có thể thấy, từ lóng “tiền chùa” được sử dụng mang tính châm biếm, giễu cợt nhiều hơn là yếu tố tích cực, nhân văn với những giá trị tốt đẹp mà bá tánh đã đóng góp công đức cho nhà chùa. Cốt lõi ở đây là tiền chùa chính là tiền công đức mà khách thập phương và Phật tử cúng dường, đóng góp cho nhà chùa được sử dụng vào mục đích gì và chi tiêu như thế nào?
Theo nghĩa của cụm từ “tiền chùa”, đó là tài sản của chùa hợp pháp do khách thập phương và các Phật tử đóng góp, cúng dường. Giới luật nhà chùa do đức Phật chỉ dạy đã nói rất rõ về việc sử dụng tài sản của chùa. Ở trong chùa, tất cả việc ăn uống tiêu dùng, dù nhỏ nhặt đều phải tiết kiệm và giữ gìn, vì đó là tiền do đàn tha tín thí thành tâm cúng dường.
Tôi từng được nghe một vị sư thầy chia sẻ rằng: “Có bao giờ mọi người suy nghĩ vì sao Phật tử lại muốn phát tâm cũng dường cho các sư không? Là bổn phận chăng?
Không, với họ đó chính là niềm kính tín Tam bảo, vì mến Tăng. Họ xem hình bóng Tăng bảo thay đức Phật truyền trao giáo pháp, với hy vọng cuộc đời sẽ bớt đau khổ. Họ kính Tăng vì họ biết Tăng đoàn đang khoác trên mình pháp phục của Phật, cúng dường Tăng vì mong muốn sẽ được phước đức – người dâng vật quý là mong phước lành”.
Thế nhưng xem chừng cách nghĩ đó của vị sư thầy còn tùy vào “địa phương tính” trong cách thể hiện niềm kính tín Tam Bảo.
Ở miền Bắc, dịp Tết cổ truyền tại một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Nôm (Hưng Yên), chùa Phật Tích, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… lượng người đổ về hành lễ mỗi ngày lên tới hàng chục ngàn người. Dịch vụ đổi tiền lẻ vì thế cũng nhộn nhịp.
Đổi tiền lẻ vì khách hành hương muốn “đặt lễ” qua chuyện rải tiền, nhét tiền vào tay hay miệng tượng Phật để xin lộc (?!).
Ở miền Nam, khách thập phương lễ chùa, dù cúng nhiều hay ít, thường kín đáo xếp tiền lại, có người thì bỏ tiền trong bao lì xì rồi bỏ vào khe hở ở miệng thùng, không phải tiền lẻ và tất nhiên người nghèo thì bỏ vào thùng theo khả năng của họ. Ở những nơi có đặt mâm lễ thì Phật tử cũng chẳng để tiền vào mâm, nếu có thì chỉ là tiền vàng mã. Có nhiều người đến chùa chỉ thắp nhang, lạy Phật và cầu nguyện, chẳng cúng thì cũng chẳng sao.
Việc quản lý tiền công đức, đóng góp của người dân cho xây dựng, tu bổ chùa chiền trên thực tế không phải chùa nào cũng làm tốt. Có những chùa để xảy ra những việc khá tai tiếng.
Năm 2014, trên mạng xã hội, báo chí đã rộ lên thông tin nhà sư Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, đi xe Maybach, sở hữu Iphone 6, điện thoại Vertu…và khoe cả những tài sản mình có bằng tiền Phật tử biếu, tặng trên facebook cá nhân.
“Do có tinh thần cầu thị, nhận ra lỗi lầm nên Thường trực Ban Trị sự không cảnh cáo sư thầy Thích Thanh Cường trước toàn Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, không bãi miễn chức vụ Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tứ Kỳ, cho giữ nguyên cương vị trụ trì chùa Cương Xá” – một nội dung thông cáo báo chí của vụ việc “xài tiền chùa” có cái kết “viên mãn” của “happy end” như vậy từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương.
… Giờ có thể là câu chuyện của chùa Ba Vàng như cách mà chùa này đang “lách luật” khi được Bộ Tài chính yêu cầu về báo cáo số liệu “tiền công đức”.